“Chìa khoá”: Hợp sức công tư
Quảng Ninh được xác định là 1 cực tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng Sông Hồng, “cửa ngõ” thuận lợi nhất để vào các thị trường đông dân cư trong khu vực. Đây cũng là địa phương hội tụ đủ 5 phương thức vận tải: Đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thủy nội địa.
Tiềm năng là vậy, nhưng ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vẫn còn nhớ cách đây hơn chục năm, nhiều nhà đầu tư đã đến rồi đi bởi những bất lợi giao thông như địa hình trải dài, vận chuyển bất cập, tăng chi phí, thời gian, giảm hiệu quả đầu tư. Còn bây giờ, nói đến Quảng Ninh, người ta đã có thể nhắc tới những cái “đầu tiên”: Cảng hàng không Quảng Ninh - sân bay đầu tiên trong cả nước do tư nhân đầu tư; cầu Bạch Đằng - công trình phức tạp và kỹ thuật khó đầu tiên hoàn toàn do các kỹ sư Việt Nam thực hiện; tuyến cao tốc kết nối Quảng Ninh với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai sẽ trở thành cao tốc dài nhất Việt Nam, đồng thời là hành lang đường bộ đầu tiên kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc...
Những ngày đầu mò mẫm “làm chiến lược” phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ninh đã sớm xác định Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là 2 điểm đột phá. Với mục tiêu này, việc hoàn thiện hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, là ưu tiên chiến lược. Không chỉ nghĩ sớm, Quảng Ninh còn rất chủ động đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương để huy động nguồn lực đầu tư với nhiều hình thức khác nhau như BOT, PPP....
“Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, giải pháp đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân là hết sức cần thiết, đồng thời là giải pháp tối ưu giúp giảm áp lực lên ngân sách, thúc đẩy các dự án hạ tầng được triển khai thuận lợi, chất lượng, đúng tiến độ” – nhìn lại chặng đường đã qua, ông Diện vẫn nhớ như in cách lựa chọn mạnh dạn lúc bấy giờ.
Có thể lấy ví dụ về tuyến đường bộ ven biển đi qua 6 tỉnh Bắc Bộ, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh như một minh chứng. Là đoạn đường dài nhất, nhưng lại đang được triển khai thuận lợi, không gặp nhiều vướng mắc nhờ huy động tốt nguồn lực đầu tư. Hay tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Vốn là tuyến đường không có trong quy hoạch, nhưng được Thủ tướng đồng ý, tỉnh đã dành một phần ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư, trong đó có cầu Bạch Đằng làm theo hình thức BOT với nguồn vốn khoảng 7.500 tỷ đồng, đường nối 20 km từ cầu Bạch Đằng đến Hạ Long khoảng 6.500 tỷ đồng. Hay như dự án đường cao tốc nối từ Hạ Long ra Vân Đồn và nâng cấp, mở rộng quốc lộ 18A từ 2 làn xe lên 4 làn xe đoạn từ Hạ Long đi Mông Dương có tổng nguồn vốn khoảng 1.400 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT…
Bên cạnh hướng chủ động với trung ương, Quảng Ninh cũng xác định kêu gọi những nhà đầu tư lớn, uy tín, tiềm lực mạnh để triển khai các dự án quy mô, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư còn lại. Cách “chọn điểm nhấn” này của Quảng Ninh đã cho thấy hiệu quả tức thì về tiến độ và những hiệu ứng khác. Tại một vài thảo luận với giới chức và chuyên gia, TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế TƯ – thường dẫn trường hợp xây dựng sân bay Vân Đồn - dự án BOT đầu tiên trong lĩnh vực hàng không của nhà đầu tư Sun Group cho thấy, tư nhân làm sân bay trong vòng 18 tháng, còn để Nhà nước làm thì sẽ mất 15-20 năm. TS Thiên so sánh thời gian làm sân bay Vân Đồn còn nhanh gấp mấy lần “một công việc còn cấp bách hơn là cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất và xây dựng sân bay Long Thành – riêng thời gian bàn bạc đã gấp mấy lần thời gian xây dựng sân bay Vân Đồn”.
Xa lộ khơi thông, đường không cất cánh
Chỉ tính từ 2010 đến nay, những dự án hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng đã được triển khai, từng bước thay đổi bộ mặt giao thông của tỉnh.
Có thể kể tới dự án nâng cấp QL 18 đoạn Hạ Long – Uông Bí, Hạ Long - Mông Dương, Mông Dương - Móng Cái; nâng cấp QL18C đoạn Tiên Yên - Hoành Mô, đường tỉnh 340, 329, đường vành đai phía Bắc TP Hạ Long, QL18C, cảng Cái Lân… Trong giai đoạn 2014 – 2015, cũng nhiều dự án mang tính chiến lược như Sân bay Vân Đồn, cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn,… đã được tập trung cao nhất mọi nguồn lực để triển khai.
Năm 2018, những “trái ngọt” hợp tác công tư đã thành hình. Cầu Bạch Đằng được thống nhất khai thông vào ngày 31/5, rút ngắn quãng đường từ Hà Nội về Hạ Long và các khu du lịch. Cảng hàng không Quảng Ninh dự kiến vận hành cuối quý 2/2018...
Như TS Nguyễn Hữu Thủy - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Quảng Ninh nhìn nhận, sức hút của các dòng vốn đầu tư được kích hoạt không nhỏ từ sự phát triển về hạ tầng giao thông của địa phương này. Dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài như Texhong đổ vào ngành dệt may tại Hải Hà, Rent A Port…góp cho logistics tại đầm Nhà Mạc, đến các nhà đầu tư trong nước như Vingroup, Sun Group, Tuần Châu…đã và đang đưa hàng chục nghìn tỷ vào nhiều lĩnh vực từ bất động sản, du lịch, cảng biển, y tế, nông nghiệp… mang tới cho Quảng Ninh một diện mạo mới, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách và tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội. Trong tổng vốn từ đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2017 ước đạt 60.600 tỷ đồng, vốn ngoài nhà nước là con số khá ấn tượng khi chiếm 42,3% tổng số.
Có thể nói, Quảng Ninh đã và đang là địa phương tiên phong cả nước trong việc huy động đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong công cuộc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.