Người tốt bụng sẽ được chọn cho đá “ăn”
Làng Le cách thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) hơn 120km. Để đến được nơi này phải men theo con đường vắt vẻo qua hàng chục sườn núi. Ngày mưa tháng 9 đường trơn trượt, nguy hiểm, nhưng khi chúng tôi “ngoi” tới đỉnh, cảnh đẹp hùng vĩ hiện ra dù từng cụm mây vẫn trút mưa xuống dòng sông uốn lượn trên đất Kon Tum. Sau khi mãn nhãn với bồng lai tiên cảnh, chúng tôi tiếp tục đổ dốc xuống làng Le.
Dưới hiên nhà sàn, già làng A Blong (68 tuổi) ngồi uống trà nóng nhìn mưa rừng rả rích. Ngó khách lạ, già làng A Blong không hỏi gì, chỉ đưa tay với bình trà rót sẵn vào 2 ly. Nghe khách giới thiệu là phóng viên đến tìm hiểu về Yang Plút, già làng A Blong mỉm cười hỏi chúng tôi có ở lại qua đêm không, vì già sẽ kể cho nghe rất nhiều câu chuyện kỳ bí về hòn đá này.
Già A Blong kể: Cách đây hơn 100 năm, một thợ săn vào rừng, đến dốc Đỏ thì con chó của anh chạy đến sủa vào cục đá có hình thon dài, nặng gần 10kg. Người thợ săn không quan tâm đến hòn đá, bế con chó đi tiếp. Nhưng bước được vài trăm mét, chú chó lại nhảy khỏi tay, chạy đến sủa inh ỏi vào hòn đá. Thấy điều bất thường, người thợ săn quyết định dùng dao cạo cục đá thì phát hiện một nửa có màu trắng như ngà voi, nửa còn lại là đá. Chưa từng thấy hòn đá như thế bao giờ. Thợ săn quyết định đem cục đá về nhà. Mờ sáng, tiếng kẻng nhà rông gọi cả làng đến.
Đứng giữa sàn nhà rông, chủ làng nói hôm qua mơ thấy Yang (thần linh), Yang nói đang ở trong một ngôi nhà gần bờ suối làng Le. Chàng thợ săn nghe vậy liền kể lại câu chuyện của mình ngày hôm qua. Nghe xong, chủ làng nói người dân hãy mổ heo mừng Yang về. Sau đó hòn đá được đặt tên là Yang Plút để ở vị trí trang trọng nhất tại nhà rông làng Le. Tối đến, chủ làng mơ thấy Yang cảm ơn dân làng Le, hứa sẽ giúp người dân hạnh phúc, nuôi được con trâu béo, lúa đổ đầy kho.
Câu chuyện khiến chúng tôi càng tò mò về hòn đá Yang Plút này, tuy nhiên, già làng A Blong cảnh báo, bây giờ không thể gặp được Yang Plút, mà phải đến thời điểm làm lễ mới được gặp. Lúc đó, ai chụp ảnh, quay phim cũng được. “Nếu tự tiện vào sờ thì sẽ bị bệnh. Cách đây gần chục năm có một du khách đến tự ý sờ vào, vài ngày sau về mang bệnh mà chết”- Già làng A Blong cảnh báo.
Theo già làng A Blong, ngày cho Yang Plút ăn không diễn ra theo hàng năm, mà khi nào người dân làng Le có nhiều hạt lúa, con trâu béo sẽ là lúc chọn ngày đẹp làm lễ. Lễ vật là máu gà, heo, dê, trâu trộn lại, sau đó người tốt bụng nhất làng sẽ thực hiện nghi thức cho Yang Plút ăn. “Người được chọn để cho Yang ăn phải là người tốt cái bụng, không làm điều xấu, nói điều hay cho dân làng học theo. Bản thân tôi là già làng nhưng cũng không được chọn vì tôi chưa phải là người tốt nhất, vì còn khuyết điểm. Nếu chọn người không tốt thì Yang Plút sẽ phạt. Làng Le bây giờ chỉ có ông A Ren được chọn để cho Yang Plút ăn thôi” - Già làng A Blong nói.
Ông A Ren (64 tuổi) được chọn là người cho Yang Plút ăn từ 20 năm trước. Trước ông A Ren là 4 người khác, vì tuổi cao nên đã mất. Ông nói, trước khi cho Yang Plút ăn, sẽ đến nhà rông gõ kẻng họp làng. Sau khi thống nhất ngày giờ, những thanh niên trai tráng sẽ dựng cây nêu được cột xung quanh là những con vật sẽ được tế lễ. Ngày đầu tiên sẽ mở cửa nhà rông đưa Yang Plút xuống để chính giữa cây nêu. Dân làng đứng vòng quanh nhảy múa, nướng con heo uống với rượu cần. Mọi người say sưa ngủ lại xung quanh Yang Plút. Trong khoảng 7 đến 9 giờ sáng ngày thứ hai sẽ đưa Yang Plút vào giữa nhà rông, sau đó lấy máu những con vật được tế lễ trộn lại với nhau trong một thau đồng rồi thực hiện nghi thức cho ăn (rửa đá). Trong lúc cho Yang Plút ăn, người thực hiện sẽ cầu xin “Tôi xin Yang cho tất cả con cháu người dân Rơ Măm sức khoẻ, không đau ốm, nuôi con trâu béo, cây lúa nhiều hạt, cây mì củ to. Người dân chúng tôi sẽ nhớ tới Yang Plút,…”. Cho Yang Plút “ăn” xong, máu sẽ được đổ ngang con đường vào làng Le, việc này với ý nghĩa sẽ ngăn được người xấu bụng vào làng quậy phá.
Ông A Ren khẳng định với chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến từ bụng của Yang Plút “đẻ” ra những viên đá nhỏ khác. Đến nay có tổng cộng 34 hòn đá (to bằng hạt mít hoặc nắm tay người lớn) được Yang Plút “đẻ” ra. Đá “đẻ” tín hiệu báo năm tới mùa màng bội thu, con cháu khoẻ mạnh.
Ðổi mới làng Le
Là người có tiếng làm ăn giỏi, anh A Thu (SN 1978) đang có 1 ao cá rộng hơn 1.000m2, 3 ha mì, 6 con dê. Ước tính mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng. Nói về Yang Plút, anh A Thu chia sẻ “Mình không biết thần linh là có thật hay không. Nhưng phong tục cho Yang Plút ăn đã có từ lâu đời ở làng Le, nó giúp người Rơ Măm yên tâm làm việc, sống tốt với nhau, không trộm cắp. Với lại khi dân làng Le thu được nhiều lúa gạo thì mới góp gà, trâu làm lễ, tụ họp nhảy múa với nhau. Chứ không phải năm nào cũng làm lễ mà gây tốn kém”.
Theo ông Trần Văn Tiên - Trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện Sa Thầy, người dân tộc thiểu số thường đi tìm một vật có cấu trúc đặc biệt trên rừng về để treo ở nhà rông và nói đó là vật thiêng rồi truyền từ đời này sang đời khác. Đây là quan niệm thờ đa thần (thần đá, thần cây, thần sông,…), xem như Yang về làng trú ngụ với mong muốn được che chở, bảo vệ. Chuyện đá Yang Plút ở làng Le “đẻ” ra những hòn đã nhỏ khác mới chỉ được nghe dân làng kể, chưa có xác tín nào từ góc nhìn chuyên môn.
Ông Trần Văn Tiên, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Sa Thầy cũng cho biết, Rơ Măm là dân tộc rất đặc biệt, trang phục truyền thống màu trắng khác lạ với hoa văn đặc biệt hơn so với những dân tộc khác. Đây cũng là một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam, hiện chỉ có gần 500 người và chỉ sống ở làng Le. Huyện rất quan tâm đến đời sống của bà con, đã ưu tiên đầu tư vào làng Le về cơ sở hạ tầng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa.