Lại rụng thêm một chiếc lá

Lại rụng thêm một chiếc lá
TP - Năm nay chẵn một hoa giáp tờ Tiền Phong ra số đầu. Bấn bíu thì thôi, nhưng lỡ trót bập vào những cơn nghĩ ngợi lẩn thẩn thấy gần 40 năm qua cứ thi thoảng lại phải tiễn đưa những anh chị, những đồng nghiệp. Người thì đã đành một nhẽ trọn kiếp lá vàng về cội. Nhưng con Tạo cũng phũ phàng đùng cái đột ngột dứt đi những cọng xanh mà người ta vẫn gọi là bất đắc kỳ tử- chết mà chưa đến cái chết của nó!

Những tưởng dịp chẵn một hoa giáp 60 năm lớp trẻ Tiền Phong được quần tụ với ba người từng xúm tay để sinh hạ tờ báo Tiền Phong đầu tiên số ra ngày 16/11/1953 ở Chiến khu Việt Bắc. Từng lao tâm khổ tứ thời khai sơn phá thạch ấy thì có nhiều nhưng thời gian nghiệt ngã chỉ chừa lại ba vị ấy thôi. Họa sĩ Tôn Đức Lượng, người vẽ maket và trình bày báo. Số báo đầu tiên ấy, nhà báo Văn Quý (họ Nguyễn) bút danh là Vũ Giang có truyện ngắn ở trang một. Ảnh của Tân Sơn (sau này là nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam) cũng ở trang 1.

Nhà báo Văn Quý - Vũ Giang đã không đợi được đến thời điểm trung tuần tháng 11 năm nay khi mà tờ báo ông góp phần khai sinh tròn 60 tuổi.

Về nhập tịch làng Tiền Phong, khu tập thể 128 Hàng Trống, làm hàng xóm của nhà báo Vũ Giang lâu lâu tôi mới biết cái bài trong sách giáo khoa lớp 5 có tên Đêm mưa ấy không phải là một bài báo mà trích ra từ truyện ngắn cùng tên. Dai dẳng thay trí nhớ một thời. Đến giờ câu cuối còn ám còn mồn một Tiếng ếch nhái kêu ran trên cánh đồng lúa chiêm vừa gặt.

Vợ chồng ông Vũ Giang Ảnh Gia đình cung cấp
Vợ chồng ông Vũ Giang Ảnh Gia đình cung cấp.

Nghiệp báo chừng như cuốn một Vũ Giang tất tả với những tân văn không kịp có thời giờ công sức mà đôi hồi với văn chương, với sáng tác mà Vũ Giang không ít triển vọng cùng say mê. Nhà báo Vũ Giang nhiều năm phụ trách trang Văn nghệ và Thư ký tòa soạn tờ Tiền Phong. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam còn lưu được tấm ảnh nhà báo Vũ Giang đội mũ sắt vác bao gạo chui lên ở địa đạo Vĩnh Linh mà Vũ Giang với tư cách là PV Tiền Phong thường trú miền đất lửa...

Nhớ lâu hơn những buổi rét tái tím ở Tòa soạn, mấy anh chị em quần tụ trong căn phòng bàn ghế xập xệ. Có một buổi, Ủy viên Biên tập Lê Thị Túy kể cho chúng tôi một chuyện, đúng hơn là một kỷ niệm, nghe vừa lạ vừa hãi.

Ấy là một đêm trăng thu, nhà báo Vũ Giang và cô phóng viên trẻ Lê Thị Túy hai người hai xe đạp song song với nhau như thế, chuyện nối chuyện từ Hà Nội ngược lên mãi Phố Gạch gần thị xã Sơn Tây (cô TNXP Lê Thị Túy về Tiền Phong cuối năm 1954, cùng ngày với Bùi Ngọc Tấn và Vũ Lê Mai; sau này anh phóng viên Ban Thanh niên công nhân Bùi Ngọc Tấn đã thành nhà văn có danh và Vũ Lê Mai cũng là một đạo diễn biên kịch cũng có tiếng).

Rồi những câu chuyện không đầu không cuối cũng dìu đôi nam thanh nữ tú ấy trở lại 15 Hồ Xuân Hương thì đã sáng bạch. Sau đêm trăng xe đạp ít lâu, họ tổ chức đám cưới. Đó là ngày 30/3/1958.

Trí nhớ chị Túy tốt một phần nhưng phần chị nhớ hơn là anh chị quyết định tổ chức đám cưới vào cuối tháng như thế vì không muốn làm phiền mọi người phải đi mua đồ mừng. Thời ấy nó vậy. Ít người dư dật. Mồng 5 hàng tháng phát lương đợt 1. Đến 17 đợt 2. Cuối tháng đã sạch bách. Đám cưới ở cơ quan Trung ương Đoàn lúc đó ở 64 Bà Triệu. Chỉ chút bánh kẹo nước trà. Nhưng sang trọng xôm tụ bởi anh phóng viên Đinh Văn Nam (sau này là Tổng Biên tập) vác đến cái máy hát quay tay. Con trai đầu lòng anh chị đặt tên là Tiên Phong. Lấy tên tờ báo, tên cơ quan để đặt tên cho con đủ biết một thời các ký giả nhà ta chí cốt với sở làm đến như thế nào?

Ông Vũ Giang thời ở tuyến lửa Vĩnh Linh
Ông Vũ Giang thời ở tuyến lửa Vĩnh Linh.

Con đường dẫn anh tú tài trường Thăng Long Nguyễn Văn Quý lên An toàn khu và về Khu Đoàn Việt Bắc rồi Văn Quý có mặt thời điểm báo Tiền Phong ra số đầu là cả một câu chuyện dài. Cũng dài như nỗi đau người hàng xóm của tôi đột ngột mất đứa con trai thứ hai năm ấy. Và dài như thời gian nhà báo Vũ Giang chuyển công tác sang Báo Nhân Dân.

Một lần ngồi lâu lâu với chị Túy khi đã chuyển công tác cơ quan khác mới biết nhà báo Vũ Giang cũng chí cốt với Tiền Phong lắm, nhưng hồi đó có chỉ thị (miệng) rằng, nếu có điều kiện thì lớp cán bộ cũ nên chuyển công tác để tạo điều kiện cho lớp trẻ phát triển (?)

Có phải vậy mà người của Tiền Phong có mặt ở nhiều nơi nhiều vùng? Như một thứ ong san bọng, chia đàn?

Rụng đi không ít cuộng, nhưng ngước lên Tiền Phong vẫn sum suê những lộc, lá...

Đêm 21/5/2013

Tin buồn

Ban Biên tập, Đảng ủy báo Nhân Dân, Ban liên lạc hưu trí báo Nhân Dân; Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cùng gia đình thương tiếc báo tin:

Nhà báo Vũ Giang

Tên khai sinh là: Nguyễn Văn Quý

Sinh ngay 31/12/1924; quê quán xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, thường trú tại số 17 Tống Duy Tân, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; nguyên Trưởng ban thư ký tòa soạn báo Tiền Phong, Phó trưởng các Ban Thư ký - Biên tập, Ban Chính trị - Xã hội, Ban Xây dựng Đảng báo Nhân Dân; Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, các Huy chương: Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam, Vì sự nghiệp báo Nhân Dân, Vì nghĩa vụ quốc tế, Vì thế hệ trẻ và nhiều phần thưởng cao quý khác; đã từ trần hồi 8 giờ 44 phút ngày 20/5/2013, hưởng họ 90 tuổi.

Lễ viếng từ 7 giờ 30 ngày 23/5/2013 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 9 giờ cùng ngày; hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ, Hà Nội; An táng tại quê nhà tỉnh Bắc Ninh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG