Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018 của công ty CP Quốc Cường Gia Lai (mã: QCG), doanh thu và lợi nhuận cả trong quý 3 và 9 tháng đầu năm đều lao dốc mạnh, trong đó lãi ròng quý 3 chỉ bằng 1% cùng kỳ với 1,4 tỷ đồng.
Trong quý 3/2018, doanh thu thuần của QCG giảm gần 30%, lùi về 82,5 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu ở mảng chính bất động sản giảm mạnh, từ 78,8 tỷ đồng ở cùng kỳ rớt xuống còn 2,7 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của QCG trong cả quý chỉ còn 11,7 tỷ đồng, giảm khoảng 3% so cùng kỳ.
Doanh thu và lợi nhuận đều lao dốc, lãi ròng quý 3 của QCG chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần và lãi ròng của QCG lần lượt giảm 24% và 90% so với cùng kỳ năm 2017, thu về 519 tỷ đồng và 40 tỷ đồng. So với kế hoạch 1,800 tỷ đồng doanh thu và 320 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, QCG chỉ mới thực hiện được 29% kế hoạch doanh thu và 18% kế hoạch lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm. Với kết quả này, nhiều khả năng QCG sẽ tiếp tục “vỡ kế hoạch” trong năm 2018. Từ năm 2011 đến nay, QCG vẫn chưa một lần hoàn thành kế hoạch mà cả ban điều hành và cổ đông kỳ vọng.
Tính đến ngày 30/9, tổng giá trị đầu tư vào công ty liên kết của QCG ước khoảng 449,5 tỷ đồng, tăng 85% so với đầu kỳ nhưng phần lỗ lũy kế trong công ty liên kết cũng tăng từ lỗ 1,2 tỷ đồng lên lỗ 1,7 tỷ đồng.
Lý giải cho tình trạng cả tổng doanh thu và giá vốn đều sụt giảm mạnh, trong công văn giải trình gửi Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo QCG cho biết nguyên nhân đến từ việc trong kỳ công ty chưa bàn giao căn hộ cho khách hàng.
Không chỉ có kết quả kinh doanh đi xuống, cổ phiếu QCG trên thị trường cũng “bốc hơi” hơn 52% tính từ đầu năm đến nay. Sau lần tạo đỉnh 17.500 đồng/cp trong phiên giao dịch hồi đầu tháng 1, cổ phiếu QCG liên tục rớt giá và trong phiên ngày 6/11 rơi về mức 7.310 đồng/cổ phiếu.
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 với doanh thu thuần 1.520 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu trái cây đạt 924 tỷ đồng.
Lãi gộp HAG trong quý 3 tăng gấp đôi lên 862,2 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp gần 57%, cao hơn đáng kể so với mức 35% cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng trái cây đóng góp khá hiệu quả khi biên lãi gộp ở mức 60,5%, trong khi cùng kỳ năm ngoái, biên lãi gộp mảng này chỉ là gần 44%.
Chi phí tài chính trong kỳ tăng 34% lên 442,7 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí lãi vay ngân hàng và trái phiếu. Tính tới cuối quý 3/2018, HAG có hơn 21.000 tỷ đồng nợ vay. Nợ vay dài hạn cũng chuyển xuống ngắn hạn. Cụ thể, nợ vay dài hạn cuối quý 3 của HAG là 15.269 tỷ đồng, giảm khoảng 5.000 tỷ so với đầu năm, nhưng nợ vay ngắn hạn tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với đầu năm lên 5.790 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, HAG ghi nhận 519,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 50%. Dù vậy, so với kế hoạch lãi trước thuế 200 tỷ đồng thì công ty đã hoàn thành vượt xa chỉ tiêu đề ra.
Trong quý 3, công ty CP Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) đạt doanh thu thuần 23.456 tỉ đồng, tăng trưởng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, biên lợi nhuận gộp 28%.
Doanh thu tài chính tăng gần 3 lần lên 2.428 tỉ đồng do ghi nhận khoản tiền hơn 2.000 tỉ đồng từ thanh lý các khoản đầu tư tài chính và công ty con; chi phí tài chính vẫn giữ ở mức trên 1.300 tỉ đồng. Chi phí bán hàng tăng 21% lên 2.534 tỉ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 3% lên gần 2.500 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động khác trong quý cũng đạt hơn 100 tỷ đồng. Công ty lãi sau thuế 1.527 tỉ đồng, tăng trưởng 57% so với quý 3/2017.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu đạt 84.148 tỷ đồng, lãi sau thuế 3.295 tỷ đồng; tăng trưởng lần lượt 47% và 11%. Với kết quả này, VIC thực hiện được 70% kế hoạch doanh thu và 39% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.
Tổng tài sản tính đến thời điểm kết thúc quý 3 tăng hơn 25% so với đầu năm, đạt 268.230 tỉ đồng.
Tính đến 30/9, các dự án dở dang lớn gồm có khu đô thị Cần Giờ 12.369 tỷ đồng, Vingroup rót vốn vào dự án VinFast hơn 13.600 tỷ đồng… Hiện VIC có giá 95.800 đồng/cổ phiếu.
Công ty CP Hàng không Vietjet (mã: VJC) công bố kết quả kinh doanh quý 3 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao dù tháng 9 không phải là mùa cao điểm của ngành hàng không và du lịch. Cụ thể, doanh thu đạt xấp xỉ 12.713 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 1.709 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ.
Lý giải về lợi nhuận, đại diện Vietjet cho hay nhờ việc tăng cường thêm đội máy bay mới, hiện đại, mở thêm nhiều đường bay quốc tế, chủ động điều chỉnh tải cung ứng mùa thấp điểm với tỉ lệ lấp đầy các chuyến bay đạt xấp xỉ 89%. Các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cũng tăng trưởng mạnh với doanh thu 2.177 tỉ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ 2017.
Theo công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3, công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã: VNM), doanh thu hợp nhất quý 3 đạt 13.735 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,3% so với cùng kỳ.
Lãi gộp tăng 223 tỷ lên 6.494 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp đạt 47,3%. Tuy vậy, chi phí bán hàng tăng hơn 14%, từ 2.981 tỷ lên 3.411 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận trước thuế giảm 5,9% xuống 3.034 tỷ đồng. Lợi nhuận phân bổ cho chủ sở hữu công ty đạt 2.560 tỷ đồng, giảm 5%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vinamilk đạt 39.558 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 867 tỷ (2%) so với cùng kỳ năm 2017.
Giá cổ phiếu VNM trong ngày 6/11 tăng 1.300 đồng, hiện ở mức 117.800 đồng (tăng 1,12%).