Kỳ lạ vườn cò vạn con bên sông Cầu
> Ai cứu các vườn cò?
> Bắc Giang : Uẩn khúc sau một lời rao bán vườn cò
TPO - Hơn 20 năm nay, vợ chồng ông Bé, bà Gái sống cùng vườn cò ở khu đất hẻo lánh, tù úng bên dòng sông Cầu.
Họ chấp nhận một cuộc đời kham khổ dưới mái nhà cũ kỹ, dột nát, xiêu vẹo để giữ cho đàn cò có nơi trú ngụ, sinh sôi…
Một góc vườn cò ông Bé. |
Nơi ở của ông Ngô Văn Bé và bà Vũ Thị Gái (thôn Vụ Nông, xã Bắc Lý, Hiệp Hòa, Bắc Giang) là một doi đất rộng vài ha cạnh bờ đê sông Cầu. Bốn bề là thùng vũng, ao chuôm lổm nhổm bên những lò gạch đổ nát. Cả khu chỉ có vài nếp nhà thấp lè tè nép dưới màu xanh rì của cơ man cây cối.
Chủ nhà kể, nhà ông được 3 người con trai. Chỉ có một người con ở trong làng còn lại hai đứa ở hai đầu vườn cò. Ba nhà sống quần tụ cùng bầy cò ríu ran suốt ngày.
Hơn 20 năm về trước, nơi đây là một khu đất hoang sơ, ngoài một số ít bụi tre, trúc thì phần lớn là các loại cây cỏ cao ngang bụng người. Mùa đông, gió gào rít quẩn quanh mái tôn bạc thếch. Mùa hè, nước lũ ngập nửa vườn. Thế mà không biết tự bao giờ, những đàn cò đã về đây trú ngụ. Cứ vào khoảng trung tuần tháng Ba hàng năm là hàng nghìn con di cư về làm náo động cả vùng quê yên ả. Lúc đầu, vườn cò được giao cho Hợp tác xã nông nghiệp địa phương quản lý nhưng rồi cha chung không ai khóc, vườn cò gần như bỏ hoang.
Một con cò bị bắn ở vườn nhà ông Bé. |
Hợp tác xã đành phải tính đến việc đấu thầu vườn cò để cho hộ gia đình quản lý. Nhìn thấy hàng nghìn con cò chao lượn nơi đây, ông bà Bé đã mê tít cộng với lúc ấy, cũng chả có mấy người bỏ thầu vụ làm ăn thiếu thực tế này nên hai ông bà trúng thầu trở thành chủ vườn cò từ đó cho đến nay. Có người bảo, ông bà có gàn dở mới bỏ làng ra đây. Rồi chẳng mấy lúc mà lại phải bỏ về thôi.
Thế mà đến bây giờ, cả vườn cò của ông rộng hơn 2 ha, mỗi năm có hàng vạn con cò bay về quấn quít với vợ chồng ông.
Nhà cò học
Dẫn tôi thăm vườn cò, ông Bé khẽ khàng vạch từng cành tre cho khách đi. Ông dặn tôi, chớ có ngước lên nhìn nhiều và phải cẩn thận kẻo cò nôn vào người.
Rồi ông giải thích: Cò là loài làm tổ khá đơn giản. Tổ cò thường là những cành cây nhỏ đan trên những cây tre cao lởm chởm gai sắc nhọn. Cũng chính vì thế mà mỗi lúc cò mẹ cho cò con ăn, chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng khiến cho việc đút mồi trở nên vô ích.
Có thể cò con bị lắc lư mà nôn ra cả đống tôm tép mà bố mẹ chúng đi kiếm về. Cũng có thể là bố mẹ vụng về mà mớm cả ra ngoài. Vào mỗi buổi chiều khi đàn cò đi kiếm ăn về thì cả khu vườn tanh lựng mùi tôm tép. Lũ gà, vịt nhà ông ăn nhiều quá, say mà chết. Bây giờ ông cũng chả thể nuôi được con vật gì dưới những tổ cò ấy.
Ngôi nhà tồi tàn của vợ chồng ông Bé trong vườn cò. |
Gần tối cò về, cả khu vườn nhộn nhịp tiếng cò gọi nhau. Trong khu vườn ấy, hầu như mỗi bụi tre, trúc đều có đến vài tổ cò.
Theo ông Bé tính toán thì hiện có khoảng gần 1 vạn con cò đang sinh sống ở đây với đủ loại: cò bợ, cò hương, cò ốc, cò trắng, cò mỏ đỏ, cò nghênh… Có cả một số con vạc cũng về đây sinh sống. Giống cò tinh lắm, thấy động là chúng nháo nhác bay lên, kêu inh ỏi thông báo cho nhau. Nghe nhiều, bây giờ ông Bé, bà Gái có thể phân biệt được đâu là tiếng cò gọi nhau, đâu là tiếng cò báo có chim cắt đến phá tổ, đâu là tiếng cò hoảng loạn khi có người đến săn bắn…
Chăm cò như chăm con
Ngoài khu vườn trồng tre, trúc cho cò làm tổ, ông bà Bé còn trồng hẳn một khu vườn bạch đàn để làm sân chơi cho lũ cò. Đây là nơi cò đến rỉa lông, rỉa cánh, nghỉ ngơi sau một ngày kiếm ăn mệt nhọc. Cành khô của cây được cò tận dụng để làm tổ. Lại nói về chuyện làm tổ cho cò thì bà Gái luôn là người quan tâm nhất. Mỗi đợt cò về đông, bà lại phải đi bẻ những cành cây nhỏ bằng chiếc đũa, dài khoảng 25cm, gánh đi rải ở phía dưới để lũ cò nhặt về làm rong trong tổ của mình. Mỗi năm, số rong này chất đống cũng phải bằng cái bếp của ông bà. Nhiều lúc, thương lũ cò phải đi xa, dễ trở thành mồi cho những kẻ săn bắn, bà phải huy động cả con cháu đi nhặt rong mới đủ.
Bà Gái tìm rong cho cò làm tổ . |
Tổ cò sơ sài vậy nên ông bà Bé rất lo trời mưa, bão, gió to. Những lúc như thế, những cành tre đập vào nhau lập cập có thể dễ dàng phá vỡ tổ cò mong manh. Những con cò con chưa bay được bị cành cây đập cho tả tơi rơi xuống đất. Có buổi sáng sau trận bão, hai ông bà đi nhặt được cả một xô cò chết mà lòng đau như cắt. Ngoài ra, chỉ một vài sơ sẩy nhỏ cũng khiến lũ cò con rơi xuống đất. Mà đã rơi khỏi tổ là coi như cò đã không có cơ hội sống do thiếu thức ăn, bị côn trùng tấn công… Ngày bình thường cũng có đến 1-2 con bị chết vì những lý do như thế.
Ai đuổi cò đi?
Hơn 20 năm trông giữ vườn cò nhưng ông Bé cho biết, đến nay ông chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào của các cơ quan chức năng. Chính quyền địa phương cũng chưa giao hẳn đất cho ông mà vẫn để ông đấu thầu 10 năm một lần.
Tuy nhiên, ông cũng không quan tâm nhiều lắm đến điều đó. Việc khiến ông đau đầu nhất là làm sao ngăn chặn được những người luôn có dã tâm giết hại những con cò vô tội. Những đêm mưa gió, ông phải huy động cả mấy người con trai ra để canh giữ vườn cò bởi kẻ xấu thường lợi dụng lúc này để đến bắt cò con.
Ông Bé trong vườn cò. |
Trưa, hầu như 2 ông bà không ngủ. Chó, ông luôn nuôi vài con để đánh động khi người lạ đến. Ti vi, hầu như không bao giờ ông mở to quá đặng còn nghe tiếng cò kêu để biết xem có ai đến phá hoại vườn cò hay không. Nhưng còn một điều là ông không thể ngăn chặn được những người vác súc săn, loại súng đạn ghém luôn rình rập để bắn đàn cò. Những người này không đứng ở vườn nhà ông mà đứng cách khu vườn một đoạn, đúng điểm cò sà xuống chuẩn bị về tổ để bắn. Mỗi phát súng nổ có đến hàng chục con dính đạn.
Khi ông bà biết được chạy đến thì những kẻ săn trộm đã chạy đi tự lúc nào. Cũng có khi bắt gặp thì những người này chống chế: Tôi bắn cò trên trời chứ có bắn cò nhà ông đâu? Trước đây cũng vì thế mà đàn cò thưa hẳn đi. “Thời điểm gần đây, tôi thấy số người sở hữu súng săn, súng tự chế ngày càng nhiều lên mà rõ ràng nhà nước đã cấm sử dụng loại súng này. Hay phải chăng là luật chưa đến được vùng quê tôi?” – Ông Bé băn khoăn.
Nguyễn Trường