Bồi hồi ghé nhà Ba Tám

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhà 38 Lý Thái Tổ (Hà Nội), 76 năm trước, ngày 6/3/1946 diễn ra sự kiện ký kết Hiệp định Sơ bộ hay còn gọi là Hiệp định 6-3. Đây là nơi xuất phát câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Riêng tôi, tôi hứa với đồng bào: Hồ Chí Minh nhất định không bao giờ bán nước”.

Nhà 38 hiện đương quây trong hàng rào sắt Khu cung Thiếu nhi Hà Nội, thuở xa ấy móng cùng trụ được xây cất cuối thế kỷ 19 cùng thời điểm thi công Dinh Toàn quyền (phủ Khâm Sai) gần bên cạnh.

Bận ấy đứng chỗ Đài phun nước còn gọi là Vườn hoa Con cóc ngó sang tòa Khâm sai sừng sững có tuổi thọ hơn trăm năm chắc khừ, nay lấp lánh sang trọng cái tên Nhà khách Chính phủ, ông bạn tôi, một sử gia nghe nói khá thạo phong thủy chỉ tay lên đỉnh đài phun nước tặc lưỡi:

Này các ông có thấy trên đỉnh đài phun nước kia không? Không phải đến tận thời điểm năm hai ngàn mười mấy này, mà từ thuở cuối thế kỷ 19 đã nghiêm ngắn ngự cỗ tiểu sành đựng hài cốt của Toàn quyền Đông Dương người Pháp - ông Léon Jean Laurent Chavassieux. Chavassieux (1848-1895) từng làm Thống đốc Nam Kỳ, Khâm sứ Trung Kỳ, Thống sứ Bắc Kỳ và phó Toàn quyền Đông Dương. Độc đáo, ông này sinh thời lại biết cả Hán ngữ, nghe đâu dùng được cả… thịt chó mắm tôm! Có lẽ khá thạo phong thủy dịch lý phương Đông nên đã nghĩ ra cái cách táng mộ treo lạ lùng cho mình lên đỉnh đài phun nước? Đám bộ hạ kháo lại rằng, ngài hằng bao năm ấp ủ nguyện vọng để ngôi mộ treo của mình như thứ tiền án lành giữ gìn cái hậu chẩm - Nhà Toàn quyền mà mình từng ngồi ở đó bao năm để coi sóc lợi quyền cho nhà nước Bảo hộ (!?)

Chả biết ông bạn sử gia phán như thế trúng trật tới đâu? Nghe vậy thì biết vậy! Nhưng giờ tản qua nhà 38 thấy cái dinh cơ hoành tráng thuở nào nay xập xệ hoang phế bị khuôn cứng trong khu vực Cung văn hóa Thiếu nhi tự dưng thấy có chút chi đó bồi hồi…

Tòa nhà 38 Lý Thái Tổ được gắn biển đỏ di tích từ lâu: “Tại ngôi nhà này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946”.

Thoạt kỳ thủy, nội thất sang trọng kín đáo cùng khuôn viên khá lý tưởng cho những tụ hội này khác của nhà 38 nên nhiều năm đây là Câu lạc bộ sĩ quan Pháp. Kéo dài cho mãi đến trào Giải phóng Thủ đô.

Giờ lẩn mẩn coi lại hồi ký của các đấng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám và cả Archimedes Patti - một sĩ quan tình báo Mỹ - tác giả cuốn sách “Why Vietnam?” nữa, thấy ít nhiều bâng khuâng. Hóa ra Ông Cụ nhà mình trong những ngày bất an lẫn bất trắc, thù trong giặc ngoài sau CMT8 ấy có nhiều đêm nghỉ ở nhiều địa điểm khác nhau ở Hà Nội. Và có đêm bất ngờ ghé ngủ ở nhà 38 đây. Ông Cụ đã khôn khéo lựa đúng ngôi nhà sang trọng luôn nằm trong tầm ngắm rình mò thù địch ấy mà ẩn thì quá kinh!

Rồi nữa… Ngày 5/3/1946, quân Pháp đã chuẩn bị đổ bộ vào Hải Phòng, nguy cơ bùng phát chiến tranh với quân Tưởng đã kề cận. Từ tối hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Sainteny - Cao uỷ Pháp tại Đông Dương thương lượng đến quá nửa đêm. Vấn đề Nam Kỳ sẽ quyết định sau cuộc trưng cầu dân ý. Còn việc nước Việt Nam hưởng quyền độc lập hay tự trị thì hai bên chưa có tiếng nói chung.

Sáng 6/3/1946, quân Tưởng bắt đầu nổ súng ngăn quân Pháp kéo vào Hải Phòng, hai bên bắt đầu dàn quân chuẩn bị đánh nhau. Buổi trưa, ở Hà Nội cuộc đàm phán Việt - Pháp được nối lại.

Bồi hồi ghé nhà Ba Tám ảnh 1
Chiều 6-3-1946 tại Nhà số 38 Lý Thái Tổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Pháp bản Hiệp định Sơ bộ. (Trong ảnh, từ trái sang: Chủ tịch Hồ Chí Minh (thứ 5), ông Sainteny (thứ 6) và các thành viên của hai đoàn chụp ảnh sau lễ ký Hiệp định (Ảnh TL)

Bốn giờ rưỡi chiều ngày 6/3, tại nhà 38 Lý Thái Tổ, hai bên Pháp - Việt đã thống nhất văn bản bằng việc ông Hoàng Minh Giám (khi ấy là Thứ trưởng Bộ Nội vụ) đọc to bằng tiếng Pháp trước các thành viên của hai bên. Tiếp lời ông Giám là Sainteny, Pignon và Caput là người đứng đầu Chi nhánh Đảng Xã hội Pháp (SFIO).

Thủ tục ký kết một Hiệp định nhanh chóng được thông qua.

Phía Việt Nam, ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam không ký (đơn giản vì quân Trung Hoa rút là ông ta mất chỗ dựa) thì ta khôn khéo bố trí Vũ Hồng Khanh, người của Quốc dân Đảng đang giữ chức Phó Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến vốn mâu thuẫn với Nguyễn Tường Tam chấp nhận ký.

Lễ ký kết diễn ra với sự chứng kiến của một số quan chức ngoại giao như Lãnh sự Mỹ Sullivan, Công sứ Anh Wilson và Công sứ Trung Hoa Dân quốc Vương Tư Kiên.

Trong văn bản được ký kết, được gọi là Hiệp định Sơ bộ có mấy nội dung trọng yếu: Chính phủ Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do có Chính phủ, Quốc hội, Quân đội và tài chính riêng, là thành viên Khối Liên hiệp Pháp và Liên bang Đông Dương; Chính phủ Pháp cam đoan sẽ thừa nhận quyết định của cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề thống nhất ba kỳ. Việt Nam thuận cho việc 15.000 quân Pháp vào miền Bắc để thay thế quân Trung Hoa Dân Quốc giải giáp quân Nhật và sau 5 năm sẽ rút hết; hai bên sẽ đình chiến và tiến hành các cuộc đàm phán chính thức ở Hà Nội, Sài Gòn hay Paris để bàn tiếp về quyền ngoại giao, quy chế Đông Dương và quyền lợi kinh tế của Pháp...

Sau lễ ký, Sainteny nâng cốc chúc mừng Bác. Bác bình tĩnh trả lời: “Cảm ơn ông. Nhưng thật ra, tôi chưa vừa lòng. Ông biết đấy, tôi muốn nhiều hơn, tôi muốn nước tôi độc lập, và chắc chắn nước tôi sẽ độc lập”.

Bồi hồi ghé nhà Ba Tám ảnh 2

Cây muỗm cổ thụ còn lại trong khuôn viên. Ảnh X.B

Bồi hồi ghé nhà Ba Tám ảnh 3

Nhà 38 nhiều năm bị quây trong rào sắt

Những dòng chính sử còn hằn bao nỗi băn khoăn ưu tư thắc mắc của nhiều giai tầng trong đó không ít những chính khách về Hiệp định sơ bộ này. Bao nhiêu những băn khoăn ấy dồn tụ vào lãnh tụ Hồ Chí Minh!

Những là ký gì thì ký lại mở đường cho Pháp trở lại xâm lược!? Như thế cái công sức thành quả Cách mạng Tháng Tám đổ sông đổ bể hết ư!?

Nhưng sử cũng rành rẽ những dòng này:

Ngay sau ngày ký kết, 7/3/1946, trước hàng vạn đồng bào tập trung ở Quảng trường Nhà hát Thành phố, nơi chứng kiến những cuộc biểu dương lực lượng và ý chí chống thực dân ở Thủ đô, sau bài giải trình nội dung Bản Hiệp ước sơ bộ của Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh dõng dạc khẳng định: "Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là độc lập, thống nhất, cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ. Ta sẽ nhận cho 15.000 quân Pháp vào thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch, sau năm năm Pháp sẽ rút hết quân đội về nước. Chúng ta phải tin vào Chính phủ, phải đoàn kết, phải tiếp tục chiến đấu. Riêng tôi, tôi hứa với đồng bào: Hồ Chí Minh nhất định không bao giờ bán nước!

Lịch sử đã minh chứng quyết định mở đường cho quân Pháp vào thay thế Tàu Tưởng và Hòa để tiến của Ông Cụ nhà mình sáng suốt và đúng đắn.

Gì thì gì thời điểm ấy cũng phải nhắc đến Tố Hữu.

Người trông gió bỏ buồm chọn lúc/ Nước cờ hay xoay vạn kiêu binh/ Vững tay lái ôi người thủy thủ/ Đã từng quen bốn bể lênh đênh.

Hiệp định Sơ bộ là văn kiện ngoại giao đầu tiên trong lịch sử, nhà nước ta ký kết với một quốc gia khác với sự chứng kiến quốc tế.Đó là cácHiệp định Sơ bộ (1946), Hiệp định Geneva (1954) và Hiệp định Paris (1973).

…Bên tôi là những hoang phế của ngôi nhà 38. Chứng nhân duy nhất của sự kiện 6/3/1946 có lẽ là cụ muỗm già xanh um gốc tày hai người ôm đứng trầm mặc trước ngôi biệt thự. Tàn cổ thụ ấy u tịch lặng lẽ cô đơn nép bên hàng rào sắt bít bùng ngó ra công viên Lý Thái Tổ. Thời gian cải tạo lại Cung năm 2016, người Hà Nội dậy nên bao nỗi tiếc xót hai cây cổ thụ tuổi ngang cây muỗm nói trên trong khuôn viên, bị đào bới sao đó làm chết!

Ngó lối cầu thang hở dẫn lên biệt thự, lá vàng phủ dày, lớp vôi vàng bong tróc loang lổ, chợt nhớ từ năm 1976, nhà 38 đã xôm tụ sinh sắc những sinh hoạt của Cung Văn hóa Thiếu nhi. Diện tích khu đất của Cung 1,2 ha gồm 3 khối công trình. Tòa biệt thự Pháp cổ (nhà 38) dùng làm khu hành chính, Khối nhà chức năng 5 tầng (dành cho các lớp học, các CLB, rạp hát… Nhiều thế hệ đã nối nhau trưởng thành và nhiều người đã thành danh thành tài từ Cung này.

Có lẽ từ thời điểm 2015 xây dựng Cung Thiếu Nhi mới ở quận Nam Từ Liêm với diện tích gần 40.000 m2, dự kiến hoàn thành năm 2024, tổng mức đầu tư 1.376 tỷ đồng, nhà 38 trở nên hoang phế? Xây Cung Thiếu Nhi mới, hiện UBND TP Hà Nội chưa có thông tin gì về số phận của Cung cũ này?

Một dạo, Thành phố Hà Nội nghe đâu đã có quyết định thu hồi nhà 38 để sử dụng vào mục đích khác nhưng đã không thành?

Thiết nghĩ, dẫu có những đổi thay gì cũng nên để ngôi biệt thự đượm dấu tích lịch sử ấy làm chức phận bảo tàng với hậu thế?

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.