'Lá cờ' - chuyện riêng, chuyện chung

'Lá cờ' - chuyện riêng, chuyện chung
TP - Lần đầu tiên tác giả sáng tác và biểu diễn Lá cờ, bài hát tiếng Việt đầu tiên mang phong cách Country Rock bội thu giải thưởng năm 2010 tiết lộ chuyện bài hát từng bị từ chối trên sóng truyền hình.

>Tạ Quang Thắng - từ 'Đi học' tới 'Lá cờ'
>Bài hát yêu thích - giữa những thái cực

Tạ Quang Thắng khi ấy 22 tuổi tìm mọi cách đưa Lá cờ ra công chúng và bài hát lay động trái tim triệu người bằng câu chuyện gia đình.

Đưa thời bo bo, tem phiếu vào Country Rock

Bài hát khiến cho người ta phải dừng ngay mọi việc để nghe và cảm nhận. Nó làm cho người ta cảm thấy tự hào về nguồn cội của mình, tự hào về dân tộc mình và tự hào về bản thân mình nữa - Đó là một trong hàng trăm conment (bình luận) sau mỗi clip bài hát Lá cờ được post trên trang mạng youtube.

Dịp thống nhất đất nước, bài hát tràn đầy tinh thần yêu nước trong sáng của thế hệ 8X thêm nhiều lần vang lên đầy xúc cảm: “Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc – Nam/Chẳng biết chiến tranh là gì, chỉ được nghe trong những câu chuyện của cha/Tôi lớn lên khi tháng tháng không còn lo phiếu tem/Không biết bo bo là gì, chỉ còn lại trong những ký ức của mẹ”...

Chuyện riêng của cha mẹ Quang Thắng khi anh chàng cất tiếng hát bỗng trở nên thân thương, quen thuộc với bao bạn trẻ qua dòng nhạc Country Rock tự sự vừa ngọt ngào vừa dữ dội.

Câu chuyện của cha mẹ Thắng cũng là câu chuyện của nhiều người con Việt Nam đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì Tổ quốc. Bằng câu chuyện có thật, cảm xúc chân thật, ngôn từ dung dị nhất, Quang Thắng cất lên những nghĩ suy về lòng yêu nước của những con người trẻ tuổi - có thể chưa nồng nàn bằng thế hệ cha ông đã từng trải qua một thời oanh liệt - song cũng đủ để trân trọng, nâng niu những giá trị của thế hệ đi trước, để mỗi lần cất lên những câu hát của bài Quốc ca dưới cờ đỏ sao vàng, mỗi người trẻ lại thấy tự hào hai tiếng Việt Nam.

Một blogger thế hệ 8X vì mê Suju mà treo cờ Hàn Quốc lên avatar trong ngày 2-9 phải cất lời xin lỗi Tổ quốc khi nghe Lá cờ. “Tôi thực sự hổ thẹn bởi hành động nông nổi. Cám ơn Thắng giúp tôi cảm nhận trọn vẹn tình yêu Tổ quốc”, blogger này viết.

Thắng hát live Lá cờ ấn tượng nhất vào 2 đêm Chung kết trao giải Bài hát Việt 2010 và trao giải sáng tác ca khúc trẻ (T.Ư Đoàn tổ chức, Lá cờ đoạt giải nhì, không có giải nhất) tháng 3 – 2011.

Cả 2 lần, Thắng đều mặc áo in hình quốc kỳ, ôm đàn ghita hát. Lần nào cũng vậy, cả khán phòng, đa phần bạn trẻ giơ tay tạo sóng hưởng ứng. Sau đó, mỗi clip Lá cờ post trên Youtube luôn có trên nửa triệu người nghe. Ngôn ngữ comment của teen trên mạng: Hay không đỡ nổi! Tuyệt vời Tạ Quang Thắng...

Bạn trẻ có nick Hapham87xg đồng cảm: “Cảm ơn Thắng, bài hát hay và ý nghĩa. Cha mình là người của thập niên 30 và cha đã khóc khi nghe bạn hát.

Tem phiếu, bo bo là những hình ảnh đã ghi sâu trong tâm trí cha và những người cùng thời. Nghe Thắng hát, tôi tự hào vì được là một người con của dân tộc anh hùng Việt Nam”.

Chuyện riêng - chuyện chung

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bố Thắng (SN 1941), học Sân khấu điện ảnh khoá 1, ông từng xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu. Sau đó ông được cử đi học tại Liên Xô (cũ), trở thành đạo diễn sân khấu. Năm 2000, ông mất vì bị cảm đột ngột. Khi đó Thắng đang học lớp 6.

Mẹ Thắng công tác ở Đoàn ca múa kịch Hà Tây (cũ), từng lưu diễn phục vụ bộ đội, bà con dân tộc miền núi. Thắng lớn lên cùng những chuyến lưu diễn của mẹ, ngấm dần lịch sử dân tộc bằng những câu chuyện trong kháng chiến của bố mẹ kể hằng ngày.

Tạ Quang Thắng biểu diễn và giao lưu tại ĐH Tài chính kế toán
Tạ Quang Thắng biểu diễn và giao lưu tại ĐH Tài chính kế toán.

“Một thời chiến đấu cha tôi anh hùng/Một thời gian khó mẹ tôi đảm đang/
Vẫn giữ nụ cười và tiếng hát át tiếng bom/Để rồi nay bước trên con đường đời/Dù bao gian khó, chông gai đời tôi/Thì đứng dưới bóng cờ, là con tim ngân lên tiếng ca: Đoàn quân Việt Nam đi...”

Trước khi Lá cờ trở thành chuyện kể lịch sử hấp dẫn, thôi thúc tình yêu nước trong trái tim mọi người, bản thân bài hát là động lực để Thắng theo đuổi con đường nghệ thuật đầy gian truân.

Ít ai biết sau 4 năm học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội, năm 2007 Thắng đột nhiên thi vào khoa tiếng Anh, CĐ Sư phạm Hà Nội - theo lo xa của mẹ vì bà sợ nghiệp nghệ sĩ gian khó. Năm 2010, Thắng có bằng nộp cho mẹ. Cậu quyết định không nộp hồ sơ vào bất cứ trường nào mà ở nhà theo đuổi dòng nhạc Country Rock.

Vì muốn hát thể loại mới này trong khi không có nhạc sĩ sáng tác, Thắng mày mò tự viết các ca khúc phong cách Country Rock đậm hồn Việt. Lá cờ - sự khởi đầu của dòng nhạc mới Country Rock ở Việt Nam - được Thắng dồn hết tâm huyết hoàn thiện bởi lời động viên của mẹ: “Thời chiến vô vàn gian khổ, thường xuyên đối mặt với cái chết, mọi người còn vượt qua, huống hồ...”

Thắng bảo, phần kết bài hát là tâm sự riêng động viên chính mình vì hiểu quá khứ, tiếp thêm sức mạnh giúp cậu đứng vững với nghề. “Rồi ngày tháng trôi/Bao đổi thay đến với cuộc đời/Thì trong trái tim tôi luôn tự hào là người Việt Nam/Màu cờ thắm tươi vẫn phấp phới với những cuộc đời/Lòng bồi hồi nhớ...”

“Ở đời, sướng nhất không phải xoay theo ai”

Chắc hẳn những fan hâm mộ anh sẽ bất ngờ nếu biết bài hát họ yêu thích từng bị nhà đài từ chối. Lần đầu tiên Thắng chia sẻ về sự cố này. Sáng tác xong Lá cờ tháng 6 - 2010, Thắng nhận được lời mời của ê kíp làm chương trình giới thiệu gương mặt trẻ kênh VTV6 (Đài THVN) cùng những sáng tác gắn bó với tác giả.

Thắng gửi danh sách ca khúc yêu thích, xếp Lá cờ vị trí đầu tiên. Đáp lại, quyết định của Biên tập viên (BTV) phụ trách chương trình khiến Thắng nhịn không nổi: “Sáng tác kiểu linh tinh, bài này (Lá cờ) bị loại Thắng nhé!”. Bao nhiêu tâm huyết, tình cảm yêu thương dồn cả vào ca khúc bị gạt ra khỏi chương trình giới thiệu về mình, lập tức Thắng từ chối cộng tác với nhà đài.

BTV phụ trách chương trình hết email, gọi điện năn nỉ cậu nghĩ lại, rằng “nếu Thắng không tham gia chương trình đã được lãnh đạo đài duyệt, cô (BTV) sẽ bị phạt...”

Tình thế căng thẳng, mẹ Thắng phải lên tiếng can thiệp, động viên con trai cộng tác với chương trình và tìm cách giới thiệu ca khúc ấy theo cách khác. Nhận lời là vậy nhưng trong lòng chàng ca sĩ kiêm nhạc sĩ sinh năm 1988 vẫn ấm ức.

Quang Thắng (đi đầu) trong Hành trình Tàu không số do T.Ư Đoàn tổ chức
Quang Thắng (đi đầu) trong Hành trình Tàu không số do T.Ư Đoàn tổ chức.

Bản tính hiền lành, rất hiếm khi tranh luận gay gắt nhưng Thắng tự nhận, trong nghề, cậu cực bướng: Quyết bảo vệ đến cùng quan điểm, sự lựa chọn của mình.

Thắng tự nhủ, nhà đài chê nhưng đó chỉ là nhận xét của một cá nhân chứ không phải giới chuyên môn. Thắng tin Lá cờ sẽ có vị trí nhất định trong lòng công chúng.

Năm 2010, Thắng phải đợi đến tháng 12 để gửi Lá cờ tham dự Bài hát Việt ( khi đó quy định gửi ca khúc theo quý). Dù gửi muộn nhưng ngay trong tháng, Lá cờ đoạt giải nhất ca khúc quý 4; Chung kết Bài hát Việt 2010, Lá cờ đoạt thêm 3 giải: Giải do Hội Nghệ sĩ bình chọn; Ý tưởng sáng tạo; Giải do Hội LHTN Việt Nam dành cho ca khúc truyền thống xuất sắc.

Ngay tại lễ trao giải Bài hát Việt, chính người nhà đài từng loại Lá cờ trực tiếp gọi điện chúc mừng Thắng. Giờ họ trở thành cộng tác thân thiết của nhau trong nhiều chương trình.

Già dặn so với tuổi, Thắng trầm ngâm đúc kết: “Cái sướng nhất ở đời là không phải xoay theo ai!”. Sau thành công của Lá cờ, một trí thức 5X từng trải qua chiến tranh thổ lộ: “Những năm 70, tôi thật sự ngây ngất khi nghe các bài hát của các ban nhạc America, Eagles, Crosby, Stills, Nash&Young... bây giờ tôi lại bị mê hoặc bởi bài Lá cờ của Quang Thắng. Bài hát này xứng đáng là bài rock Việt hay nhất trong 20 năm trở lại đây”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG