Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà, đại diện PRO Việt Nam cùng 13 thành viên của PRO Việt Nam và các cơ quan Chính phủ, các Bộ, ngành; các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ có hoạt động liên quan.
Nhận thức được vai trò và sứ mệnh trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu, Việt Nam – một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc – đã cam kết hành động giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương. Tháng 12 năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết của Hội đồng Môi trường của Liên hợp quốc về xử lý rác thải nhựa và rác thải biển. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề nhựa trên biển tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada năm 2018.
Cùng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2018. Phong trào này được Thủ tướng Chính phủ nâng tầm qua “Lễ ra quân toàn quốc “phong trào chống rác thải nhựa” nhằm nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội trong việc nói không với túi nilon và đồ nhựa dùng một lần vào ngày 06/09/2019 vừa qua. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề rác thải rắn nói chung và rác thải nhựa nói riêng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tích cực hợp tác với các bên liên quan nhằm cùng tìm kiếm giải pháp bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên biển thông qua việc tăng cường hiệu quả quản lý chất thải rắn, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, xây dựng cơ chế Trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất, hỗ trợ các sáng kiến thân thiện môi trường hướng tới một Việt Nam phát triển bền vững.
Chia sẻ mục tiêu, tầm nhìn và trách nhiệm về thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường hợp tác với các thành viên của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) nhằm thúc đẩy hoạt động giảm thiểu, phân loại, thu gom và tái chế rác thải. Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Trần Hồng Hà và Ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch PRO Việt Nam cùng 12 thành viên PRO Việt Nam tập trung vào các nội dung sau:
Thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động giảm thiểu, phân loại chất thải tại nguồn.Hỗ trợ, tăng cường năng lực, hiệu quả của hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý và tái chế chất thải.Tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất, chủ sở hữu thương hiệu, nhà phân phối, bán lẻ hiện đại và truyền thống và nhà nhập khẩu trong việc quản lý rác thải sau tiêu dùng và tái chế. Thúc đẩy hình thành ngành công nghiệp tái chế và hỗ trợ các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường.Truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế chất thải và nền kinh tế tuần hoàn.Các nội dung khác mà hai Bên cùng quan tâm.
Sự hợp tác này thể hiện cam kết mạnh mẽ của cả hai bên cùng thúc đẩy các chương trình hành động cụ thể và thiết thực nhằm hướng đến tầm nhìn “Vì một Việt Nam Xanh, Sạch, Đẹp”của PRO Việt Nam và bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên cho một Việt Nam phát triển bền vững của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ: “Tôi đánh giá cao sự ý thức và chủ động của các thành viên Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) trong việc cùng Bộ chia sẻ trách nhiệm giải quyết vấn đề rác thải tại Việt Nam, đặc biệt là rác thải nhựa trong ngành bao bì. Rõ ràng Doanh nghiệp không chỉ là một phần của vấn đề mà hoàn toàn có thể trở thành một phần quan trọng của giải pháp. Tôi kỳ vọng sự tiên phong của các thành viên Liên minh tái chế bao bì Việt Nam sẽ tạo thành phong trào kết nối thêm nhiều doanh nghiệp cùng hành động có trách nhiệm với môi trường và đất nước và cùng nhau phát triển bền vững.
Tại buổi lễ, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch PRO Việt Nam chia sẻ: Thực hiện sứ mệnh “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và hỗ trợ việc tái chế bao bì trở nên dễ tiếp cận và bền vững hơn”, PRO Việt Nam có tham vọng đến năm 2030, các bao bì đồng gói do các thành viên đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ có khả năng thu gom để tái chế, mà trọng tâm là xây dựng và phát triển hệ thống thu gom bao bì trên cơ sở hợp tác với chính quyền địa phương và các bên liên quan trong ngành để thúc đẩy tái chế với các hoạt động như: Giáo dục, Thu gom, Tái chế và đặc biệt Hợp tác với các cơ quan Chính phủ trong vai trò Doanh nghiệp Công dân của mình.