“Tưởng không rơi mà rơi không tưởng”
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/4, chỉ số VN-Index giảm 43,9 điểm, chỉ còn 1.094,63 điểm; HNX-Index giảm nhẹ hơn chỉ 1,72 điểm, còn 131,05 điểm. Diễn biến này, vượt khá xa nhiều dự đoán trước đó là thị trường có thể trụ lại ở mức 1.130 điểm, và thực tế mức giảm “khủng” 31 điểm cách đây vài phiên đã vào dĩ vãng. Chỉ số VN30 còn thảm hơn, khi mất tới 49,61 điểm.
Quan sát thị trường cho thấy, thị trường không xuất hiện thông tin xấu, thậm chí thị trường quốc tế đã khả quan trở lại, nhưng bán tháo lại xuất hiện trên diện rộng. Nguyên nhân chính yếu dẫn tới hành động này của nhà đầu tư chủ yếu xuất phát từ hoạt động cắt lỗ đồng loạt ở hầu như tất cả các blue-chips.
Thống kê trên sàn HOSE, có tới 215 mã giảm giá, trong khi chỉ có 71 mã tăng và 70 mã đứng giá.
Đáng chú ý nhất là VIC và MSN kết thúc phiên nằm sàn. Cổ phiếu VIC đứng giá ở mức sàn, mất 9 điểm, tương đương hơn 6,9% thực sự đáng lo ngại về khả năng bật hồi trở lại của chỉ số trong vài phiên tới. MSN cùng nằm sàn khi mất tới 7 điểm khiến chỉ số rơi sâu hơn. Một bluechips khác cũng rơi rất sâu là SAB cũng mất tới 15,8 điểm trong phiên hôm nay. Ngoài ra, nhiều mã vốn hóa lớn cùng giảm mạnh: PLX giảm 6,96%, ROS giảm 6,61%, VJC giảm 6,1%, HPG giảm 3,39%, BVH giảm 6,86%.
Cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt giảm mạnh trong phiên: VCB giảm 5,86%, STB giảm 3,23%, MBB giảm 5,2%, CTG giảm 5,81%, BID giảm 5,47%, HDB giảm 5,02%, VPB giảm 4,7%, SHB giảm 1,56%, ACB giảm 2,45%.
Chờ lấy lại thăng bằng
Thực ra, thị trường sụt giảm sau khi chạm ngưỡng 1.200 điểm không quá bất ngờ với nhà đầu tư, khi trước đó nhiều chuyên gia đã có cảnh báo điều này. Thị trường giảm chỉ theo quy luật đơn thuần là “có tăng thì có giảm”. Ngay cả mức giảm về mức 1.110 điểm cũng đã có một số nhận định dự báo.
Tuy nhiên, với những dư chấn phía ngoài trước đó, cộng với tâm lý chốt lời bảo toàn thành quả hoặc cắt lỗ nếu mới “bắt dao rơi” đã khiến mức giảm nặng nề hơn. Nếu tính từ đỉnh của chỉ số VN-Index, việc giảm liên tục và sâu trong những phiên vừa qua cũng chưa bằng mức tăng của quý I. Chính vì thế, tăng mạnh thì có thể giảm mạnh có lẽ cũng không quá “sốc”, tuy nhiên, điều làm một số nhà đầu tư chưa lý giải được là “tại sao thị trường lại rơi mạnh trong khi mọi thứ vẫn ở mức khá tốt?”.
Trên thị trường, các yếu tố vẫn rất thuận lợi, ngoại trừ thông tin về kết quả kinh doanh quý I không tạo được lực đẩy cho thị trường. Thực tế, sức khỏe của doanh nghiệp phản ánh qua kết quả kinh doanh vẫn tốt, nhưng thực sự chưa đạt kỳ vọng nếu so sánh mới mức giá của nhiều mã hiện tại trên thị trường.
Một điểm cộng cho thị trường hôm nay là thanh khoản đã tăng trở lại với mức khá cao. Tổng thanh khoản trên HOSE và HNX đạt khoảng 8.200 tỷ đồng, điều này cho thấy tín hiệu bắt đáy đã xuất hiện. Điểm số thời điểm này có thể rất khó đoán, nhưng thanh khoản nếu vẫn tốt thì thị trường không quá lo ngại. Cơ hội luôn xuất hiện và dành “lộc lớn” đối với những nhà đầu tư chọn đúng thời điểm bắt đáy. Với góc nhìn trung, thị trường đang trong xu thế tăng, cộng với yếu tố vĩ mô tích cực, thì việc giảm chỉ là ngắn hạn. Vì vậy, thị trường sẽ cần thêm thời gian để lấy lại điểm cân bằng.