Kỳ Sơn đón Tết sớm

Tết của gia đình người Mông ở Nậm Cắn
Tết của gia đình người Mông ở Nậm Cắn
TP - Huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An đang đón Tết cổ truyền sớm hơn mọi năm. Dọc tuyến QL7A (đoạn từ thị trấn Mường Xén lên Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn) không khí đón Tết của đồng bào các dân tộc Mông, Thái và Khơ mú đang rất rộn ràng.

Ông Nguyễn Sỹ Nam, Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cho biết, dòng người làm ăn từ nước bạn Lào về quê ăn Tết mỗi ngày qua đây đông gấp nhiều lần so với những ngày bình thường.

Trên mỗi chuyến xe, kiểu gì người ta cũng mang theo cành đào, gạo nếp, lợn nít, gà đen, hàng hóa về Tết... Không ít du khách châu Âu cũng đã vào Việt Nam để chứng kiến đồng bào ta đón một cái Tết đầm ấm.

Khắp các bản làng của xã biên giới Nậm Cắn, ngoài lương thực, thực phẩm đã được bà con chuẩn bị sẵn, nhà nào nhà nấy còn tìm cho mình một cành đào đá đẹp nhất cắm trước cổng nhà. Tại bản Tiền Tiêu của xã Nậm Cắn, chúng tôi may mắn được dự bữa tiệc đầu tiên của một gia đình người Mông.

Gia chủ mời thêm bí thư, chủ tịch xã. Trên mâm cỗ không cầu kỳ, gia chủ bày rượu, thịt gà đen, lợn rừng... đãi khách quý. Trước khi bước vào bữa tiệc, gia chủ có đôi lời mời và cám ơn quý khách đã tới nhà họ vui Tết.

Sau đó lần lượt mời rượu chuyền tay nhau uống theo phong tục người Mông, mỗi lần hai ly, ly được đặt trên một cái đĩa, cứ hết người này lại rót chuyền sang tay người cạnh bên. Trong bữa tiệc, bà con hát một số bài hát tiếng Mông. Ông Mùa Nỏ Tu, già làng, tâm sự, người Mông ta cũng yêu nước như người Kinh, người Thái, người Mường, người Khơ mú...

Ông Tu còn tự hào, từ bao đời nay, người Mông Kỳ Sơn luôn sát cánh cùng dân quân, công an, bộ đội biên phòng bảo vệ ranh giới chủ quyền quốc gia ở dọc tuyến biên ải này. Không ít người con dân tộc Mông nơi đây đã ngã xuống để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Ông Hờ Giống Lìa, Chủ tịch UBND xã cho biết, Nậm Cắn là xã nghèo của huyện biên giới Kỳ Sơn, có bốn thành phần dân tộc gồm Kinh, Thái, Mông và Khơ mú sinh sống nhưng bà con rất đoàn kết. Để đón Tết cổ truyền an vui, bà con trong các bản làng luôn giúp đỡ nhau trên tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Vì sao Tết thường đến sớm với Nậm Cắn. Ông Lìa cho biết, vì Nậm Cắn là xã biên giới có cửa khẩu quốc tế giáp nước bạn Lào nên rất thuận lợi giao thương. Hơn nữa, đây còn là tập quán của bà con Nậm Cắn từ bao đời nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG