Bước nhảy hoàn vũ chỉ bó hẹp ở khiêu vũ thể thao, lại chỉ dành cho các ngôi sao. So you think you can dance (SYTYCD) thú vị hơn nhiều: Biên độ rộng, thí sinh có thể tham gia nhiều thể loại như múa đương đại, dance sport, ballroom, jazz, hip hop.
Ban đầu thí sinh chọn thể hiện sở trường, nhưng khi vào sâu, phải bốc thăm chủ đề theo yêu cầu của BGK thì gặp phải thể loại sở đoản là chuyện thường. Bù lại, thí sinh vào sâu được sự hỗ trợ của các biên đạo có tiếng trong dàn dựng tác phẩm.
Là một trong số chương trình truyền hình thực tế có lượng khán giả xem cao nhất ở Mỹ, SYTYCD không chỉ mang đến những màn trình diễn điêu luyện, mà còn ngập cảm xúc.
Mùa giải năm ngoái ở Mỹ, Lady Gaga nức nở trước bài biểu diễn của Marko vì tình yêu chàng trai dành cho khiêu vũ, và cảm xúc trong bài nhảy. Hơn nữa, chương trình đánh giá cao sự sáng tạo của thí sinh, cơ hội giúp họ bộc lộ cá tính, cảm xúc.
Không biết xu hướng ở Việt Nam ra sao, nhưng điểm qua các gương mặt thắng cuộc ở Mỹ đều dành cho những vũ công xuất sắc ở múa đương đại.
Thời gian gần đây, môn nghệ thuật này ở Việt Nam được biết đến nhiều hơn, nhưng vẫn đợi những gương mặt, tiết mục ấn tượng. Ngay trong hip hop cũng có bộ môn tương tự múa đương đại, đó là dạng thử nghiệm, người nhảy có thể nhảy trên bất cứ nền nhạc nào như jazz, rock, opera thậm chí cải lương.
Cuộc chơi có lợi thế cho dân chuyên nghiệp? “Hip hop chẳng hạn, đánh giá thế nào là chuyên nghiệp, không chuyên? Nếu múa có trường lớp đào tạo, học sinh tốt nghiệp có bằng cấp, thì đến nay hip hop Việt vẫn tự mày mò.
Tôi không đặt nặng chuyên hay không chuyên, mà nhìn nhận khả năng ai tốt hơn, người ta làm được gì, mang lại gì cho khán giả mới quan trọng”, Nguyễn Viết Thành, trưởng nhóm nhảy Big Toe nói.
Ban giám khảo có vẻ hội tương đối đủ các mảng miếng trong lĩnh vực nhảy múa: Viết Thành là một trong số người tiên phong đưa hip hop về Việt Nam.
Trần Ly Ly có tiếng trong giới biên đạo trẻ. John Huy Trần, biên đạo sinh ở Canada, người mang dòng máu Việt hiếm hoi tham gia sân khấu Broadway. Anh không những thích múa đương đại, jazz, mà còn đam mê cả hip hop, ballet và quen thuộc với vai trò giám khảo nhiều cuộc thi nhảy trong nước thời gian qua.
Những người ngồi ghế nóng gần đây cũng phải đối mặt với dư luận nhiều chiều. Trưởng nhóm Big Toe cho biết: “Ba giám khảo chấm ba lĩnh vực khác nhau, đảm bảo các khía cạnh chuyên môn. Tôi cảm thấy cũng ổn, khi điểm gì họ cần đến mình thì mình chịu trách nhiệm, cái gì mình không tốt được bằng giám khảo khác thì đã có họ đứng ra. Đến vòng gala dự định có nhiều người cầm cân nảy mực hơn”.
“Lăn tăn” về chất lượng thí sinh? Phạm Khánh Linh tức Linh 3T, trưởng nhóm S.I.N.E (Nói là không đủ)-tách ra từ nhóm Big Toe, hướng đến phát triển hip hop gần gũi với nghệ thuật đương đại- từng được giải thưởng tại giải đấu hip hop ở Pháp, tỏ ra băn khoăn: “Chúng tôi nhận được thư mời của BTC, chưa dám chắc có tham gia hay không. Nhiều người trong nghề như tôi hiểu được trình độ Việt Nam đến đâu, tôi không chắc chắn lắm về chất lượng của lần tổ chức đầu tiên, dù tôi mong cuộc thi thành công”. Chương trình quy mô lớn, thời gian kéo quá dài cũng gây khó cho nhiều người chuyên nghiệp. Thêm nữa, Linh 3T thắc mắc về chất lượng giám khảo. “Ở Việt Nam hiếm có vị giám khảo nào am hiểu lĩnh vực nhảy múa, và có đủ tiếng nói thuyết phục trong cộng đồng vũ công ở các cuộc thi bầu chọn hay trên truyền hình. SYTYCD là cuộc thi nhảy múa ở nhiều lĩnh vực, nên giám khảo không chỉ cần giỏi ở một môn mà cần có trải nghiệm trong nhiều lĩnh vực”, trưởng nhóm S.I.N.E nói. Cuộc thi dành cho độ tuổi 16 đến 30, tuyển sinh ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 8. |