Ngày Quyến bị bắt giam, chúng tôi gọi điện thoại về Hưng Nguyên gặp bà Niềm thì chỉ nghe được những tiếng sụt sịt.
Gặp lại mẹ Niềm
Một tuần sau khi chúng tôi đến thăm bà thì thấy bà đã bình tĩnh hơn. Người mẹ ấy đã vượt qua được cơn bão lòng dù biết rằng cái tên của con mình gắn với trái bóng tròn giờ đã bị “khai tử”…
Bà Niềm bây giờ đã không còn dùng nhiều đến chữ “Nếu”. Bà biết ở cái tuổi 23 (chứ không phải 21 như trong khai sinh khi Quyến đăng ký để đá các giải thiếu niên cho Nghệ An và cả giải U16 châu á) đối với Quyến vẫn còn nhiều cơ hội để trở thành người tốt. Bà Niềm nói nhiều đến hai chữ người tốt chứ bà không dám nhắc đến chữ cầu thủ tốt.
Bà Niềm bây giờ khác hẳn với một bà Niềm mà 4 năm trước chúng tôi gặp bà để thuyết phục việc cho Quyến tìm cha. Bà ăn nói lưu loát hơn chứ không “quê” như có lần Quyến trách yêu bà: “Mẹ tối ngày cứ quanh quẩn ở quê không chịu lên Hà Nội hoặc vào Sài Gòn xem chúng con đá bóng”.
Bà có nét già hơn nhưng đỡ vất vả tiều tụy hơn cái hồi còn nghèo khó. Ngôi nhà của bà cũng khang trang hơn và tươm tất hơn nhờ tiền đá bóng con trai mang về sửa sang lại.
Bà nói mãi về Quyến và vẫn tin Quyến, dù bà biết không phải báo chí người ta dựng đứng lên để nói xấu về con mình. Bà tâm sự: “Không ai hiểu thằng Quyến bằng tôi đâu. Các thầy ở đội bóng cứ nói họ hiểu nó nhưng thực chất chẳng ai hiểu nó cả. Nó chẳng có bạn bè tốt quanh mình không phải vì tính nết khó gần mà vì không hiểu và đồng cảm với nó thì nó không gần, không chơi…”.
Dấu chấm hết…
Nghe bà Niềm nói chúng tôi giật mình khi xâu chuỗi lại những mối quan hệ quanh Quyến ở đội SLNA lẫn đội tuyển.
Cuối cùng, từ Trại tạm giam T16, Quyến đã tỏ ra rất ăn năn khi nói ra những lời tận đáy lòng mình: “Giờ đây em rất hối hận, em không biết nói gì hơn. Em muốn xin lỗi tất cả mọi người, xin lỗi mẹ thương yêu của em! Trong trại giam em trằn trọc không ngủ được. Em mới làm việc này lần đầu tiên. Lúc đầu em không nghĩ đến hậu quả, chỉ nghĩ mình vừa thắng lại vừa kiếm được ít tiền để tiêu xài. Bản thân em không ý thức được rằng mình đã bán rẻ người hâm mộ. Đội Việt Nam bị loại, em không dám nhìn mặt mọi người. Em thực sự hối hận, muốn làm lại một cái gì đấy để mọi người hiểu mình hơn”. |
Năm 2001, khi Quyến bị HLV Dido đuổi khỏi đội tuyển thì bên cạnh Quyến chỉ có Anh Cường - cầu thủ mà sau này chính các thầy ở Nghệ An nói rằng đã tập cho Quyến hút thuốc và uống rượu nên buộc phải tách hai đứa ra.
Năm 2002, khi Quyến nhận hàng loạt những án kỷ luật ở Liên đoàn lẫn ở CLB thì ở bên cạnh Quyến chỉ có mỗi mẹ Niềm. Nó ôm bà khóc lóc như một đứa trẻ và hứa thật nhiều mỗi khi về Hưng Nguyên thăm mẹ. Đám bạn ở U16 cùng lứa với Quyến ngày nào thì có lần Quyến đã nói thẳng thừng “Chơi không được!”.
Thế là Quyến cứ thui thủi một mình và lạnh lùng với cả những người từng xưng là thầy nó. Thậm chí có lúc Quyến ít bạn tâm giao đến nỗi chỉ thích được các anh phóng viên mến mộ gần gũi nhưng rồi cũng chỉ dừng ở mức có một ông anh để khi vào Sài Gòn thì rủ đi uống cà phê.
Khi hào quang đến thì Quyến lại đổi khác. Tiền đến với Quyến thật dễ và bạn bè đến với Quyến cũng thật nhiều. Quyến lúc ấy không có điều kiện để chọn bạn mà chơi, trong khi xung quanh lại có quá nhiều những người đã lợi dụng đôi chân của Quyến và cái đầu non nớt của một cầu thủ trẻ chưa được trang bị hành trang để vào đời và vào nghề.
Đã có lần chúng tôi hỏi Quyến thân với ai nhất đội thì Quyến nói “Thân với anh Huy Hoàng”. Nhưng để trả lời cho câu vì sao lại thân với Huy Hoàng thì Quyến lại không thể trả lời.
Tương tự Quyến được Quốc Vượng kết thân để rủ rê và tất nhiên là Quyến tính thật nhanh, gật thật lẹ với cái cách tính rất “hồn nhiên”: Vừa được tiền thưởng của Nhà nước, vừa có tiền thưởng của bọn cá độ. Thế là bán!
Tai hại hơn là vào đến trại giam rồi, Quyến vẫn chưa ý thức được chuyện bán độ với lời nói: “Đằng nào cũng thắng! Chúng em bán thắng để kiếm thêm chứ không bán thua!”.
“Cái chết” sau 5 năm ngắn ngủi của một ngôi sao là ở chỗ ấy!