Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội dành 12 ngày thảo luận về vấn đề kinh tế

Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội dành 12 ngày thảo luận về vấn đề kinh tế
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho biết tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, sẽ dành khoảng 12 ngày để xem xét, thảo luận, tìm nguyên nhân và đề ra những giải pháp liên quan đến vấn đề tăng trưởng kinh tế, hoạt động ngân hàng...

Chiều 19/10, tại Hà Nội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì cuộc họp báo Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội trong năm 2012, sẽ khai mạc vào sáng 22/10 và bế mạc vào ngày 22/11.

Về công tác xây dựng pháp luật, nổi bật là việc thảo luận dự thảo Hiến pháp sửa đổi, dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày. Văn phòng Quốc hội cho biết, việc sửa đổi Hiến pháp nhằm bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự thảo Hiến pháp sửa đổi sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận trong 2 kỳ họp (thứ 5 và 6) của năm 2013 và sẽ được xem xét thông qua vào Kỳ họp đầu tiên (Kỳ họp thứ 7) của năm 2014.

Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhằm khắc phục sự thiếu đồng bộ, chồng chéo và mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật về đất đai, quy định rõ hơn về quyền định đoạt của Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và sẽ thông qua vào kỳ họp sau.

Cũng liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, Kỳ họp này sẽ thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Nghị quyết sẽ được thực hiện từ năm 2013.

Tăng cường thông tin tới người dân

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho biết tại kỳ họp này sẽ có 13 buổi thảo luận toàn thể được truyền hình, phát thanh trực tiếp, tăng 5 buổi so với Kỳ họp thứ 3. Những nội dung thảo luận liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân, trong đó có nội dung giám sát của Quốc hội về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai trong lĩnh vực hành chính.

Về chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời chất vấn trước Quốc hội tại các kỳ họp thứ 2 và thứ 3 vừa qua.

Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, điểm mới trong chất vấn lần này là trước khi Quốc hội chất vấn, Chính phủ có một báo cáo chung về việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành đã được thực hiện như thế nào.

Như nhiều kỳ họp trước, chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội có thể sẽ được tổ chức vào thời gian gần cuối kỳ họp.

Theo Báo Điện tử chính phủ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG