Kỷ niệm Nam Sudan của nữ sĩ quan mũ nồi xanh Sa Minh Ngọc

Trung úy Sa Minh Ngọc (người mặc quân phục thứ 3 từ trái sang) cùng đồng đội và các em nhỏ người Nam Sudan
Trung úy Sa Minh Ngọc (người mặc quân phục thứ 3 từ trái sang) cùng đồng đội và các em nhỏ người Nam Sudan
TPO - Đại diện cho những chiến binh mũ nồi xanh về dự Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ X, trung uý Sa Minh Ngọc, Trợ lý Phòng Công tác địa bàn (Cục Gìn giữ hoà bình Việt Nam) chia sẻ kỷ niệm khó quên của chị khi thực hiện nhiệm vụ ở Nam Sudan.

Gác niềm riêng tới Nam Sudan

Với mong muốn được trở thành người lính trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trở về nước ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Malaysia, Minh Ngọc nộp hồ sơ tuyển dụng vào Trung tâm Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam - nay là Cục GGHB Việt Nam. Ước mơ trở thành hiện thực khi chị chính thức được lựa chọn vào lực lượng GGHB từ năm 2015. Thời điểm đó, Cục GGHB Việt Nam cũng vừa tròn một năm tuổi.

“Cuối tháng 10/2016, tôi vinh dự được cấp trên tin tưởng và giao nhiệm vụ tham gia đội hình Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC 2.1) đang tập kết tại Bệnh viện Quân y 175 ở TP.HCM và đảm nhận vị trí Trợ lý hành chính - tài chính, thuộc Ban Điều hành BVDC 2.1.

“Tính đến thời điểm nhận nhiệm vụ, tôi vừa mới xây dựng gia đình tròn 5 tháng. Chồng tôi rất hiểu chia sẻ, anh ấy còn động viên tôi quyết tâm lên đường nhận nhiệm vụ mà Tổ quốc, Quân đội giao cho", trung úy Minh Ngọc tâm sự.

Cũng như Minh Ngọc, đồng đội của chị mỗi người một hoàn cảnh, và có những khó khăn, vất vả khác nhau. Người thì con nhỏ, bố mẹ già yếu, chỗ ở chưa ổn định, nhà phải đi thuê, mượn. Nhiều nữ quân nhân cùng đơn vị với chị cũng có chồng là bộ đội, lại vắng nhà thường xuyên… Nhưng các chị luôn xác định rõ tinh thần trách nhiệm, cùng đoàn kết để vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao phó.

Kỷ niệm Nam Sudan của nữ sĩ quan mũ nồi xanh Sa Minh Ngọc ảnh 1 Trước khi sang Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ, Sa Minh Ngọc và đồng đội ở BVDC 2.1 đã phải trải qua quá trình huấn luyện ngặt nghèo theo chuẩn Liên hợp quốc  

Tháng 10/2018, khi Việt Nam chính thức triển khai thành công BVDC 2.1 tới Bentiu thuộc Nam Sudan, những cống hiến của những sĩ quan mũ nồi xanh mang phẩm chất người lính Cụ Hồ đã được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận sự đóng góp rất thiết thực của Việt Nam vào giải quyết các vấn đề toàn cầu. Cuối năm 2019, trung úy Minh Ngọc cùng đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là tiền đề thuận lợi cho BVDC 2.2 sang thay thế, tiếp tục thực hiện sứ mệnh quốc tế cao cả tại đất nước Nam Sudan.

Tự hào hai chữ Việt Nam

Nói về khoảng thời gian làm nhiệm vụ ở Bentiu, trung úy Minh Ngọc nói: “Nhiệm kỳ công tác của chúng tôi tuy chưa phải là dài, nhưng vất vả và khó khăn là những thử thách mà chúng tôi phải vượt qua, đặc biệt là nữ quân nhân thì khó khăn, vất vả đó lại nhân lên gấp bội”.

Có những thời điểm BVDC 2.1 triển khai cũng là đúng giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc khủng hoảng sắc tộc và nội chiến giữa các phe phái. Có những lần, Minh Ngọc và đồng đội phải đến những nơi không có bất cứ thứ gì ngoài bụi, đất và cây khô; hay những địa điểm mà do giao tranh, đường thông tin liên lạc, cung ứng lương thực, thực phẩm bị cắt đứt. Vào đỉnh điểm mùa mưa, thì phải đối mặt với các loại bệnh dịch. Có những lúc hệ thống lọc nước gặp trục trặc, thậm chí không có đủ nước ăn, nước sinh hoạt...

Kỷ niệm Nam Sudan của nữ sĩ quan mũ nồi xanh Sa Minh Ngọc ảnh 2 Chịu đựng gian khổ và luôn hết mình cống hiến, nữ sĩ quan mũ nồi xanh Sa Minh Ngọc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong nhiệm kỳ công tác tại Bentiu, Nam Sudan 

“Ở Bentiu có 2 mùa là mùa khô và mùa mưa. Vào mùa khô, nước sạch rất khan hiếm và lúc đó mỗi người trong đơn vị chỉ được cấp 5 lít nước/ngày để phục vụ sinh hoạt. Chúng tôi phải tiết kiệm, tái sử dụng nhiều lần, như vừa tắm giặt, vừa vệ sinh và tưới rau. Thông cảm với nữ giới, nhiều nam đồng đội có ngày đã phải nhường cơ bản phần nước sinh hoạt của mình cho chị em chúng tôi, chỉ sử dụng một lượng nước vừa đủ thấm ướt khăn để lau mặt và một phần cơ thể”, trung úy Minh Ngọc kể.

Theo Minh Ngọc, 14 tháng thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan có lẽ là những ký ức mà chị và đồng đội sẽ không bao giờ quên trong hành trình binh nghiệp. Và càng xúc động hơn là khoảnh khắc khi lá cờ Tổ quốc tung bay trên bầu trời đất nước châu Phi xa xôi này, các em nhỏ tại khu vực bảo vệ thường dân của Liên hợp quốc chạy đến thi nhau chạm vào quốc kỳ Việt Nam. Các em cố gắng đánh vần hai chữ “Việt Nam” rồi đồng thanh hô to: Việt Nam, Việt Nam…

“Bên cạnh sự đoàn kết và tinh thần đồng đội, chúng tôi cũng rất may mắn khi có hậu phương vững chắc ở quê nhà là người thân và đồng đội đã luôn tin tưởng, động viên và tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi vượt qua những khó khăn, thử thách nơi tiền tuyến”, trung úy Sa Minh Ngọc nói. 

MỚI - NÓNG