'Kỳ án' liên quan đến... chuột

Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Có những vụ án dù thời gian đã trôi qua, nhưng người ta không thể nào lãng quên bởi tính chất, quy mô của nó lại liên quan đến loài chuột. Năm “Canh Tý”, chúng ta cùng điểm lại những vụ án “đáng nhớ” liên quan đến loài gặm nhấm này.

Mất vàng... lòi ra mặt chuột

Vụ mất trộm túi vàng từng gây xôn xao dư luận ở vùng quê nghèo xã Bok Tới, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, xảy ra cách đây đã nhiều năm nhưng đến nay người dân vẫn không thể nào quên khi biết thủ phạm thật sự của vụ án.

Chuyện là một ngày đẹp trời đầu tháng 3/2015, sau khi đi làm về, chị Đinh Thị Đấp (28 tuổi) bỗng ôm mặt khóc nức nở, đồng thời la lớn khiến bà con lối xóm hốt hoảng liền kéo đến hỏi rõ sự tình.

Nước mắt ngắn dài, chị Đấp nghẹn ngào cho biết, gần chục năm trời lam lũ mưu sinh tích cóp được 7 chỉ vàng 24k và 5,4 chỉ vàng 18k để phòng thân. Số tài sản quý giá này được chủ nhân gói ghém cẩn thận, bọc trong một túi vải, giấu sâu dưới chân tường nhà. Thỉnh thoảng, nhân lúc cả nhà đi vắng, chị Đấp mới bí mật lấy ra kiểm tra. Dù giấu rất kỹ nhưng bỗng nhiên túi vàng “mọc cánh bay”, khiến chị vô cùng hoang mang và tiếc nuối.

Một mất, mười ngờ ngay lập tức chị Đấp gọi chồng mình là anh Đinh Văn Dư (SN 1978) về tra hỏi. Thấy chồng xuất hiện, chị Đấp kéo chồng xềnh xệch đến chỗ vách tường lớn tiếng: “Anh có lấy vàng của tôi cất trong cái lỗ này không?" Nghe vợ hỏi, anh Dư ngơ ngác như người trên trời rơi xuống!

Chưa hết kinh ngạc khi biết người vợ tần tảo, chịu thương chịu khó cóp mua được ít vàng cất giấu thì bỗng dưng anh lại bị buộc tội trộm vàng. Mặc dù, anh Dư đã hết lời giải thích nhưng chị Đấp vẫn một mực đổ tội cho chồng, khiến đôi bên xích mích phải kéo nhau đến cơ quan công an (CA) địa phương trình báo.

 Vào cuộc điều tra, thấy anh Dư là người hiền lành, chí thú làm ăn nên CA nhanh chóng loại khỏi tầm ngắm. Dù điều tra kỹ mọi thông tin nhưng CA vẫn không tìm ra được đối tượng nào nghi vấn.

 Quyết tâm phá án, ngày hôm sau, CA huyện Hoài Ân đến nhà chị Đấp khám nghiệm hiện trường lại lần nữa. Trong lúc vụ việc tưởng chừng đi vào ngõ cụt thì các chiến sĩ CA tập trung phân tích chi tiết vàng được cất trong túi vải, chôn dưới chân tường, khu vực nhà chị Đấp lại gần đồi núi nên rất có thể thủ phạm là loài gặm nhấm. Tích cực điều tra theo hướng này, các chiến sĩ CA chia lực lượng làm nhiều mũi cùng người dân, lật tung mọi ngõ ngách tìm kiếm túi vàng cho khổ chủ.

 Quả đúng như dự đoán, đến chiều cùng ngày, CA phát hiện chiếc túi vải đựng “bửu bối” của chị Đấp vẫn còn nguyên vẹn và đang nằm trong hang chuột, cách nơi cất giấu vàng của khổ chủ khoảng 10m. Túi vàng này đang được “thủ phạm” trưng dụng vào việc lót ổ.

 Đúng là mất vàng… mới lòi ra mặt chuột là có thật. Câu chuyên bi hài về vụ mất trộm vàng của gia đình chị Đấp chắc có lẽ là vụ án độc lạ có một không hai trong lịch sử tố tụng của Việt Nam.

Vụ án con chuột đồng

 Vụ kiện hy hữu sau đây cũng liên quan đến chuột. Nguyên đơn là ông Trần Văn Khi (55 tuổi), Tạ Văn Bình (66 tuổi) và Nguyễn Đình Toán (63 tuổi, cùng ngụxã Cộng Hòa, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Bị đơn lại là Hợp tác xã (HTX) dịch vụ xã Cộng Hòa.

 Theo nội dung vụ việc, từ năm 2017, nguyên đơn đã thỏa thuận một số công việc với HTX xã Cộng Hòa. Nội dung thỏa thuận như sau: Nhóm ba người nông dân trên có nhiệm vụ làm 3 việc: dẫn nước về ruộng lúa, dọn mương và rải thức ăn (thóc) đã được trộn hóa chất ở ruộng lúa để diệt chuột. Cụ thể, khâu trộn hóa chất vào thức ăn là do người của HTX pha trộn và giao cho nhóm.

Sau đó, nhóm này có nhiệm vụ mang thức ăn đi rải ở ruộng để diệt loài gặm nhắm phá hoại mùa màng này. Tuy nhiên, sau khi nhóm nông dân hoàn thành công việc đã thỏa thuận trong thời gian 7 tháng nhưng mùa màng vẫn thất thu, khiến cho HTX dịch vụ Cộng Hòa phải đền bù cho dân 70 triệu đồng vì chuột phá hoại.

 Cho rằng chuột không chết, vụ mùa thất thu, nhóm nông dân trên phải chịu trách nhiệm, nên phía HTX chỉ thanh toán tiền công 3 tháng, số tiền HTX nợ họ 4 tháng là 49 triệu đồng. Không đồng ý với phương án mà HTX đưa ra, nhóm nông dân đã khởi kiện ra tòa, yêu cầu phía HTX phải thanh toán số tiền còn nợ.

 Khi vụ việc được đưa ra xét xử, một số luật sư phía nguyên đơn cho rằng nguyên nhân mất mùa có thể do: giống, quy trình canh tác, sâu bệnh, thời tiết và những lý do bất khả kháng, chứ không thể  đổ lỗi cho người diệt chuột. Nếu như nói dân đánh bả chuột không chết thì HTX phải có chứng cứ. HTX cũng phải chứng minh thiệt hại của vụ lúa là do chuột gây ra, mới có cơ sở bắt người dân bồi thường.

 Hơn nữa nguyên nhân mất mùa còn được xác định là do bệnh vàng lùn, chứ không phải do chuột phá hoại và kết luận này đã được cán bộ khuyến nông huyện Nam Sách đến thăm và kết luận tại thôn Cổ pháp. Do đó, việc HTX từ chối trả tiền cho nhóm nông dân trên là không có cơ sở!

Dùng keo... chuột trộm tài sản

 Có vô vàn thủ đoạn, phương tiện, công cụ để kẻ gian gây án, nhưng với việc dùng keo dính chuột thực hiện hàng loạt vụtrộm thì là chuyện xưa nay hiếm.

 Cách đây không lâu, tại địa bàn huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) liên tiếp xảy ra các vụ trộm cắp tiền tại đền, chùa và nhà dân, gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Đáng nói, các vụ trộm đều xảy ra vào ban đêm, kẻ gian ra tay nhanh, gọn và không để lại dấu vết. Các thùng tiền công đức bị chúng “khoắng” sạch, nhưng lại còn nguyên xi không có dấu hiệu bị cạy phá.

 Trước thực trạng đó, CA huyện Nghi Lộc đã xác lập chuyên án đấu tranh. Trong lúc đang tích cực điều tra thì CA lại nhận được tin báo tại đền thờ Nguyễn Xí (xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc) bị kẻ gian trộm 20 triệu đồng trong hòm công đức.

 Đi sâu phân tích các tình tiết có trong hồ sơ vụ án cùng với việc tích cực nắm bắt thông tin, ban chuyên an xác định được đối tượng Nguyễn Minh Trí (SN 1996, trú thị xã Cửa Lò) có liên quan đến hàng loạt vụ nhập nha trên. Trí bị bắt cùng 3 đồng phạm là Lê Văn Hiến (SN 2001), Nguyễn Đăng Hồng (SN 2000) và Nguyễn Đăng Lộc (SN 1999, cùng trú huyện Hưng Nguyên).

 Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận đã gây ra 10 vụ trộm tiền trong hòm công đức ở các đền, chùa tại địa phương. Cụ thể qua điều nghiên thấy trong các đền, chùa đều có hòm công đức đựng nhiều tiền, không người trông coi nên bọn chúng chọn làm mục tiêu.

Nhằm không để lại dấu vết, Trí và đồng bọn thống nhất sử dụng một thanh thép và keo dính chuột để “câu” tiền trong hòm công đức. Và cứ thế, các phi vụ lần lượt trót lọt, nhưng “đi đêm lắm” thì cuối cùng chúng cũng phải vào trại ăn cơm tù.

Thoát chết nhờ... thuốc chuột dỏm

 Nửa đêm một ngày cuối tháng 10/2013, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận ca cấp cứu trong tình trạng mặt bệnh nhân tái mét, thở khò khè. Bệnh nhân là nam sinh tên Ngô M. D, học sinh một trường THPT trên địa bàn. M.D được Bác sĩchẩn đoán đã uống thuốc diệt chuột nên tiến hành rửa ruột… Sau 4 ngày điều trị bệnh nhân được xuất viện.

 Theo nội dung vụ việc trước đó, do M.D yêu đơn phương một nữsinh cùng trường nhưng bị từ chối. Thất tình, nam sinh đi mua thuốc diệt chuột về kẹp vào ổ bánh mì ăn để quên sinh. Sau khi ăn xong, M.D về nhà bật mí cho mẹ biết là vừa sử dụng thuốc diệt chuột nên gia đình vội đưa đi bệnh viện cấp cứu.

 Đáng nói là không chỉ M.D mà sau đó ít ngày bạn thân của nam sinh này là Huỳnh N.L cũng vì buồn chán, bất mãn với với cuộc sống nên tìm đến thuốc chuột. Sau khi sử dụng bỗng thấy luyến tiếc cuộc sống, N.L vội nói cho người thân nên được đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời và may mắn giữ được mạng sống.

 Qua hai trường hợp may mắn trên, bác sỹ kết luận nồng độ trong thuốc diệt chuột mà họ sử dụng nhẹ hơn nhiều so với thuốc thông thường. Gia đình kiểm tra nhãn mác loại thuốc mà M.D và N.L sử dụng, mới hay thuốc không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ…là thuốc diệt chuột dỏm, nhái nhãn mác…

Theo Theo Công an TP Hồ Chí Minh
MỚI - NÓNG