Kỷ niệm Ngày Chiến thắng, Ngày châu Âu

Kỷ niệm Ngày Chiến thắng, Ngày châu Âu
TP - Ngày 9-5, Nga và Liên minh châu Âu (EU) kỷ niệm 66 năm Ngày Chiến thắng phát xít và Ngày châu Âu. Tại Matxcơva sáng 9-5, hơn 20.000 người tham gia cuộc diễu binh lớn kỷ niệm ngày chiến thắng, đồng thời cũng là ngày phát xít Đức đầu hàng trong Chiến tranh Thế giới thứ II.

Nga và EU:

Kỷ niệm Ngày Chiến thắng, Ngày châu Âu

Tham gia diễu binh tại Quảng trường Đỏ Matxcơva còn có 100 khối kỹ thuật quân sự đủ loại vũ khí từ xe bọc thép đến giàn phóng tên lửa vượt đại châu Topol-M, hệ thống phòng không S-400 Triumph, hệ thống tên lửa phòng không Pantsyr-S1, giàn phóng tên lửa Iskander-M, giàn phóng rocket đa nòng Smerch, xe tăng T-90… Cuộc diễu binh kết thúc với 5 chiếc máy bay trực thăng Mi-8 mang cờ quân sự và quốc kỳ Nga. Trên lễ đài, trong số các nhà lãnh đạo Nga có Tổng thống Dmitry Medvedev, Thủ tướng Vladimir Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov. Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng, Tổng thống Nga Medvedev nói rằng, nhiệm vụ của thế hệ người Nga hiện nay là bảo vệ hòa bình đã giành được do thắng lợi của cuộc chiến tranh chống phát xít Đức. Ông nói việc hiện đại hóa và phát triển các lực lượng vũ trang vẫn còn là một ưu tiên chủ yếu đối với ban lãnh đạo Nga.

Nhân kỷ niệm Ngày châu Âu (9-5), Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của EU đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Catherine Ashton, ra thông điệp nói rằng, ngày 9-5 là ngày mang tính biểu trưng khi Robert Schuman đưa ra ý tưởng về một châu Âu thống nhất mang lại hòa bình bền lâu và thịnh vượng cho châu lục này. Gia đình của các quốc gia EU đã lớn mạnh từ 6 nước lên 27 nước thành viên hiện nay. Khởi đầu là Cộng đồng Than và Thép, sau đó là một câu lạc bộ kinh tế rộng lớn hơn và cuối cùng là một liên minh cởi mở với vai trò và sức vươn ngày càng lớn. Bà Ashton nói tham vọng xây dựng một chính sách ngoại giao EU đáng tin cậy đã nhận được một cú hích lớn với việc ra đời Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS) vào ngày 1-1. EEAS đóng vai trò là bệ phóng duy nhất để đưa các giá trị và quan tâm của châu Âu đến toàn thế giới và cơ quan này là bộ phận một cửa cho các đối tác trên thế giới của EU.

Đại diện cấp cao về ngoại giao EU cho biết, đây là lần đầu tiên EU có thể tập hợp tất cả công cụ mà liên minh này có như: Ngoại giao, tham dự chính trị, hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo, hợp tác kinh tế và quản lý khủng hoảng dân sự và quân sự. Bà Ashton nói: EU đã và đang vận dụng tốt khả năng này khi liên minh đối diện thách thức và cơ hội của những diễn tiến mới đây tại Bắc Phi. Bà cho biết, mục đích của EU là xây dựng một chính sách đối ngoại chung của khối tốt hơn, gắn kết hơn, tìm ra các câu trả lời của châu Âu cho những vấn đề toàn cầu phức tạp, hợp tác với các đối tác của EU trên toàn thế giới. Đây là điều các nước mong chờ từ lâu nhưng đến nay EU mới có thể đáp ứng.

Bà Ashton muốn chuyển đến bạn bè toàn cầu của EU một thông điệp rằng EU muốn hợp tác để ứng phó với những thách thức to lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Sự ra đời của EEAS sẽ giúp EU trở thành một đối tác tốt hơn, có năng lực hơn. EU vẫn là nhà tài trợ và đối tác thương mại lớn nhất trên thế giới, đang là trung gian hòa giải giữa Serbia và Kosovo, đi đầu trong đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân của Tehran. 130 phái đoàn EU trên toàn thế giới là những đối tác tin cậy đối với các quốc gia chủ nhà về mọi khía cạnh chính sách của EU từ ngoại giao, an ninh tới năng lượng và biến đổi khí hậu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG