Bé trai Nguyễn S.T. 6 tuổi tái khám sau một năm phẫu thuật tạo hình dị tật tai nhỏ bẩm sinh bằng khung sụn tai nhân tạo. Trong quá trình theo dõi một năm ở nhà và trường học, tai mới thích nghi rất tốt với cơ thể, không xảy ra tai biến gì, kết quả thẩm mỹ đạt được tốt hơn nhiều so với các phương pháp phẫu thuật kinh điển trước đây.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ cho biết, trước đây, với các trường hợp khuyết tai bẩm sinh phẫu thuật thường được tiến hành bằng phẫu thuật tạo hình tai 2 hoặc 3 thì với ít nhất 2 lần phẫu thuật. Thì 1: trẻ được đặt khung tai bằng sụn tự thân, thì 2 sẽ được phẫu thuật sau 6 tháng đến 1 năm để dựng tai. Thông thường độ tuổi thích hợp nhất để tạo hình tai bằng sụn sườn có thể từ 10 - 12 tuổi do cần lồng ngực phát triển đủ lớn mới cung cấp đủ khối lượng sụn sườn cần thiết và trẻ sẽ chịu một sẹo vùng ngực nơi lấy sụn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và có nguy cơ biến dạng ngực sau này.
Từ 2 năm nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã triển khai kỹ thuật mới sử dụng khung sụn tai nhân tạo (Medpor, Omnipor) thay cho sụn sườn tự thân. Đây là một chất liệu trơ, xốp như san hô, khả năng tương thích rất cao với cơ thể, Với hàng trăm nghìn lỗ nhỏ li ti các tổ chức mô cơ thể có thể mọc vào bên trong và bám chắc vào khung sụn.
Với một lần phẫu thuật, trẻ có được cái tai gần như bình thường, tự tin chơi đùa và cắp sách tới trường cùng các bạn mà không cần đợi đến 10-12 tuổi và không phải trải qua hai lần phẫu thuật. Ngày càng nhiều bệnh nhi được phẫu thuật sớm hơn không cần lấy sụn sườn, chỉ cần 1 lần phẫu thuật lúc trẻ mới 4 - 6 tuổi, tránh mặc cảm cho trẻ khi đến lớp.
Các BS đang tiến hành phẫu thuật tai nhân tạo cho bệnh nhi
Được biết phẫu thuật tạo hình vành tai là một trong những phẫu thuật khó nhất trong chuyên ngành Tạo hình Thẩm mỹ. Vì vành tai với rất nhiều các gờ, thành quách tạo nên một một không gian kiến trúc 3 chiều rất khó để điêu khắc. Chính vì vậy việc sử dụng khung sụn nhân tạo đã được thiết kế sẵn theo không gian ba chiều sẽ cho một kết quả thẩm mỹ về vành tai ưu việc hơn các kỹ thuật gọn đẽo từ sụn tự thân như trước đây. Cho đến nay cũng còn chỉ có rất ít các trung tâm lớn ở các nước có nền y học hiện đại trên thế giới thực hiện được kỹ thuật này.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà cho biết thêm: dị tật tai nhỏ là khiếm khuyết trong hình thành vành tai (microtia, anotia), ống tai ngoài và tai giữa, gây ảnh hưởng đến thính giác và thẩm mỹ. Theo thống kê, tỉ lệ mắc bệnh có thể gặp là 1,5/2000 – 4000 trẻ em sinh ra. Việc tạo hình vành tai rất quan trọng cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân, đặc biệt là các bé trước độ tuổi đến trường. Nó sẽ giúp cho trẻ dễ hòa nhập và đạt được nhiều thành công hơn trong cuộc sống.