Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…của cà phê trong mọi lĩnh vực của đời sống để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!
Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!
Đối với người Ý, lịch sử dân tộc là đặc quyền đặc tính không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có được. Và, một không gian xã hội quan trọng như hàng quán cà phê đã trở thành nơi tái hiện hào quang những nền văn minh trong hàng thế kỷ, biểu trưng cho niềm kiêu hãnh dân tộc Ý.
Không gian quán cà phê Ý được xây dựng, trang hoàng như một kỳ quan kiến trúc. Những tác phẩm văn học, hội họa, điêu khắc được trưng bày theo chủ đề và diễn trình lịch sử từ thời Etruscan đến La Mã, Phục hưng, Khai sáng... như một bảo tàng chuyển tải khí quyển văn hóa. Nếu quán Antico Caffè Greco (1760, Rome) được ví như một không gian triển lãm nghệ thuật tư nhân lớn nhất với hơn 300 tác phẩm hội họa cổ điển lẫn hiện đại, thì quán Caffè Museo Atelier Canova Tadolini (1818, Rome) là một Bảo tàng với bộ sưu tập tác phẩm điêu khắc hiện thân của ký ức hàng thế kỷ của Venice.
Đặc biệt, từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20, không gian quán cà phê được coi là trung tâm văn hóa trong lịch sử Ý. Các nhân vật ảnh hưởng quan trọng trong lĩnh vực văn học, triết học, chính trị, nghệ thuật… của Ý tập hợp trong không gian cà phê để thảo luận và phát triển hệ tư tưởng mới. Tạp chí Khai sáng quan trọng nhất của Ý có tên “Il Caffè” phát hành từ năm 1764 đến 1766, mô phỏng những cuộc trò chuyện quanh bàn cà phê. Những nhà khai sáng chọn cà phê như biểu tượng của những người “Thông thái và Sáng tạo” trái ngược với bia – vẫn đang là thức uống phổ biến đương thời làm mờ lý trí con người. Hơn nữa, đặc trưng của quán cà phê là không gian tạo ra những cuộc trao đổi tri thức và phổ biến ý tưởng mới, hoàn toàn phù hợp với lý tưởng khai sáng và các vấn đề cải cách mà tờ tạp chí chủ trương. Tạp chí “Il Caffè” được xem như ấn phẩm tri thức của tầng lớp cấp tiến, mở ra thời kỳ “chuyển đổi trí tuệ” hay nói cách khác là đặt nền móng cho phong trào Khai sáng Ý.
Trong thời kỳ thống nhất quốc gia (Risorgimento), Ý chịu sự thống trị của các cường quốc châu Âu. Từ vị trí lãnh đạo văn hóa và nghệ thuật của châu Âu, Ý trở thành quốc gia bị phân chia không có bản sắc nghệ thuật riêng. Chính giai đoạn này, hàng quán cà phê cũng là nơi những con người mang tinh thần bất khuất của thời đại nuôi dưỡng lý tưởng và thực hiện những cuộc tái tạo vinh quang quốc gia. Quán Caffè Michelangiolo ở Florence là nơi những họa sĩ Ý khởi xướng phong trào nghệ thuật Macchiaioli khơi dậy nghệ thuật Ý, thể hiện tinh thần dân tộc chủ nghĩa thông qua việc sáng tạo phong cách nghệ thuật mới dựa trên những thành tựu nghệ thuật lâu đời của Ý. Vài thập kỷ sau, quán cà phê Caffè delle Giubbe Rosse được vinh danh là “fucina di sogni e di passioni” (nơi rèn giũa những ước mơ và đam mê) cũng là nơi Chủ nghĩa vị lai (Futurism) hình thành, nỗ lực tạo nên bản sắc mới, lấy cảm hứng từ đời sống đương đại và sự tự tôn dân tộc.
Trong khi đó, quán cà phê Gran Caffè Gambrinus (1860) là trung tâm trí tuệ và chính trị của thành phố Napoli vào cuối thế kỷ 19. Napoli vốn là một trong những khu đô thị lâu đời nhất có mặt con người sinh sống trên thế giới, và cũng là thành phố đa sắc tộc. Điều này dẫn đến những chia rẽ vì khác biệt truyền thống, văn hóa, tôn giáo. Chỉ ở các không gian quán cà phê, mọi quan điểm đều được tiếp nhận. Quán cà phê Gran Caffè Gambrinus trở thành nơi chứng kiến tất cả các trí thức, chính trị gia và nghệ sĩ bao gồm Salvatore Di Giacomo, Libero Bovio, Benedetto Croce, Eduardo De Filippo và Enrico De Nicola… đến bàn luận về những cuộc chuyển đổi văn hóa, giương cao khát vọng hợp nhất dân tộc, vì một nước Ý thống nhất. Từ sự tiếp nhận và lan tỏa những tư tưởng tích cực, quán cà phê này đã sáng tạo loại bánh thưởng thức cùng cà phê có tên gọi "Black Babà" nhằm tôn vinh phong trào chống phân biệt chủng tộc.
Tại Padua - từng là một trong những thành phố thương mại hàng đầu của Đế chế La Mã, quán cà phê là trung tâm khai triển ý tưởng kinh doanh của thị thành lâu đời này. Tác gia Giuseppe Adami khẳng định “Toàn bộ trái tim của Padua đập trong một quán cà phê” để biểu đạt mọi chuyển động cuộc sống hàng ngày, những cuộc đàm phán, tin tức mới nhất của thế giới… điều có thể tìm thấy trong quán cà phê. Thương gia từ khắp các nơi thực hiện những quyết định và ý tưởng thương mại ngay bên bàn cà phê dường như là hình ảnh quen thuộc ở Padua.
Những nhà tri thức Ý nhận định rằng, quán cà phê Ý chính là nơi “văn hóa tạo ra văn hóa”. Từ khi xuất hiện tại Ý, trong suốt nhiều thế kỷ, hàng quán cà phê là không gian chuyển tải câu chuyện lịch sử, văn hóa. Đặc biệt, quán cà phê đã giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình đổi mới tư tưởng chính trị, nghệ thuật, kinh tế… tạo nên những bước ngoặc tái định hình văn hóa Ý, phong cách Ý, góp phần tạo nên một quốc gia Ý bản sắc như ngày nay.