Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu

Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2019 vừa diễn ra với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, các chuyên gia và nhà quản lý khẳng định, một trong những nội dung của phát triển bền vững được thảo luận tại hội nghị là phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong thập kỷ 2020-2030.

Theo đó, kinh tế tuần hoàn nhằm tái sử dụng nguyên liệu, tận dụng lại các nguyên liệu đã qua sử dụng, phục vụ sản xuất sản phẩm mới, hướng tới giảm lượng rác thải ra môi trường. Một trong những mô hình của kinh tế tuần hoàn thể hiện ở ngành sản xuất giấy. Theo đó, thay bằng việc sản xuất bằng nguyên liệu gỗ, các nhà máy giấy có thể dùng nguồn nguyên liệu giấy tái chế nhằm bảo vệ rùng, tiết kiệm năng lượng, giảm nước thải.

Ông Patrick Chung, Tổng giám đốc công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam cho biết, để phát triển ngành giấy tái chế, doanh nghiệp phải cân đong giữa vấn đề lợi nhuận và hướng đến sự phát triển lâu bền. Với cùng 1 tấn bột giấy, nếu tái sử dụng giấy phế liệu sẽ giúp tiết kiệm 24 cây rừng tự nhiên (tương đương 2,2-4,4 tấn gỗ).

“Nếu tận dụng nguồn nguyên liệu tái chế phục vụ sản xuất, doanh nghiệp phải tập trung đầu tư hệ thống xử lý nước thải đủ tiêu chuẩn. Mỗi năm, chúng tôi chi khoảng 10 triệu USD cho công tác xử lý nước thải sản xuất, chất thải rắn, khí sinh học và sinh khối”, ông Patrick Chung cho biết.

Theo ông Patrick Chung, đã đến lúc, Việt Nam cần nhìn nhận rác thải như một nguồn “tài nguyên thứ cấp” cần tái chế và tái sử dụng chứ không phải thứ vứt đi, gây lãng phí và tăng áp lực lên môi trường như hiện nay. Trong ngành giấy, giấy phế liệu là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất vì mục tiêu tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Trên thế giới, cùng với ngành tái chế phế liệu, tái chế giấy là hoạt động sản xuất được khuyến khích phát triển. Tại Mỹ và Canada, giấy tái chế đã tăng 81% kể từ năm 1990, đạt mức 70% ở Mỹ và 80% ở Canada. Con số này ở các nước châu Âu đã đạt mức trung bình 75%. Đặc biệt, một số nước như Bỉ và Áo đã được gần 90%.

Trung bình, giấy có thể được tái chế đến 6 lần trước khi bị vứt bỏ. Như vậy, nếu tái tận dụng tối đa sẽ giúp giảm thiểu lượng giấy phát sinh ra môi trường, giảm diện tích và số lượng bãi rác chôn lấp. Mặt khác, nếu giấy không được tái chế mà bị vùi lấp, khi phân huỷ sẽ tạo thành methan gây hiệu ứng nhà kính.

Chất thải rắn (tạp chất như kim loại, nhựa) được xử lý trong quá trình tái chế giấy sẽ được tái cung ứng cho các ngành sản xuất khác. Điều này một lần nữa góp phần giúp các ngành sản xuất khác tận dụng nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng làm nguyên liệu đầu vào, giảm phát thải ra môi trường cùng hướng đến việc phát triển sản xuất theo tiêu chí của nền kinh tế tuần hoàn.

“Chúng tôi đầu tư phát triển dây chuyền sản xuất hiện đại, với các máy móc thiết bị đa phần nhập khẩu từ Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, đặc biệt trong khâu xử lý chất thải để đạt mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Nhà máy có công nghệ xử lý nước thải, khí thải tiên tiến với hệ thống quan trắc hoạt động 24/24. Các số liệu liên tục được cập nhật (trung bình 5 phút 1 lần) và được truyền trực tiếp về Sở Tài Nguyên và Môi trường”, ông Patrick Chung cho biết.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.