Gia tộc này hiện nay chỉ còn 2 người tay chân chỉ có một ngón, là anh Nguyễn Văn Bình (SN 1976, ngụ ấp Bưng Lớn B, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè) và con gái anh Bình tên Nguyễn Thị Như Tiên (SN 2013). Bà Nguyễn Thị Anh, mẹ anh Bình, cho biết: “Từ thời ông nội thằng Bình chỉ có 1 ngón rồi di truyền tới đời chồng tôi là Nguyễn Văn Cộng (mất năm 2011, lúc 58 tuổi) rồi tới thời thằng Bình và con gái nó cũng y hệt như vậy. Đã 4 đời rồi”.
Bé Tiên sinh ra tứ chi chỉ 1 ngón giống cha, ông của mình
Tuy tật nguyền, chỉ có 1 ngón tay, chân nhưng ông Cộng và cha, mẹ mình đều tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cha ông Cộng là liệt sĩ Nguyễn Văn Bốn, mẹ ông là liệt sĩ Nguyễn Thị Dung, đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Ông Cộng sau đó sống với cha mẹ nuôi và cũng tham gia vào bộ đội ở địa phương.
Mặc dù chỉ một ngón nhưng gia tộc này đã đóng góp không nhỏ trong kháng chiến chống Mỹ.
Sau giải phóng, ông Cộng là thương binh, tham gia làm việc ở xã đội, UBND xã, Hội Cựu chiến binh xã… Mặc dù mỗi chi chỉ 1 ngón út nhưng nhờ tập luyện nên ông Cộng vẫn làm việc như những người bình thường, chữ viết rất đẹp và đặc biệt ông đàn, hát rất hay.
Bà Anh kể lại: “Tôi là người cùng xóm, biết ông Cộng tật nguyền nhưng hiền lành, siêng năng làm việc và đàn hát hay nên khi cha nuôi ổng qua hỏi cưới, tôi đồng ý về làm vợ cho tới nay. Mặc dù nghèo khó nhưng chồng tôi rất siêng năng làm việc, từ việc đồng áng hay mò cua, bắt cá đều rất giỏi, dù chỉ có một ngón”. Bà Anh sinh được 5 người con (3 gái, 2 trai) thì có 2 con trai có di truyền tật nguyền giống cha, ông. Còn lại mấy người con gái đều lành lặn. Tuy nhiên, một người con trai của bà đã mất lúc mới 3 tháng tuổi nên mỗi đời chỉ có một người duy nhất mang gen di truyền của dòng họ.
Trong căn nhà tình nghĩa được chính quyền địa phương xây cất, bà Anh đang chăm sóc đứa cháu gái hơn 1 tuổi là “truyền nhân” nhỏ nhất của gia tộc “một ngón”. Bà Anh cho biết: “Thằng Bình sinh 2 đứa con gái, đứa lớn năm nay học lớp 7 tay chân bình thường, nhưng đứa con gái thứ 2 lại có gen giống cha, chỉ có 1 ngón. Cả gia đình tôi đều hy vọng đến đời các cháu sau này sẽ không còn mang gen tật nguyền này nữa”.
Theo bà Anh, việc chỉ có một ngón tay, chân khiến việc lao động, học tập sẽ khó khăn hơn bình thường. Gần đây chính quyền địa phương đã quan tâm cho anh Bình và con gái hưởng trợ cấp tật nguyền, giúp giảm gánh nặng về kinh tế. Mấy năm nay, do ít đất sản xuất nên vợ anh Bình lên Bình Dương làm công nhân may, còn anh Bình đi làm phụ hồ ở xã bên, lâu lâu mới về nhà. Mọi việc chăm sóc 2 đứa cháu nhỏ đều do bà Anh quán xuyến.
Mặc dù mang gen tật nguyền lạ lùng nhưng gia tộc này luôn ý thức được những khiếm khuyết bản thân, có ý chí vươn lên trong cuộc sống để không trở thành gánh nặng của xã hội, vì vậy được nhiều người nể phục.
Theo Minh Giang