Theo ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, kiêm Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gọi tắt là Vùng), từ trước đến nay, các KKT, KCN trong Vùng đóng vai trò quan trọng giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, qua 10 năm, các KKT, KCN thuộc Vùng chưa tạo ra bước đột phá trong phát triển. Những thu hút đầu tư chủ yếu vẫn là các ngành thâm dụng lao động, sử dụng nhiều nhiên liệu, năng lượng, ít công nghệ cao như dệt may, da giày, sản xuất sản phẩm nhựa, vật liệu nung, chế biến nông - lâm - thủy sản...; khiến chất lượng và tốc độ phát triển các KKT, KCN không cao.
Mặt khác, các KKT, KCN khu vực miền Trung có tiềm năng, lợi thế tương đối giống nhau, nhưng chưa có những phân tích sâu nhằm đưa ra cơ chế phân công thu hút, phát triển hợp lý, tạo nên lợi thế tổng thể của toàn Vùng. Ngược lại, đang có sự thu hút đầu tư theo hướng cạnh tranh tràn lan trên tất cả các lĩnh vực, tại tất cả các địa phương, làm triệt tiêu lợi thế lẫn nhau và làm lệch lạc định hướng khai thác tiềm năng sẵn có vào phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương trong Vùng.
PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, tiềm năng lợi thế các tỉnh, thành miền Trung cơ bản là giống nhau, muốn liên kết phát triển các KKT, KCN trong Vùng, trước hết cần có một thể chế vùng đủ quyền và đủ lực, bên cạnh đó là phải tạo ra những giá trị, lợi thế mới. Ông Thiên còn lưu ý, cần để nhà đầu tư chất lượng chọn mình chứ không nên đưa ra những ưu đãi thiệt thòi để thu hút các nhà đầu tư vừa và nhỏ.