Hà Nội:

Bộ Công Thương phải tạo môi trường tốt hơn nữa cho doanh nghiệp phát triển

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành công thương sớm giải quyết bài toán nhập siêu từ Trung Quốc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành công thương sớm giải quyết bài toán nhập siêu từ Trung Quốc
TPO - Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ Công Thương sáng 7/1. Ngành công thương cơ cấu lại ngành công nghiệp, chú trọng phát triển cụm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển xuất khẩu.  

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu được 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD.

Qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD. Về cơ bản, các mục tiêu đề ra trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 đều đạt được. Tăng trưởng xuất khẩu vượt mức kế hoạch đề ra.

“Năm 2020 khi Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành công thương, dù mọi người rất phấn khởi nhưng lãnh đạo bộ không khỏi lo lắng trong bối cảnh nhiều thách thức thương mại đang đặt ra với ngành”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Công Thương, theo thống kê đến thời điểm trước năm 2016, toàn ngành có khoảng 1.216 điều kiện kinh doanh. Với quan điểm đổi mới, quyết liệt hành động, sau 2 lần thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng là 880 điều kiện trên tổng số 1.216 điều kiện (chiếm trên 70%).

Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng được thực hiện quyết liêt với việc cắt giảm, đơn giản hóa 53 thủ tục hành chính (bãi bỏ 5 thủ tục, đơn giản hóa 48 thủ tục) thuộc phạm vi chức năng quản lý.

Về nhiệm vụ năm 2021, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay sẽ tập trung triển khai 6 nhiệm vụ chính. Theo đó, Bộ sẽ tập trung bám sát mục tiêu đề ra, bám sát diễn biến thị trường để có phản ứng, xử lý kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương, lắng nghe doanh nghiệp, tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra.

“Bộ Công Thương sẽ lấy phát triển của doanh nghiệp làm mục tiêu và là trọng tâm cho hoạt động của ngành. Các cơ chế, chính sách, chương trình hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong ngành phải lấy hiệu quả và sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo của quá trình đổi mới và tái cơ cấu”, ông Trần Tuấn Anh cho hay.

Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư. “Bộ Công Thương là bộ tiên phong trong việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. Năm 2020, việc giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành cũng được cắt giảm mạnh. Việc thúc đẩy thương mại điện tử cũng là việc tiên phong được Bộ Công Thương thực hiện. Các dịch vụ công của bộ đều đã được đưa lên mạng”, ông Dũng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hoài Chung cũng cho rằng, trong năm 2021, ngành công thương phải làm sao thúc đẩy được chế biến chế tạo, đi vào thúc đẩy xuất khẩu. Phải tranh thủ các FTA, tranh thủ các mặt thuận và xử lý các vấn đề về pháp lý. Cùng đó đẩy mạnh phát triển được các vùng kinh tế biên giới. Nếu phát triển được, đây sẽ là động lực mới cho phát triển kinh tế với những nguồn lực mới. Nâng cao tự chủ của nền kinh tế, chuẩn bị cho các tình huống phức tạp, cả về đầu vào và đầu ra cho sản xuất. Đặc biệt, phải phát huy tốt hơn nữa hệ thống tham tán thương mại để hỗ trợ cho xuất khẩu.

Sớm giải bài toán nhập siêu với Trung Quốc

Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2020 được coi là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua. Động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế được duy trì tốt. Lương thực, điện lực, ngoại hối được đảm bảo. Như với điện lực, việc phát triển nguồn rất tốt. 5 năm tới sẽ không thiếu điện.

Công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính đã được Bộ Công Thương làm tốt. Việc điều hành giá xăng dầu thực hiện tốt, tư vấn cho Chính phủ trong việc giảm giá điện cho người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn dịch COVID-19 đã hỗ trợ các DN có động lực phát triển. Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh thực hiện tốt. Các tập đoàn dệt may, xăng dầu, dầu khí đã vượt qua được khó khăn để giữ được việc làm cho người lao động. Xuất khẩu vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng với kim ngạch hơn 281 tỷ USD. Đặc biệt đã giảm được lượng xuất khẩu thô, tăng hàm lượng giá trị gia tăng. Đặc biệt xuất siêu đã đạt kỷ lục gần 20 tỷ USD.

Bên cạnh việc đạt được, Thủ tướng cũng cho rằng, hiện nhập siêu của khối DN trong nước vẫn lớn. Nhiều ngành nghề vẫn chưa có giá trị gia tăng cao. Nhiều sản phẩm trong nước chưa có thương hiệu, quy mô quốc tế. Hàng gian, hàng giả vẫn phức tạp. Chưa có chiến lược quốc gia đưa hàng từ nông thôn lên thành thị. Hàng Việt vào siêu thị vẫn còn lép vế. Công tác quản lý thị trường vẫn còn nhiều bất cập. Giá nhiều mặt hàng chiến lược vẫn còn bị kiểm soát, chưa tạo sự phát triển.

“Ngành công thương phải coi DN là trọng tâm của đổi mới sáng tạo, tạo ra môi trường tốt hơn nữa cho DN phát triển. Cùng đó, cơ cấu lại ngành công nghiệp, chú trọng phát triển cụm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển xuất khẩu. Phát huy vai trò của các ngành hàng”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng lưu ý ngành công thương phải sớm cân bằng xuất khẩu với Trung Quốc, giải quyết việc nhập siêu nhiều năm qua. Cùng đó, có các giải pháp để tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại. Việc chọn người lãnh đạo chất lượng cũng là một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với ngành công thương.

MỚI - NÓNG