Lại chuyện quá tải chương trình tiểu học

Lại chuyện quá tải chương trình tiểu học
Bước vào đầu năm học mới, điệp khúc chương trình học của học sinh tiểu học quá tải khiến không ít học sinh vất vả, còn phụ huynh lại lo lắng. Giải thích về điều này, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, học sinh đang học theo chuẩn kiến thức kỹ năng đến từng bài do bộ quy định.

Các nhà biên soạn chương trình, sách giáo khoa đều có chung một nhận định rằng, sách giáo khoa mới có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với chương trình cũ và hệ cải cách trước đây. Nhưng, một vài năm trở lại đây, không ít học sinh tiểu học đang "đánh vật" với mỗi ngày đến trường vì một lý do không hiểu bài.

Chị Thu Trà có con gái năm nay vào lớp 1, trường Đặng Trần Côn A (Hà Nội) cho biết: "Con gái tôi tập trung ở trường vào ngày 2/8, tuần học ba buổi. Sau nửa tháng đến lớp, cô giáo đã phát phiếu tập đọc, đọc cả câu. Toán đã làm bài theo cách như: ...< 5 <... Cô giáo còn cho viết ghép từ luôn như từ 'cá khô' Con tôi gần như chưa biết gì về những kiến thức này".

Theo nhận xét của phụ huynh thì chương trình học lớp 1 quá tải cộng với phong trào "học trước khi vào lớp 1" ở thành phố dẫn đến tình trạng quá tải đối với cả học sinh lẫn phụ huynh.

Cùng chia sẻ này với chị Thu Trà, một phụ huynh có con học trường Đặng Trần Côn A tâm sự về buổi đầu tiên đến làm quen lớp của con: "Cô giáo đã phát ngay phiếu đọc, hôm sau kiểm tra luôn khả năng đọc 'trơn' của học sinh."

Con nhà mình nằm trong số 13/60 bạn của lớp là chưa đọc được. Hôm nào cũng tập viết cả, các bạn khác chủ yếu toàn 8 - 9 điểm, con mình chỉ được 7 điểm là căng. Đa số phụ huynh cho biết, con họ học được là do đã đi học từ trước đó sáu tháng đến một năm. Chương trình học lớp 1 đã vậy nhưng chương trình các bậc học khác cũng khiến cha mẹ học sinh "choáng."

Chị Thúy Hà có con đang học lớp 3 ở một trường tiểu học tại Hà Nội kể: "Bài tập tiếng Việt lớp 3 của con trai tôi như sau: Em hãy giải nghĩa các từ sau bằng cách tìm và giải thích các từ trái nghĩa với nó thiện - lành - cứng. Con tôi lắc đầu đưa mẹ làm hộ. "Từ "thiện" giải nghĩa đã khó lại còn giải nghĩa bằng cách tìm ra từ trái nghĩa với nó, sau đó, nói ý nghĩa của từ đó. Học sinh lớp 3 mới 8 tuổi, liệu có đủ kiến thức để giải nghĩa một cách đầy đủ thiện và ác?".

Trước nhiều ý kiến về giảm tải chương trình ở bậc tiểu học, bà Nguyễn Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thực chất việc quá tải trong chương trình chỉ có thể đặt ra ở những vùng khó khăn về điều kiện giảng dạy, ở những vùng thiểu số.

"Chương trình học ở bậc tiểu học đã được bộ thực hiện, rà soát nhiều lần và chỉ đạo dạy học theo vùng miền, trong đó đặc biệt lưu ý đến dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng, tới từng bài yêu cầu học sinh cần đạt được những kiến thức gì. Khi đã dạy theo chuẩn kiến thức kỹ năng sẽ không có chuyện giảm tải chương trình nữa", bà Thắm dẫn chứng.

Trong khi đó, chỉ đạo về chương trình bậc tiểu học của Bộ Giáo dục-Đào tạo ghi, thực hiện chương trình các môn học một cách linh hoạt, đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với thực tiễn giáo dục địa phương theo đúng công văn "Hướng dẫn dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình".

Đón nhận những ý kiến phản ánh từ các sở giáo dục đào tạo, hai năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cho giáo viên nghiên cứu chuyển kiến thức, kỹ năng của chương trình tiểu học, nắm vững tài liệu hướng dẫn dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và bộ tài liệu phương pháp dạy học các môn của bộ, trong đó nhấn mạnh đến xây dựng kế hoạch chỉ đạo, tạo điều kiện để các nhà trường nâng cao hiệu quả trong công việc giúp đỡ học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi đồng thời tổ chức kiểm tra, đánh giá, phổ biến kinh nghiệm tốt, tránh bệnh hình thức.

Theo Lê Vân
Báo Tin Tức/Vietnam+

MỚI - NÓNG