Kinh nghiệm chọn trường vừa sức khi du học Hoa Kỳ

Kinh nghiệm chọn trường vừa sức khi du học Hoa Kỳ
TPO -  Hoa Kỳ có hệ thống trường tư và công, gồm trên 3.000 đại học, cao đẳng. Trường tư xuất hiện đầu tiên tại Hoa Kỳ được gọi là “Ivy League” với 8 trường đại học danh tiếng, nằm ở vùng Ðông Bắc nước này.
Kinh nghiệm chọn trường vừa sức khi du học Hoa Kỳ ảnh 1
Sinh viên tại ĐH Florida ở Jacksonville bang Florida, Hoa Kỳ. Ảnh : Việt Hùng

Đó là các trường Dartmouth College (tiểu bang New Hampshire), Harvard University (Massachusetts), Brown University (Rohde Island), Yale University (Connecticut), Cornell University, Columbia University (New York), Princeton University (New Jersey), và University of Pennsylvania (Pennsylvania).

Ðặc biệt của hệ thống trường tư là lớp học với số lượng sinh viên ít, người học được chăm sóc kỹ lưỡng, tiền học phí cao, sự đầu tư cho điều kiện học tập tốt. Trung bình, học phí, tiền ăn và ở tại một trường tư khoảng 30.000 đô la – 45.000 đô la Mỹ đối với một sinh viên/năm. Số lượng sinh viên đại học (chương trình 4 năm) khoảng 2.000 – 5.000 người; chương trình đại học và sau đại học có trên dưới 10.000 sinh viên.

Hệ thống trường công có số lượng sinh viên lớn, trung bình từ 10.000 – 40.000 sinh viên/trường. Tiền học phí thấp. Học phí, tiền ăn, ở tại một trường công khoảng 20.000 – 30.000 đô la Mỹ một năm đối với sinh viên quốc tế, và 10.000 – 20.000 đô la Mỹ đối với sinh viên trong tiểu bang.

Trường Cao Ðẳng Cộng Ðồng (chương trình 2 năm) có học phí khoảng 5.000 đô la Mỹ cho mỗi năm (loại trường này không có nội trú).

Dù theo học trường công hay tư, sinh viên đều phải đầu tư nhiều thời gian để học. Trung bình mỗi ngày, sinh viên phải dành khoảng 5 tiếng để học tập, nghiên cứu.

Cách học của sinh viên Mỹ khác nhiều so với ở Việt Nam: tự học, học theo nhóm, đọc thêm sách tham khảo, hẹn gặp thầy để hỏi bài… Những sinh viên không quen học theo nhóm, ít tham gia phần thảo luận dần dần cảm thấy bị lạc lõng và nản. Nhiều sinh viên không tôn trọng giờ giấc, thích thì đi học, không thì ở nhà, chắc chắc sẽ bị những thành viên trong nhóm “chỉnh đốn”.

Trường đại học ở Hoa Kỳ có kỷ luật nghiêm. Nếu bị phát hiện gian lận trong thi cử, sinh viên sẽ bị đuổi học. Sinh viên có điểm trung bình trong học kỳ dưới 2.0 sẽ bị cảnh cáo. Sau 2 lần cảnh cáo, sinh viên bị đuổi học.

Hệ thống điểm trung bình cuối học kỳ cao nhất là 4.0. Từ 3.5 đến 4.0 là điểm giỏi và xuất sắc, điểm 3.0 - 3.4 là khá, điểm 2.5 - 2.9 là trung bình, và dưới 2.0 là yếu.

Điểm cao nhất cho mỗi bài thi là 100. Mỗi học kỳ có 2 - 4 bài thi tùy theo ngành học. Ví dụ, ngành kỹ sư có khoảng 4 bài thi. Ngoài bài thi ra, còn có kiểm tra nhanh, làm bài tập ở nhà, tham dự lớp học, bài viết, thí nghiệm. Như vậy, điểm trung bình học kỳ gồm nhiều phần, mỗi phần có yếu tố nặng nhẹ khác nhau.

Kinh nghiệm chọn trường

Viện Văn hóa & Giáo dục Việt Nam -IVCE: www.ivce.org được thành lập tại New York, Hoa Kỳ vào năm 2000. Mục tiêu của IVCE là phát huy văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ và hỗ trợ giáo dục cho đại học Việt Nam.

Nhằm tư vấn, giúp sinh viên Việt Nam tìm được trường phù hợp khi du học Hoa Kỳ, Viện Văn hóa & Giáo dục Việt Nam (IVCE) chia các trường đại học tại đây thành 4 loại. Loại A (xuất sắc) thuộc 25 trường hàng đầu. Loại B+ (khá giỏi) từ hạng 26 – 50. Loại B (khá) xếp từ hạng 51 – 80. Loại B- (khá non) từ hạng 81 – 110. Loại C (trung bình) từ hạng 111 – 200. Loại D (dưới trung bình) đứng hạng từ 200 trở xuống.

Cách sắp của IVCE dựa trên cơ sở xếp hạng của U.S News Report, được sử dụng tại Hoa Kỳ.

Điểm thi SAT, GRE hay GMAT được bao nhiêu phần trăm yêu cầu, bạn nên chọn trường nằm trong loại phù hợp.

Khi nộp đơn, bạn chọn khoảng 10 - 15 trường để đăng ký. Nếu điểm của bạn không tốt thì nên nộp đơn vào những trường thuộc loại C hay D, trường tư, và trường không nằm ở những thành phố lớn.

Những trường đại học nằm tại các thành phố lớn sẽ thu hút nhiều sinh viên và sự cạnh tranh sẽ cao hơn so với các trường thuộc vùng “nhà quê”. Nếu muốn tìm những ngành học ít trường đào tạo như Thời trang, Khách sạn, Du lịch, Nội thất…, bạn nên hướng tới những trường ở thành phố lớn như New York, Boston, Washington D.C, Chicago, Los Angeles, San Francisco.

Nếu không được nhận vào trường trong vòng ngắm, bạn có thể học 2 năm tại trường khác, cố gắng học tốt và sau đó chuyển sang trường mong muốn.

Du học tự túc, muốn tiết kiệm tiền, bạn có thể nộp đơn đến vào trường Cao Ðẳng Cộng Ðồng (CÐCÐ). Sau 2 năm học, sinh viên được cấp bằng Associate Degree. Sau đó, có thể chuyển tiếp lên đại học và khoảng 2 – 2,5 năm sau, là tốt nghiệp cử nhân hay kỹ sư.

Ngoài ra, tại một số CÐCÐ hay đại học công có các chương trình ESL - chương trình tiếng Anh cho người nước ngoài (khoảng 6 - 8 lớp), với thời gian học khoảng một năm. Khi nộp đơn vào CÐCÐ hay đại học công mà có chương trình ESL, bạn có thể nộp đơn học chương trình ESL trước khi học chính khóa. Như vậy bạn không cần có chứng chỉ  TOEFL mà trường vẫn nhận. Nhưng các điểm SAT, GRE, GMAT vẫn là điểm bắt buộc cho hồ sơ nhập học.

Bài số 2: Chuẩn bị hồ sơ du học Hoa Kỳ

Với diện du học, sinh viên quốc tế được cấp visa F-1 (theo học tổng quát) hay J-1 (theo học theo chương trình của cơ quan, chính phủ). Cả 2 loại visa này đều được làm việc 1 - 2 năm tại Hoa Kỳ trong ngành học của mình sau khi tốt nghiệp.

Hiện nay, Quốc hội Hoa Kỳ giới hạn visa cho người ngoại quốc làm việc tại nước này chỉ còn 65.000 visa cho mọi ngành. Visa làm việc được gọi là H-1 visa. Số sinh viên Việt Nam được visa H-1 là theo thể thức bốc thăm, thường rất ít. Chính vì thế, nếu sang Hoa Kỳ du học để có điều kiện đi làm là rất khó.

Trần Thắng
Chủ tịch Viện Văn hóa & Giáo dục Việt Nam

MỚI - NÓNG