TỪ CHỐI BẠO LỰC
Giám đốc Phúc lợi động vật Tổ chức Động vật châu Á David Neale gửi thư cho UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Sở VHTT Hải Phòng và Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn. “Các hoạt động trong lễ hội như huấn luyện, chọi trâu và giết mổ sau trận đấu là hoàn toàn không phù hợp với định hướng phát triển một nền văn hóa Việt Nam văn minh, tiên tiến. Lễ hội để lại nhiều trải nghiệm tiêu cực cho du khách, khi trở về họ sẽ mang theo những hình ảnh về một lễ hội lạm dụng động vật để tiêu khiển hơn là một thành phố Hải Phòng hiện đại và năng động”, ông David viết.
Tổ chức này lí luận, việc chứng kiến động vật chọi nhau và sau đó chúng bị giết để lấy thịt bán ngay bên ngoài đấu trường có thể khiến con người ngày càng vô cảm trước bạo lực, đặc biệt là trẻ em khi tâm lý và nhận thức chưa vững vàng. Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những người chứng kiến hay thực hiện hành vi bạo hành động vật sẽ có xu hướng bạo lực với cộng đồng. Đại diện tổ chức này cũng nhấn mạnh vấn đề nổi cộm năm qua: Chủ trâu Đinh Xuân Hướng thiệt mạng trong vòng loại chọi trâu Đồ Sơn 2017. Trước đó, năm 2006 và 2007 trâu chọi gây thương tích cho trọng tài và người dân ngồi xem trên khán đài.
“Việc tiếp tục tổ chức lễ hội cũng là trái với ý định xây dựng nền văn hóa tiên tiến của Nhà nước, theo đó cần đề cao các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và tính nhân văn còn các hủ tục cần được loại bỏ”, ông David nêu quan điểm. Tổ chức này kêu gọi Hải Phòng hợp tác chấm dứt lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.
TIẾP TỤC TRANH CÃI
Hơn một tháng sau khi lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 khép lại, chiều 4/11, Tổ chức động vật châu Á tổ chức cuộc tranh biện chủ đề “Duy trì nghi lễ hiến sinh trong các lễ hội để bảo tồn nền văn hóa”. Ông Nguyễn Tam Thanh, Tổ chức động vật châu Á trình bày báo cáo về lễ hội chọi trâu, trong đó đưa ra điều tra khá tỉ mỉ về quy mô lễ hội phát triển trong suốt những năm qua: Năm 1991 có 6 trâu chọi, 2009 là 16 con và năm nay là 18 con. Tổ chức này chỉ ra dù chỉ có người dân quận Đồ Sơn mới được đăng ký tham gia lễ hội nhưng trâu chọi lại được mua từ các tỉnh thành khác, thậm chí chuyển từ Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào.
Quan tâm tới phúc lợi động vật, tổ chức này lo ngại chế độ dinh dưỡng và tập luyện của trâu chọi: Ngoài thức ăn thường gồm 15kg bã bia, 7kg cám, 50kg cỏ voi, 10kg rơm, trâu chọi còn được tẩm bổ hai chai bia và 10 lòng đỏ trứng gà, thậm chí có chủ trâu cho dùng mật gấu, nhân sâm và mỡ trăn. Chế độ dinh dưỡng này để trâu đáp ứng chế độ tập luyện như bơi trong đầm lầy, chạy trên đường nhựa và những hình thức khác khiến trâu càng trở nên hung hãn. Đặc biệt khi đưa vào sân, trâu chọi còn được mài sừng để tăng tính sát thương. Dù ghi nhận đây là lễ hội truyền thống của dân chài Đồ Sơn, Tổ chức này lo ngại lễ hội truyền đi thông điệp sai về việc sử dụng động vật làm trò tiêu khiển cho con người. Cho rằng lí lẽ “văn hóa”, “truyền thống” trong các lễ hội hiến sinh ở Việt Nam như cầu trâu, chém lợn là ngụy biện, Tổ chức này cho rằng văn hóa và truyền thống thay đổi và phát triển theo thời gian.
Sau những lùm xùm của vòng loại ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017, Bộ VHTT&DL tạm dừng và tổ chức lấy ý kiến các nhà quản lý, nhà khoa học hồi tháng 9. Nhiều nhà khoa học, văn hóa từng nêu quan điểm nên chăm chút thay vì cấm, bởi “nhìn theo hoàn cảnh lịch sử, huyện thoại nó có giá trị văn hóa và tâm linh”. Các nhà văn hóa như GS Tô Ngọc Thanh, PGS.TS Lương Hồng Quang nhấn mạnh đến vai trò nhà quản lý, làm sao để các lễ hội này không ngày càng biến tướng và mang nặng tính thương mại hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến thiên về bảo vệ lễ hội có tính hiến sinh như chém lợn, chọi trâu một số nhà nghiên cứu như TS Bùi Trọng Hiền cho rằng việc mang trâu chọi ra sân vận động có bán vé thì lễ hội không còn mang nghĩa di sản văn hóa nữa.