Lạ lùng giếng cổ 'nuốt' đồ vật ở Quảng Ngãi

Lạ lùng giếng cổ 'nuốt' đồ vật ở Quảng Ngãi
Một cái giếng cổ ở Lý Sơn, Quảng Ngãi, đã hơn 200 năm tuổi, có khả năng chứa được cả trăm người và… biết “nuốt” đồ vật.

> Giếng cổ chưa bao giờ cạn ở Hà Tĩnh
> Mộ cổ, giếng cổ, đồ cổ về bảo tàng Hà Nội

Ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) có một cái giếng vô cùng nổi tiếng mà hầu như ai cũng biết: giếng Xó La, hay còn gọi là giếng Vua. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, trên hòn đảo nhỏ này còn có một cái giếng cổ đã hơn 200 năm tuổi có khả năng chứa được cả trăm người và… biết “nuốt” đồ vật.

Về Lý Sơn vào một ngày cuối tháng 11, chúng tôi được thượng sĩ Lê Văn Phú, đang công tác tại Công an huyện Lý Sơn, kể cho nghe về những điều mà người dân ở thôn Đông, xã An Hải xầm xì về một cái giếng cổ và có nhiều chuyện lạ.

Những lời xầm xì về giếng “lạ” lúc họp thôn

Anh Phú cho biết, anh làm bên trinh sát và có nhiệm vụ nằm vùng để bám sát địa bàn xã An Hải. Với tính chất công việc đặc thù như thế nên hầu như ngày nào anh cũng “ăn nằm” ở đấy. Tất nhiên, những sự việc xảy ra hằng ngày trên địa phương này anh đều nắm rõ.

Trong một lần được mời đi dự cuộc họp của bà con thôn Đông, anh có nghe mọi người truyền tai nhau câu chuyện về một cái giếng rất “lạ”. “Không riêng gì mình mà nhiều người cũng tỏ ra rất ngạc nhiên khi biết nơi mình đang sinh sống có cái giếng như thế”, anh Phú bộc bạch.

Lúc này, cuộc điện thoại gọi có chuyện đột xuất nên anh Phú chỉ kịp “khoanh vùng” cho chúng tôi về nơi những lời đồn thổi đó rồi nhanh chóng lao vào công việc của mình.

Theo sự chỉ dẫn của anh, chúng tôi đã tìm về khu dân cư số 3, thôn Đông, xã An Hải - nơi được xem “điểm nóng” của câu chuyện giếng “lạ”. Tuy nhiên, khung cảnh ở đây lúc này có vẻ vắng lặng. Sau một chút hỏi thăm thì mới biết do ở đây đa phần người dân đều làm nông nên đã lên rẫy làm đất để chuẩn bị cho vụ tỏi sắp tới.

Khi nghe chúng tôi đề cập đến giếng “lạ” thì chị Hà, bán tạp hóa, lấy khẩu trang ra và nói: “Tui cũng chỉ mới nghe à. Hai anh chạy tới chỗ cắt tóc kia kìa (chị Hà chỉ tay theo), ở đó có mấy ông già hôm họp thôn chắc là biết chuyện này đấy”.

Đúng như lời chị Hà, tiệm cắt tóc lúc này tuy không có khách nhưng có hai người đàn ông cao tuổi đang ngồi đánh cờ tướng. Thấy chúng tôi đi vào, một chàng thanh niên có vẻ là chủ tiệm chạy ra mời vào. Khi biết chúng tôi đến không phải để cắt tóc mà vì câu chuyện về giếng “lạ” thì anh ta không những không phật ý mà còn đon đả: “Thì hai anh cứ vào, vừa xem hai ổng đánh cờ vừa nghe kể về cái giếng đó”.

Một ông tên là Phan Thanh Tâm, 61 tuổi, cho biết: “Đó là đợt họp thôn hôm giữa năm. Sau khi mọi việc đã sắp xếp đâu vào đấy thì lúc bấy giờ mọi người mới thư thả nói mấy chuyện linh tinh. Lúc cao hứng, ông Dự có nói cho mọi người nghe về cái giếng ở nhà ổng.

Thật ra cái giếng này bọn tui cũng biết, nhưng do lo làm ăn, vả lại cũng lâu quá rồi không thấy ai nhắc nên cũng quên bén đi. Có hôm đó ổng nói thì chúng tui mới nhớ chứ không thì cũng chẳng ai nhớ làm gì cho mệt”.

Ngừng lại một chút để suy tính nước đi của quân cờ, ông Tâm tiếp tục: “Hồi còn nhỏ, tụi tui hay đến nhà ổng để chơi lắm. Lúc đó cái giếng chưa có bờ thành nên nhiều khi bọn tui lại “lọt” xuống dưới đó.

Thấy xung quanh rộng nên cũng mò vô xem thử, tuy nhiên chỉ vô được một chút là bọn tui không đứa nào dám vô nữa vì sợ. Nghe đâu nó chứa được cũng cả trăm người chứ chẳng chơi đâu”.

Thượng sĩ Lê Văn Phú đang quan sát cái giếng
Thượng sĩ Lê Văn Phú đang quan sát cái giếng.

… Đến nghe chủ nhân kể về giếng “lạ”

Sáng hôm sau, chúng tôi được anh Phú dẫn đường đến nhà ông Trần Dự, 63 tuổi, chủ nhân của giếng “lạ” mà người dân trong vùng gần đây đã có lời đồn thổi.

Ông Dự cho biết, cái giếng này có từ thời cố nội của ông, đến nay dễ gì cũng trên dưới 200 năm nên có thể gọi đây là một giếng cổ. Ngay từ lúc ông còn bé, đã thấy đằng sau nhà mình có một cái giếng. Tuy nhiên, khi ấy với bản tính trẻ con nên ông cũng không để ý gì nhiều ngoài việc cái giếng đó là nơi để cung cấp nước sinh hoạt cho cả nhà ông và mấy hộ xung quanh.

Một đặc điểm ông thấy khác biệt nhất mà bây giờ so với hồi đó là cái giếng đã được xây bờ thành hẳn hỏi. “Mà nói bây giờ cũng không phải, vì cái thành giếng từ lúc xây xong đến nay cũng được gần 50 năm rồi”, ông Dự cho biết thêm.

Nhằm mục đích đem lại sự “sinh động” cho khách, ông đề nghị dẫn chúng tôi ra sau nhà để vừa xem giếng vừa kể chuyện. Phải công nhận khoảnh đất sau nhà ông rất rộng, chủ nhân đã tận dụng làm vườn mãng cầu.

Qua mấy liếp mãng cầu chúng tôi đã thấy được cái giếng “lạ” nằm giữa vườn mãng cầu xanh mơn mởn. Thoạt nhìn bên ngoài nó trông giống như bao cái giếng bình thường khác, cộng thêm một đặc điểm chung thường gặp ở những cái giếng dùng trong gia đình trên đảo Lý Sơn là nó cũng được “trang bị” một mô-tơ bơm nước chạy bằng điện để bơm lên bồn chứa, ngoài ra, nó không có một biểu hiện gì là lạ cả.

Ông Dự bên giếng “lạ”
Ông Dự bên giếng “lạ”.

Giếng nước hơi nhỏ, bờ thành giếng cao tầm 0,5m, bán kính giếng khoảng 0,3m. Ông Dự cho biết chiều sâu của cái giếng tính từ đáy lên trên mặt đất chưa tới 5m, xung quanh được xây bằng đá vôi (nay đã phủ màu rêu xanh).

Đoạn từ đáy giếng trở lên tầm khoảng 1,5m là đất đá vôi kết lại. Sau khi hướng dẫn chúng tôi đứng về góc không che ánh sáng, ông Dự chỉ tay xuống đáy giếng trong veo và bảo: “Đấy, các chú nhìn kìa, mạch nước của cái giếng này nó phun từ dưới lên chứ không phải chảy ngang”.

Nhìn theo hướng chỉ tay của chủ nhân, chúng tôi thấy từ đáy giếng có khoảng ba, bốn “ụn nước” (theo cách nói của ông Dự) được tạo thành và cơ hồ, nếu như đủ mạnh thêm tí nữa thì nó sẽ vượt khỏi mặt nước mà phun thành vòi.

“Cái này chưa phải là lạ đâu, nếu có bấy nhiêu đó thì nhằm nhò gì, và làm sao mà người ta đồn thổi như những lời các chú nghe”, ông Dự nói như biết được thắc mắc trong lòng của chúng tôi. Rồi ông ngồi lên thành giếng, mặt quay về hướng vườn mãng cầu, ông bảo: “Ở dưới đáy giếng nó tạo thành cái bồn rộng lắm, chắc cũng phải hết cái vườn mãn cầu này”.

Cũng theo ông, bồn giếng tuy rộng nhưng hơi “khiêm tốn” về chiều cao, ước chừng nó có thể chứa được cả trăm người trưởng thành nhưng phải ở tư thế đứng khom. Thêm một đặc điểm nữa là độ rộng của bồn giếng không đều mà mở rộng theo hướng tây.

Tuy nhiên, theo ông Dự, đó là chuyện của cách đây mấy chục năm còn bây giờ thì bồn giếng hơi bị thu hẹp do bị đất lở lấp lại. Lần ông xuống gần đây nhất cũng gần chục năm, lúc đó ông xuống để đặt lại vòi rồng máy bơm nước, ông định chui vô để xem nhưng thấy đất lở nhiều quá nên sợ. Từ đó đến nay chưa có ai xuống giếng cả.

“Hồi đó cái hang để chui vô bồn giếng cao hơn so với mực nước của cái giếng nên bọn tui thường hay leo xuống để chui vô đó chơi… năm mười. Có những lần tui bị ông bà già dọa đánh đòn cũng xuống đó để trốn. Còn bây giờ thì nước giếng lấp luôn miệng hang nên không thể vô được”, ông Dự chia sẻ.

Bên trong giếng “lạ”
Bên trong giếng “lạ”.

Lúc này thì bà Phạm Thị Tồn, 84 tuổi, mẹ của ông Dự cũng ra “góp vui” cùng chúng tôi: “Hồi cái giếng này chưa xây bờ thành nó thường hay… “nuốt” đồ vật, heo gà lắm”. Hỏi ra mới biết, do không có bờ thành nên những vật nuôi trong nhà thường hay bị rớt xuống giếng. Những con vật này khi rớt xuống lại chui vô bồn giếng và ở luôn trong đấy.

“Lúc đầu mọi người đi tìm nhưng không ra, sau này khi biết rồi thì cứ hai, ba ngày là xuống để đưa “bọn nó” lên một thể”, cụ Tồn hài hước.

“Nhưng có một điều lạ là, lâu lâu đòn gánh hay thùng gánh nước… rớt xuống dưới, bọn tui xuống lấy liền nhưng không thấy. Vậy mà vài hôm sau xuống lại thấy sờ sờ trước mặt”, bà cụ thắc mắc.

Mong được giải thích rõ ràng

Tuy không cần thiết lắm nhưng gia đình ông Dự rất mong có người đến để nghiên cứu và giải thích những điều lạ lùng đối với cái giếng này. Còn hiện tại, ông Dự chỉ biết dựa vào tâm linh để giải thích những điều đó.

Theo ông Dự, có một truyền thuyết, theo đó thì cái giếng này được đào cùng với một đường hầm để đưa nhà sư đến tu hành ở chùa Hang.

Đó là lý do vì sao mà cái bồn giếng lại rộng theo hướng tây (hướng đến chùa Hang), và hơn nữa, hiện gia đình ông cũng đang giữ những giấy tờ liên quan đến chùa Hang và trông coi ngôi chùa này.

Theo Đòng Đời

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái
Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái
TPO - Nhiều ngày nay, bất kể thời tiết nắng nóng gay gắt, khắp các tuyến đường giao thông nông thôn tại huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) rộn rã tiếng hô hào của người dân đang cùng nhau đan rọ, bê đá, vá đường nhằm thông tuyến để bà con đi lại thuận tiện.