Bà Lý Thị Mai, 40 tuổi, dân tộc Nùng, trú tại Gia Cát, huyện Cao Lộc, đang bán hai sọt rau sau sau, tại đầu chợ Giếng Vuông, phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn đon đả giới thiệu với khách qua đường: “Mua rau rừng thứ thiệt Gia Cát đi. Loại rau màu tía, ăn mát, chữa bệnh đấy. Hạ giá thôi, mỗi mớ, 2.000 đồng”. Nhìn vào sọt rau trên chiếc xe đạp, đã vơi đi một nửa.
Bà Mai cho biết, mỗi ngày bà chở ra chợ hơn 100 mớ, bán từ sáng đến chập tối thì hết hàng. Cách đây chừng nửa tháng, ít người hái rau sau sau, bán được 5.000 đồng/mớ. Nay nhiều người dân ở bản Nà Sao, quê bà theo nhau lên núi hái và mang ra chợ bán rất nhộn nhịp.
Lá sau sau, mọc hoang dại, trổ lá trên đồi, núi Lạng Sơn rất nhiều vào mùa xuân, có tác dụng làm thuốc. Người dân lấy lá sau sau non, rửa sạch nấu canh, ăn lẩu. Nhưng ngon nhất là ăn ghém với mẻ.
Ở vùng Sì Nghều (huyện Lộc Bình), bà con có một thứ nước chấm “đặc chủng” tên là Xà đúc, ăn với rau sau sau rất tuyệt vời, một lần ăn, nhớ mãi không quên. Xà đúc được lấy nguyên liệu từ tuỷ của xương lợn, kết hợp với một số gia vị cả địa phương, ủ men lâu ngày mà thành.
Bà Mai bảo: Cây sau sau cho “lộc” mỗi khi tết đến, xuân về. Sau những ngày ăn thịt, bánh chưng ngấy, lá sau sau là sự lựa chọn của nhiều gia đình. Ăn lá sau sau mới đầu hơi có vị chát, song đem lại sự sảng khoái, ngon, lành, có tác dụng chữa đại tràng rất tốt.
Hiện nay, ở các chợ đầu mối ở thành phố Lạng Sơn như: Chợ Kỳ Lừa, Đông Kinh, chợ Chi Lăng, có hàng trăm người dân tộc thiểu số ở Gia Cát, Hoà Cư, Cao Lâu (huyện Cao Lộc), Vân Thủy, Bản Thí (huyện Chi Lăng), thồ xe đạp, bán rong lá sau sau.
Không chỉ người dân bản địa thích ăn, nhiều khách phương xa cũng đã biết đến loại rau rừng này, mua về xuôi làm quà biếu người thân.