Kon Tum: Nhiều học sinh bỏng nặng vì đi bắt sâu ban miêu

Loài sâu ban miêu này dân địa phương vẫn gọi là bọ ba màu. Ảnh minh họa: Internet
Loài sâu ban miêu này dân địa phương vẫn gọi là bọ ba màu. Ảnh minh họa: Internet
TPO - Ngày 29/8, ông Bùi Tiến Lý- Phó chủ tịch UBND huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum cho biết huyện đã có văn bản khuyến cáo về sự nguy hiểm của bọ cánh cứng (còn gọi là sâu đậu, sâu ban miêu) có độc để dân phòng tránh, vì hiện tại đã có một số học sinh bị phỏng loét sau khi đi bắt sâu này.

 Tuy nhiên theo chỉ dẫn trên website Tra Cứu Dược Liệu, đây là sâu ban miêu, và còn có các tên tiếng Việt khác là Nguyên thanh, Ban manh, Ban mao (Trung Quốc), Sâu đậu (Việt Nam), Cantharide vésicante (Pháp). Tên khoa học: Lytta vesicatoria Fabr. Họ là Ban miêu Meloidae. Công dụng: Làm thuốc rộp da để gây mụn dẫn độc hoặc làm thuốc tụ bệnh.

 Hiện trên địa bàn huyện Đăk Tô có hai học sinh bị phỏng vùng mặt do tham gia bắt bọ cánh cứng có độc. Bác sĩ Nguyễn Xuân Phúc- phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô cho biết: chiều ngày 27/8 cháu Bích H (8 tuổi, trú tại xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô) đã được xuất viện sau một thời gian điều trị tại Trung tâm. Trước đó H cùng một nhóm bạn đi bắt sâu ban miêu về bán, dùng tay bắt nên bị ngứa, gãi nhiều và lở loét. Trường hợp Y Thanh L (8 tuổi, ngụ tại làng Đăk Ri Peng 2, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) vẫn đang được điều trị tại cơ sở y tế.

Kon Tum: Nhiều học sinh bỏng nặng vì đi bắt sâu ban miêu ảnh 1  Vết lở loét do sâu ban miêu gây ra khiến các em phải nhập viện

Trước đó, ngày 20/8, em A N (10 tuổi, trú làng Đăk Môn, xã Đăk K’roong, huyện Đăk Glei) cùng 2 bạn khác đi vào rẫy lúa trong làng đi bắt sâu ban miêu, sau đó gia đình cũng phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa Khoa khu vực Ngọc Hồi trong tình trạng quanh cổ, miệng bị phỏng nước.

Trong những ngày qua, sau khi nghe thông tin thương lái tìm mua bọ cánh cứng có độc hay còn gọi là sâu ban miêu để bán sang Trung Quốc với giá cao từ 1,5-2 triệu đồng/kg, nhiều người dân, nhất là trẻ em tại một số xã trên địa bàn huyện Đăk Tô như Văn Lem, Pô Kô, Ngọc Tụ, Đăk Trăm, Tân Cảnh và nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đổ xô đi tìm bắt sâu ban miêu có độc để bán.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp đã có ý kiến chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra xác minh việc người dân trên địa bàn săn lùng côn trùng lạ bán cho thương lái Trung Quốc. Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở NN&PTNT khẩn trương kiểm tra, xác minh, nắm tình hình việc thương lái người nước ngoài thu mua một số loài côn trùng lạ trên địa bàn các huyện, thành phố và có biện pháp xử lý.

MỚI - NÓNG