Thoái vốn Sabeco sẽ nhiều kịch tính

Dây chuyền sản xuất bia của Sabeco. Ảnh: Bảo Sơn.
Dây chuyền sản xuất bia của Sabeco. Ảnh: Bảo Sơn.
TP - Với số lượng cổ phần chào bán tương ứng 53,5% vốn điều lệ Sabeco (343.662.587 cổ phần) và giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phiếu, nếu bán hết trong ngày chào bán cạnh tranh đầu tiên, dự kiến Bộ Công Thương sẽ thu về hơn 109 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia và người trong cuộc cho rằng, đây là sức ép rất lớn với nhà đầu tư trong cuộc thoái vốn lịch sử này và dự báo sẽ nhiều kịch tính.

Tại lễ công bố thông tin đợt chào bán cổ phần Nhà nước tại Tổng Công ty Cổ phần Bia, Rượu, Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco) ngày 29/11, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, số lượng cổ phần chào bán đợt này lên tới 343.662.587 cổ phần của Nhà nước tại Sabeco, tương ứng 53,5% vốn điều lệ của Sabeco.

Theo ông Hoài, giá khởi điểm chào bán là 320.000 đồng/cổ phiếu. Giá khởi điểm này được xác định trên nguyên tắc lấy giá cao nhất trong các mức giá được liên doanh tư vấn đề xuất. Theo đó, phương án 1 xác định giá chào bán của Sabeco được căn cứ theo mức giá tham chiếu bình quân của 30 phiên trên thị trường chứng khoán trước thời điểm công bố thông tin về việc bán vốn nhà nước. Theo phương án này, giá bình quân của mỗi cổ phần Sabeco là 281.500 đồng. Phương án 2 được tính theo định giá của tư vấn là 184.700 đồng/cổ phần. Phương án xác định giá thứ 3 là mức giá đóng cửa của ngày giao dịch trước ngày công bố thông tin. Theo phương án này, mức giá cuối cùng của phiên giao dịch là 320.000 đồng/cổ phiếu.

“Với các phương án đưa ra, Bộ Công Thương đã quyết định chọn mức giá 320.000 đồng/cổ phần”, ông Hoài nói và cho hay đây là thương vụ bán vốn có giá trị lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. “Ngày chào bán cạnh tranh sẽ là ngày 18/12/2017. Chủ trương bán 53,59% còn tỷ lệ bán được bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào lượng chào mua của nhà đầu tư”, ông Hoài cho biết thêm.

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, số lượng cổ phần mua tối thiểu của nhà đầu tư là 20.000 và chỉ có nhà đầu tư trong nước được mua tối đa 53,5% cổ phần của Sabeco. Các nhà đầu tư nước ngoài được mua tối đa 49% cổ phần Sabeco. Những tổ chức, nhà đầu tư muốn chào mua vượt các tỷ lệ sở hữu theo Luật Chứng khoán với số lượng mua trên 25% vốn cổ phần của Sabeco sẽ phải đăng ký trước 1 tuần với ban tổ chức. Cùng đó, giá đặt mua của nhà đầu tư không được thấp hơn giá khởi điểm và mức giá sàn của cổ phiếu SAB tại ngày chào bán.

Thách thức bán vốn vì giá cao

Với việc chính thức “giải mật” phương án thoái vốn và công khai giá chào bán của cơ quan chức năng, các chuyên gia cho rằng, việc bán vốn Sabeco giờ sẽ bước sang giai đoạn mới với những kịch tính mới. Với các nhà đầu tư, vấn đề cân nhắc hiệu quả, tỷ lệ, số tiền rót vào Sabeco sẽ là một thách thức. Vấn đề nữa chính là quyền kiểm soát cũng như khả năng sinh lời, thu hồi vốn về lâu dài từ việc sở hữu cổ phiếu vàng ngành bia rượu, nước giải khát.

Chia sẻ với PV Tiền Phong sau buổi giới thiệu về đợt chào bán cổ phần, đại diện Bộ Công Thương và Sabeco đều cho hay, rất khó có thể nói trước về số lượng cổ phần cũng như tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư do mức giá hiện đã bị đẩy lên quá cao. Nếu tính tỷ suất lợi nhuận/tổng vốn đầu tư vào Sabeco, các nhà đầu tư cũng sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng.

“Nhà tư vấn cũng xác nhận giá của Sabeco hiện rất cao. Việc các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mua tối đa 38,59% vốn điều lệ của Sabeco, tương ứng 247.470.409 cổ phần cũng là yếu tố cần tính đến. Tuy nhiên, sản phẩm của hãng này, nếu tính để đầu tư lâu dài, đồng hành với doanh nghiệp, vẫn có sức hấp dẫn nhất định. Còn để lướt sóng, số tiền đầu tư vào SAB là không hiệu quả nếu nhìn vào mức tổng lợi nhuận dự kiến khoảng 4.700 tỷ đồng năm 2017”, một chuyên gia trong ngành công thương phân tích.

Chia sẻ với báo chí trước đó, xung quanh việc bán vốn Sabeco, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho hay, tỷ lệ vốn hóa của Sabeco là 205 nghìn tỷ đồng, tức là khoảng 9 tỷ USD nên cần có các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tham gia. “Tuy nhiên, cũng cần nói là có những hạn chế như quy định hiện nay, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì không được quá 49%. Còn trong nước thì tỷ lệ tham gia cũng không được vượt quá tỷ lệ được cho là thống lĩnh thị trường theo Luật Cạnh tranh”, ông Cao Quốc Hưng nói.

Được biết, hiện nay ngoài các đại gia ngoại trong ngành bia rượu đã ngỏ ý muốn tham gia sở hữu Sabeco, 2 ông lớn của Nhật Bản là Tập đoàn Kirin Holdings, một trong những hãng bia lâu đời nhất Nhật Bản và Asahi Group cũng đã đánh tiếng đang xem xét mua cổ phần Sabeco. Đây cũng là hai nhà đầu tư cùng có mặt tại roadshow của Sabeco tại Singapore. Một số quỹ đầu tư và các ngân hàng từ châu Á và châu Âu cũng cho hay sẽ có thời gian để nghiên cứu việc đổ vốn vào Sabeco.

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại rằng, nếu không mở room cho nhà đầu tư nước ngoài thì khả năng các nhà đầu tư trong nước sẽ không đủ tiềm lực để mua vốn Sabeco. Trả lời các băn khoăn này, đại diện Bộ Công Thương cho hay, hiện theo quy định của pháp luật, việc nới room chưa được phép. Nhà đầu tư chỉ được mua tối đa 49% vốn của Sabeco.

Đại diện Bộ Công Thương cũng thừa nhận, thực tế thời gian qua có nhiều ý kiến này kia về việc cổ phiếu Sabeco bị làm giá khi liên tục tăng bất thường với lượng bán ra rất nhỏ giọt. Điều này xuất phát từ việc lần thoái vốn này có giá trị rất lớn và ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường chứng khoán Việt Nam, vì vậy, để chuẩn bị cho việc này, Bộ Công Thương đã lập tổ giám sát đặc biệt. Hiện đã có sự giám sát của các lực lượng công an đối với các hoạt động giao dịch cổ phiếu SAB. Việc tìm ra các dấu hiệu cho thấy có sự làm giá cổ phiếu SAB không phải là việc dễ do hiện nay khối lượng giao dịch rất ít, chỉ vài nghìn cổ phiếu. Nếu với lượng giao dịch từ 5% vốn trở lên, việc tìm ra các hoạt động thao túng, làm giá cổ phiếu sẽ dễ dàng hơn.

“Trong tuần sau, Cục An ninh kinh tế, Bộ Công Thương, Cục phòng chống tham nhũng, Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát sẽ làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để theo dõi các diễn biến bất thường về cổ phiếu Sabeco”, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp cho hay. Cổ phiếu Sabeco là một trong những cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư ngoại và các hãng bia lớn trên thế giới săn lùng, đặt vấn đề sở hữu trong suốt thời gian qua. 

Chiều 29/11, cổ phiếu SAB (Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco) đã tăng 19.000đồng/cổ phiếu đạt mức 339.000 đồng/cổ phiếu sau khi Bộ Công Thương công bố thông tin chi tiết về đợt thoái vốn Sabeco. Nếu quan sát diễn biến cổ phiếu Sabeco kể từ ngày lên sàn đến nay, đà tăng của cổ phiếu Sabeco luôn trong tình trạng kém thanh khoản dù đây là cổ phiếu có quy mô vốn hoá lớn thứ 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ xếp sau Vinamilk.

MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.