Kinh tế VN 2013: Loay hoay nợ xấu và tín dụng

Kinh tế VN 2013: Loay hoay nợ xấu và tín dụng
TPO - Trong khi xử lý nợ xấu đạt kết quả giảm xuống còn 6% từ 8% hồi giữa năm ngoái, thì tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm vẫn âm. Xem ra doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn.

> Giá vàng và trò chơi chữ

> Lạm phát chưa đáng lo ngại

Giao dịch tại ngân hàng. Ảnh minh họa
Giao dịch tại ngân hàng. Ảnh minh họa.

12% hay chất lượng

Năm 2013, tình hình kinh tế vẫn tiếp tục được đánh giá là còn nhiều khó khăn. Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay của toàn hệ thống tính đến ngày 19/2 là âm 0,16% so với cuối năm 2012. Trước con số âm này, nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng về mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay là 12%. Đây sẽ là thách thức lớn đối với ngân hàng.

Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2013: Cơ hội và thách thức” sáng ngày 1-3, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, con số 12% không phải là vấn đề quan trọng trong khi cái mà người ta quan tâm hơn là chất lượng tăng trưởng tín dụng.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, tăng trưởng thấp đôi khi cũng tốt, tránh trường hợp kinh tế không tăng trưởng mà tín dụng tăng bất thường.

Vấn đề hiện nay là những doanh nghiệp cần vay vốn kinh doanh có tiếp cận được nguồn vốn hay không. Đừng để tình trạng như năm 2012, tổng dư nợ tín dụng mà nền kinh tế đã trả cho hệ thống ngân hàng là tương đương 20 tỷ USD, chiếm hơn 1/5 GDP cả cước.

Ngoài ra, với mức lãi suất cho vay bình quân 12-13% trong năm 2012, lạm phát 6% thì lãi suất thực mà doanh nghiệp phải trả là 6-7%, không một nhà kinh doanh nào có thể chịu nỗi trừ những người ở tình thế ngặt nghèo phải đi vay.

Vị chuyên gia này nhận định, con số 12% là NHNN đưa ra dựa trên sự phân tích những nền tảng cơ bản kinh tế vĩ mô, tuy nhiên chỉ tiêu là vậy nhưng nó sẽ kết thúc bằng kịch bản nào đây, hoặc là không đạt 12% nhưng có chất lượng tốt, hay đạt mục tiêu 12% thậm chí 13%, 15% nhưng không đảm bảo chất lượng. Phải làm sao để những doanh nghiệp làm ăn bài bản thực sự hấp thụ được nguồn vốn.

Lại nói chuyện nợ xấu

Rõ ràng, năm 2013 mặc dù tình hình có cải thiện hơn nhưng về cơ bản nền kinh tế vẫn đối diện với nhiều thách thức. Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, bốn thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt đó là, nguy cơ lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường, nợ xấu, khả năng kéo giảm lãi suất cho vay không nhiều và những nỗ lực làm ấm thị trường bất động sản chưa mang lại kết quả.

Kinh tế VN 2013: Loay hoay nợ xấu và tín dụng ảnh 2

Bên cạnh đó, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định rằng Việt Nam vẫn còn những rủi ro đối với nền kinh tế như lạm phát cơ bản vẫn cao; Mức dự trữ ngoại tế thấp so với quốc tế; Việc nới lỏng các chính sách tài khóa hoặc tiền tệ có thể làm lạm pháp tăng trở lại; Chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng xấu đi, nợ công tăng nếu tính cả nợ dự phòng của các ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước.

Theo World Bank, Việt Nam cần làm rõ quy mô nợ xấu, cơ chế cụ thể để giải quyết nợ xấu, hướng dẫn mới về phân loại nợ chặt chẽ và các yêu cầu về trích lập dự phòng.

Mới đây, số liệu thanh tra NHNN cho biết tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện ở mức 6% tổng dư nợ, giảm so với mức 8% hồi giữa năm 2012. Có thể nói đây là kết quả đáng kể của NHNN trong việc xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho rằng, con số 6% hay 8% vẫn chưa nói lên điều gì, việc cơ cấu nợ xấu mới là quan trọng. Nợ xấu đáng sợ nhưng còn chưa bằng nợ tiềm ẩn xấu vì các ngân hàng kỳ vọng quá nhiều vào tài sản thế chấp.

Rõ ràng, nợ xấu và tăng trưởng tín dụng vẫn luôn là vấn đề nóng được quan tâm hiện nay . Trong khi nợ xấu được cho là giảm xuống nhưng tín dụng vẫn chưa có khả quan. Ngày nào nợ xấu còn gây áp lực và trì hoãn tăng trưởng kinh tế thì tín dụng cho doanh nghiệp cũng chưa thể dễ dàng.

Ông Dương phân tích, tình hình nợ xấu hiện nay không thể đánh giá hời hợt mà phải được giải quyết căn cơ. Để tránh rủi ro, các ngân hàng thường nâng chuẩn vay lên rất cao, thậm chí chọn những lĩnh vực nào “ngon” mới cho vay, bên cạnh đó nguồn lực và tính thanh khoản của ngân hàng cũng là điều đáng nói. Từ đó, nợ xấu, hàng tồn kho, tổng cầu giảm, niềm tin bị sụt giảm, lạm phát đe dọa, chế độ thông tin chưa minh bạch, và cuối cùng là tính quyết liệt của chính phủ là những cản trở chính ảnh hưởng đến sự tăng trưởng tín dụng. Do đó, doanh nghiệp cũng khó tiếp cận được nguồn vốn.

Theo Viết
MỚI - NÓNG