Kỷ niệm 77 năm ngày ký Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp

TPO - Ngày 5/3, Cung Thiếu nhi Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Dấu son ngời”, nhân kỷ niệm 77 năm ngày ký hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp (6/3/1946-6/3/2023). 

Chương trình giao lưu nghệ thuật Dấu son ngời có sự tham gia của nhà nghiên cứu lịch sử, các nhân chứng, nhà quản lý văn hóa, nghệ sĩ, cựu đội viên đã sinh hoạt tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, như PGS. TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Đại sứ Hoàng Vĩnh Thành - nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Australia, con trai của cố Bộ trưởng Hoàng Minh Giám - nguyên trợ lý cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sự kiện ngày 6/3/1946...

Chương trình còn có sự tham gia của đông đảo thầy cô và em thiếu nhi đang giảng dạy, học tập tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Kỷ niệm 77 năm ngày ký Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp ảnh 1

Một tiết mục tại chương trình.

Chương trình được kết hợp giữa các phần giao lưu của khách mời và tiết mục văn nghệ do các em thuộc Đoàn nghệ thuật Măng non, Cung Thiếu nhi Hà Nội biểu diễn.

Kỷ niệm 77 năm ngày ký Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp ảnh 2

Phần giao lưu với khách mời trong chương trình.

77 năm trước, vào ngày 6/3/1946, Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp, một văn kiện ngoại giao có giá trị lịch sử đặc biệt đối đất nước ta đã được Bác Hồ ký kết với đại diện Pháp ngay tại số nhà 38 Lý Thái Tổ, nay là Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Tại chương trình, Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh nhấn mạnh 77 năm đã trôi qua, những bài học kinh nghiệm và ý nghĩa lịch sử to lớn của Hiệp định Sơ bộ mãi còn nguyên giá trị và được các thế hệ thanh niên Việt Nam tiếp nối nhau viết nên trang sử vẻ vang của thế hệ đi trước. Bí Thư Thành đoàn Hà Nội cũng nêu quyết tâm của tổ chức Đoàn Thủ đô trong việc gìn giữ, tuyên truyền, số hóa các địa chỉ Đỏ tại Thủ đô Hà Nội như số nhà 38 Lý Thái Tổ, trong khuôn viên Cung Thiếu nhi Hà Nội ngày nay.

Kỷ niệm 77 năm ngày ký Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp ảnh 3

Nhà 38 Lý Thái Tổ, trong khuôn viên Cung Thiếu nhi Hà Nội, nơi ký kết bản Hiệp định sơ bộ.

Bối cảnh và ý nghĩa của Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp

Ngày 6-3-1946 là một thời điểm nghiêm trọng. Buổi sáng, đụng độ nổ ra giữa quân Pháp và quân Tưởng tại cảng biển Hải Phòng. Ngoại giao con thoi giữa tất cả bên đều diễn ra khẩn trương để tháo ngòi nổ. Tại Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội đồng Chính phủ họp để hoàn chỉnh dự thảo một văn bản để ký kết với Pháp. Toàn thể hội đồng đã nhất trí và ký vào biên bản tán thành. Và 16h30 phút, tại số nhà 38 Lý Thái Tổ, bản Hiệp định Sơ bộ được ký kết giữa một bên là Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và một bên là Jean Sainteny, đại diện Chính phủ Pháp.

Theo Hiệp định Sơ bộ, Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do nằm trong khối liên hiệp Pháp. Nước Việt Nam có Chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Việc thống nhất đất nước sẽ được quyết định bằng trưng cầu ý dân. Chính phủ Việt Nam đồng ý để 15.000 quân Pháp vào thay quân Tưởng. Quân Pháp phải rút khỏi Việt Nam sau 5 năm, mỗi năm rút một phần năm. Quân đội hai bên ngừng bắn và ở nguyên vị trí. Hai bên sẽ mở cuộc đàm phán tại một trong ba nơi: Hà Nội, Sài Gòn hoặc Paris.

Kỷ niệm 77 năm ngày ký Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp ảnh 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu Anh, Mỹ, Trung Quốc tại Lễ ký kết Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946. Ảnh tư liệu.

Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 là bản điều ước quốc tế song phương đầu tiên mà Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết với nước ngoài. Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX sẽ mãi ghi nhớ bản Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 giữa Việt Nam và Pháp như mốc son chói lọi, một kỳ tích khởi đầu quá trình phát triển của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện rõ bản lĩnh cách mạng vững vàng, tầm nhìn chiến lược, nghệ thuật đàm phán có nguyên tắc và sách lược linh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng ta trong những tháng ngày đầu tiên đầy khó khăn, gian khổ của chính quyền cách mạng, vừa phải chống cả thù trong lẫn giặc ngoài để giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ những thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.

Một năm sau, ngày 6-3-1947, cuộc kháng chiến toàn quốc bước qua tháng thứ ba, gặp gỡ những người làm việc gần mình, Bác giải thích: Sức ta bây giờ như chàng trai mười sáu mà sức giặc bây giờ như một lão già quỷ quyệt, độc ác. Nếu ta cậy sức đánh bừa thì sao chắc thắng được. Phải vừa đánh vừa nuôi sức mình cho khỏe lên... Khi sức ta đã khỏe, giặc suy yếu dần, ta mới lừa thế quật ngã nó, như vậy mới chắc thắng. Cho nên kháng chiến trường kỳ mới nhất định thắng lợi. Và những người giúp việc gần Bác nhất từ đó, mang các tên: Kháng, Chiến, Trường, Kỳ, Nhất, Định, Thắng, Lợi.

(Theo Quân đội nhân dân)

Tin liên quan