“Bài” nghĩa là “Mở ra” và “Hạp” nghĩa là “Khép lại”. Trong thương thuyết, thuật này nghĩa là khơi gợi đối phương trải lòng nói ra sự thực, hoặc khiến họ trầm tư thổ lộ chân tình. Vạn vật đều có Mở và Khép, nghệ thuật du thuyết cũng dựa trên nền tảng này. Mọi tư duy, trí tuệ của con người đều được biểu đạt qua hai cánh cửa là Miệng và Tâm, bởi thế cần thành thạo thuật “Mở và Khép” để kiểm soát bản thân và đối phương xét theo 2 “cánh cửa” này. Sự nhịp nhàng giữa Mở và Khép của cái Tâm và cái Miệng cũng chính là một dạng thức hòa hợp của Âm Dương vậy.
Tung Hoành gia lấy thuật “bài hạp” làm cột trụ cho mọi thuật khác. Nhà du thuyết với ý tưởng phát xuất từ Tâm, bằng ngôn từ nơi Miệng để có thể “Mở ra” những viễn cảnh như trường sinh, an lạc phú quý, danh tiếng, uy quyền… hoặc “Khép lại” với những hệ quả là vong mạng, hoảng loạn, nghèo hèn, khổ nhục, thất lợi thất ý, tai họa… Âm Dương chuyển hóa lẫn nhau, tương sinh tương hóa trong thuật Bài Hạp này.
Trong lịch sử, có không ít người đã vận dụng xuất sắc thuật “Bài hạp” phải kể đến Tư Mã Ý (179 - 251 SCN) - vị tướng lĩnh, nhà chiến lược quân sự, nhà chánh trị kiệt xuất của vương triều Tào Ngụy trong thời Tam Quốc. Trong trận Nhai Đình, ông đã trúng kế “không thành” (thành không nhà trống) của Gia Cát Lượng, phải rút quân 30 dặm. Nhưng ông đã nghĩ cách “lấy phòng thủ làm tấn công”, không thèm để ý tới kế kích tướng của Gia Cát Lượng và đã chiến thắng.
Đặc biệt trên võ đài chánh trị quân sự, Tư Mã Ý cũng là một vị tướng lĩnh xuất sắc, được Tào Tháo tin dùng. Sau khi Tào Tháo mất, Tào Phi lên ngôi hoàng đế, Tư Mã Ý trở thành tay chân đắc lực của Tào Phi. Đến khi Tào Phi mất đã giao phó người kế vị Tào Duệ cho Tư Mã Ý; trước khi Tào Duệ mất đã giao người kế vị Tào Phương khi đó mới 8 tuổi cho Tư Mã Ý. Có thể nói Tư Mã Ý là nguyên lão Tam triều của vương triều nhà Ngụy. Cùng trợ giúp Tào Phương còn có đại tướng quân Tào Sảng là người của hoàng tộc, song lý lịch, danh tiếng, sự từng trải và tài cán đều kém xa Tư Mã Ý.
Tư Mã Ý và Tào Sảng cùng nắm quyền lực của Tào Ngụy. Mỗi người đều nắm hơn ba nghìn quân tinh nhuệ, thay phiên nhau điều hành chính sự. Nhưng khi các thuộc hạ Hoa Quỹ, Hà Yến, Đặng Dương, Đinh Mật thường xuyên nói xấu Tư Mã Ý có dã tâm lớn, được dân chúng kính nể, coi trọng nên chắc chắn sẽ được vua tin tưởng và trọng dụng.
Vào tháng 2 niên hiệu Cảnh Sơ thứ 3, Tào Sảng xui bẩy Ngụy Đế hạ chiếu, bề ngoài ca tụng Tư Mã Ý, xưng ngợi ông là người đức cao vọng trọng, nên đã phong Tư Mã Ý từ thái úy lên Thái Phó. Mưu lược này thực chất là giáng chức, khiến cho binh quyền trong tay Tư Mã Ý bị tước đoạt, thế lực của ông cũng giảm đi đáng kể. Tảo Sảng còn bổ nhiệm ba người em và chân thân uy tín nắm giữ những chức vụ quan trọng. Khi mọi quyền lực nằm trong tay, Tào Sảng trở nên hống hách, làm mưa làm gió trong vương triều.
Tư Mã Ý sớm đã nhìn thấu tâm địa đoạt quyền của Tào Sảng và tay chân của ông ta. Mặc dù mâu thuẫn của hai người ngày một rõ rệt, nhưng Tư Mã Ý không tỏ thái độ giận dữ, mà im lặng quan sát tình thế. Tào Sảng vốn là người của tông thất, là cháu của Tào Tháo, rất có thế lực trong triều đình nhưng cũng là đối tượng mà họ Tào luôn nghi kỵ đề phòng. Trước sự khuếch trương thanh thế của Tào Sảng, Tư Mã Ý đã chọn sách lược “hạp”, rút lui không cho phản kháng, trao hết quyền lực cho Tào Sảng, lấy lý do là mình già yếu không thể tham gia chiến sự. Chiến lược này khiến Tào Sảng và tay chân của ông ta dần dần lơ là cảnh giác, tự đắc quyền lực đã nằm trong tay mình nên suốt ngày ăn chơi trác táng, sa vào tửu sắc khiến tiếng xấu ngày một vang xa. Sau này, khi Tào Sảng nghi ngờ về bệnh trạng của Tư Mã Ý nên đã phái Lý Thắng tới chào Tư Mã Ý hòng kiểm tra xem bệnh thật hay giả. Nhưng Tư Mã Ý đã hiểu được dụng ý của Lý Thắng, tương kế tựu kế, đã giả bệnh nặng khiến hắn ta tin tưởng. Lý Thắng đã gặp Tào Sảng và bẩm báo toàn bộ sự việc tai nghe mắt thấy về bệnh tình của Tư Mã Ý: “Tư Mã Ý già yếu lắm rồi, tinh thần đã kiệt quệ, chỉ còn cái vỏ bọc bề ngoài thôi, không có gì phải lo lắng nữa”. Lúc này, Tào Sảng hoàn toàn tin tưởng, không còn đề phòng Tư Mã Ý.
Vào tháng giêng năm Gia Bình nguyên niên, Ngụy Đế dẫn toàn thể tông thất và quan đại thần văn võ đến viếng mộ Ngụy Minh đế. Tào Sảng và tay chân thân tín trong tâm trạng thoải mái, không hề cảnh giác. Tư Mã Ý “đang bệnh nặng” cho rằng thời cơ đã tới, bèn thực thi chiến lược “hạp”, cùng với kế sách đã tính toán chu toàn bấy lâu, tập hợp lực lượng đã chuẩn bị sẵn để tiến đảo chính. Ông cùng hai con trai là Tư Mã Sư, Tư Mã Chiêu thống lĩnh thuộc hạ, tấn công các vị trí chiến lược khiến Tào Sảng đầu hàng với lời hứa sẽ giữ cho ông ta mọi chức danh. Nhưng Tư Mã Ý nhanh chóng nuốt lời và hành quyết Tào Sảng cùng các phe cánh tội tạo phản. Đến tháng 2, Ngụy Đế phong Tư Mã Ý làm thừa tướng. Lúc này, Tư Mã Ý đã thâu tóm toàn bộ quyền lực quân sự và chánh trị của nhà Ngụy trong tay.
Cuộc đảo chính nổi tiếng do Tư Mã Ý phát động, được lịch sử gọi là “sự biến lăng Cao Bình”. Tư Mã Ý đã thành công nhờ biết chờ thời cơ. Khi Tư Mã Ý bị Tào Sảng chèn ép, ông hoàn toàn có thể đấu sức nhưng ông lại chọn kế sách “hạp” (im lặng, khép mình lại, chờ thời cơ tấn công), và phải chờ đến chín năm mới lật đổ được Tào Sảng. Khi đánh bại được Tào Sảng, lấy lại danh tiếng thì Tư Mã Ý được xem là trụ cột của quốc gia, được dân chúng tin yêu và quý trọng. Tấn công bất ngờ là một trong những yếu tố giúp Tư Mã Ý dành thắng lợi. Thời gian ấp ủ kế hoạch có thể kéo dài song thời gian thực hiện cần phải ngắn, cần phải tiến hành nhanh chóng trong tình trạng đối phương lơ là, mất cảnh giác và không có bất cứ sự chuẩn bị nào. Vấn đề binh quyền – là mấu chốt trong sự thành bại của các cuộc đảo chính. Muốn gây biến động chánh trị thì vừa cần có thế lực hậu thuẫn phía sau, lại cần có lực lượng phía trước mở đường. Đồng thời, vạch trần tội danh của đối thủ để thể hiện rằng chính nghĩa đang nằm trong chính tay mình.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt nhất khiến Tư Mã Ý đảo chính thành công nằm ở chỗ ông biết vận dụng khéo léo “thuật bài hạp”. Khi bản thân ở tình thế bất lợi, ông đã khép mình lại, nhường vũ đài cho đối thủ, khiến đối thủ lơ là mất cảnh giác, từ đó tấn công lại và đã giành chiến thắng. Qua đây có thể thấy, lúc nào cần “bài” (mở), lúc cần “hạp” (khép) là điểm mấu chốt quyết định thành công cuối cùng.
“Thuật bài hạp” không chỉ được các cao nhân, hiền triết, tướng lĩnh, binh sĩ… Trung Hoa vận dụng mà ngày nay được nhiều chánh trị gia, nhà mưu lược, nhà tư tưởng… học hỏi, lĩnh hội và ứng dụng nhiều trong thời hiện đại. Đặc biệt ở lĩnh vực kinh doanh, việc vận dụng mưu lược “bài hạp” của Quỷ Cốc Tử, có thể giải quyết vấn đề, nắm vững mâu thuẫn chính hoặc hiểu rõ nhân vật chủ chốt, để từ đó biết được điểm mạnh yếu của vấn đề hay nhân vật chủ chốt, giúp vấn đề được giải quyết tường tận, thấu đáo.
“Bài hạp” thuộc thiên thứ nhất trong 12 thiên mưu lược của cuốn sách “Quỷ Cốc Tử mưu lược toàn thư” được Nhà sáng lập - Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng, tuyển chọn thuộc lĩnh vực Chính trị – Ngoại giao – Quân sự trong "Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời".
(Đón đọc kỳ sau: Quỷ Cốc Tử Mưu lược toàn thư – Phản ứng)