Tôi hỏi, bà có nghe câu chuyện của bà Nguyễn Thị Chiến đi kêu oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn ở thôn Me (Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang), bà Mai lặng đi: “Ước gì tôi có những người thân như chị em bà Chiến để có thể chỉ đường đi, nước bước cho mình, hoặc biết làm những việc như ghi âm để tìm ra chứng cứ. Nếu thế chắc ông nhà tôi đã không phải như bây giờ”.
Hai năm mới thấy mặt chồng
Cho đến giờ, bà Mai vẫn nhớ như in ngày chồng bà đột nhiên không trở về nhà. Lúc ấy, bà chỉ nghĩ đơn giản là ông bị công an gọi lên để hỏi về việc mâu thuẫn, đánh nhau với mẹ con bà Khuyến. Bà cũng chẳng bao giờ nghe ông Long nói về chuyện hiếp dâm ai. Bà khẳng định, sống với nhau bao nhiêu năm, tính tình chồng thế nào bà không lạ, nên nghe chuyện ông hiếp dâm, giết người, làm sao bà có thể tin.
“Bây giờ tôi cũng chẳng biết tin vào cái gì nữa. Trước đây các ông xử thế này, giờ lại bảo thế khác.
Người dân chúng tôi chứ có phải thánh thần đâu, phải nhờ công an, tòa án mới mong tìm được công lý cho cháu mà giờ đây vẫn chưa biết thế nào”.
Chị Liễu nói như khóc
Người đàn bà ấy từ nhỏ chỉ quen với việc đồng áng, với những người hàng xóm, láng giềng thân thuộc. Vậy nên, khi chồng bị bắt thì bà cũng chẳng biết cậy nhờ ai, chỉ biết ở nhà trông con, chờ chồng.
Bà Mai nói, chưa từng một lần nhận được thông báo chính thức của các cơ quan chức năng về tình trạng của chồng. Suốt trong quá trình ông Long bị giam giữ trước khi đưa ra tòa lần đầu tiên, bà không một lần được gặp mặt chồng. Lần xử Hàn Đức Long đầu tiên, bà được đến dự hai buổi nhưng đều bị… hoãn. Đến khi xử thật thì bà lại không được dự. Bà chỉ thoáng nhìn thấy hình ảnh của chồng lấp ló dưới màu áo xanh của lực lượng công an dẫn giải lúc lên xe thùng.
Hai đứa con của bà cũng phải chịu áp lực lớn khi bố chúng mang tội giết người, hiếp dâm trẻ em. Hàn Thị Linh (SN 1988) đã gặp không ít kỳ thị của xã hội; Hàn Đức Trọng (SN 1989) phải nghỉ học giữa chừng vì gia đình quá túng thiếu. Dẫu khó khăn, bà Mai vẫn tìm mọi cách để minh oan cho chồng vì bà tin ông. Bây giờ, đều đặn mỗi tháng một lần, bà lại vào thăm chồng để cùng tiếp thêm khát vọng đi đến tận cùng chân lý.
Phía gia đình nạn nhân nói gì?
Phóng viên báo Tiền Phong đã cố gắng tiếp cận bà Năm, người đã kiện Hàn Đức Long về hành vi hiếp dâm. Tuy nhiên, khi biết chúng tôi có ý định hỏi về vụ việc ngày trước, bà không nói một lời, đôi mắt nhìn đi chỗ khác và kiên quyết đóng cửa, từ chối tiếp chúng tôi.
Cố công tìm gặp chị Đoàn Thị Liễu, chúng tôi trở về chiếc quán nhỏ của chị. Ngôi nhà đã xây mới nhưng chiếc quán vẫn như cách đây gần 10 năm. Khi nhắc đến cái chết của Y., chị Liễu như chực khóc.
Bà Nguyễn Thị Yên, một nhân chứng, nhớ lại chuyện cũ
Chị vẫn hoang mang bởi những tin đồn hiện nay, không tin vào những bản án và phán xét tòa án. Không xót xa sao được khi cái chết của đứa con đầu lòng của chị vẫn chưa được làm rõ và rất có thể, kẻ thủ ác vẫn còn lởn vởn đâu đó ngoài vòng pháp luật.
Thậm chí, ông Đỗ Danh Soạn, ông trẻ của cháu Y., đồng thời cũng là một nhân chứng của vụ án Hàn Đức Long, cũng cho rằng cần có cái nhìn công tâm, khách quan với vụ việc.
“Đến giờ tôi vẫn khẳng định, khi tôi về thì thấy Hàn Đức Long quay trở lại xát gạo. Tôi có bảo Long đi nhanh lên. Lúc ấy trời vẫn còn sáng lắm, nếu Long thực hiện hành vi trong thời điểm ấy, tôi thấy khá là vô lý” - ông Soạn nói.
Dư luận chưa đồng tình
Phóng viên Tiền Phong làm một cuộc khảo sát nhỏ về dư luận của người dân địa phương với vụ án Hàn Đức Long thì khá nhiều người đều đánh giá những lần xét xử Long có những tình tiết chưa rõ ràng.
Ông Nguyễn Đình Long, hàng xóm của Hàn Đức Long, cho biết: Long là người như thế nào, hàng xóm, láng giềng ai cũng đều biết cả. Thật khó tin khi nghe chuyện Long có thể làm những việc tày trời như thế.
Bên cạnh đó, có bao nhiêu nghi ngờ trong khi xét xử, ví dụ như bà Năm bảo Hàn Đức Long hiếp đứng là khó giải thích bởi thậm chí bà còn to cao hơn cả Hàn Đức Long. Rồi khi về thực nghiệm hiện trường thì lại thuê một người to khỏe, lực lưỡng, đi như chạy ma ra tông mà vẫn nhiều thời gian hơn kết luận điều tra, vật đóng thế cháu Y. là một cây chuối thì làm sao bảo đảm tính chính xác? “Tôi cứ thấy các phiên tòa xét xử Hàn Đức Long thế nào ấy, không rõ ràng khiến cho người xem không thấy phục lắm” - ông Đình Long nói.
Còn bà Nguyễn Thị Yên, cùng thôn, người xát gạo trước Hàn Đức Long ở quán nhà anh Diêm Quảng Nam cũng xác định: “Ông Long nguyên là một đảng viên, một công an viên, sống bình thường với người dân xung quanh cho nên trước Tòa tôi vẫn chỉ nêu lên những gì mình biết mà không thể nói khác được. Tôi cũng chỉ mong sao các cơ quan chức năng sớm tìm ra chân lý của vụ việc để bớt đi những nghi ky không đáng có ở làng quê này”.