Kinh doanh hàng nhập lậu tăng vọt
> Phá hai 'tổng kho' chứa hàng nhập lậu
> Hải Phòng: Mỹ phẩm nhập lậu
Ngày 1-7, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các vi phạm trong lĩnh vực về giá cả, kinh doanh, vận chuyển và chứa trữ hàng ngoại nhập lậu, hàng giả đã bị lập biên bản tăng hơn so với trước đây.
Tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu. Ảnh: M.T.. |
Hàng nhập lậu chiếm đa số các vụ vi phạm
Chỉ riêng trong lĩnh vực kiểm tra về giá cả, QLTT TPHCM đã lập biên bản 674 cửa hàng vi phạm, tăng 445 vụ so với cùng kỳ năm trước, xử phạt hơn 3,5 tỉ đồng. Trong số này có đến 580 vụ vi phạm không niêm yết giá, 38 vụ niêm yết giá không đúng quy định, 45 vụ niêm yết giá bằng ngoại tệ không được phép, 5 vụ đại lý đổi ngoại tệ cao hơn giá niêm yết của ngân hàng và 6 vụ thu quá giá giữ xe. Các mặt hàng vi phạm về giá chủ yếu là thực phẩm, thuốc tây, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng các loại, máy móc, thiết bị, phụ tùng, vàng...
Điều đáng lo ngại là trong 6 tháng qua, các vi phạm phát hiện kiểm tra nhiều nhất vẫn là các vụ việc buôn bán, vận chuyển, chứa trữ hàng ngoại nhập lậu. Số còn lại là các vi phạm về hàng cấm, hàng giả, nhãn hàng hóa, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng hóa đơn, lĩnh vực kế toán, công bố tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký kinh doanh, kinh doanh có điều kiện các mặt hàng gas, xăng dầu, thực phẩm, thuốc tây...
Theo ghi nhận của Chi cục QLTT TPHCM, tình hình hàng ngoại nhập lậu vẫn tiếp tục phức tạp. Hàng nhập lậu phần lớn là hàng tiêu dùng với đủ chủng loại, được vận chuyển từ các tỉnh biên giới miền Bắc, miền Trung, Tây Nam. Số còn lại theo đường nhập khẩu chính ngạch do chủ hàng không khai hoặc khai thấp hơn số lượng thực nhập, hàng xách tay dạng phi mậu dịch...
Bên cạnh đó, các phương tiện xe khách, xe gắn máy vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu thường đi trên các tuyến quốc lộ 1, 22 và các tỉnh lộ hướng từ các tỉnh biên giới tây nam về các chợ thuốc lá, điểm chứa trữ trong nội thành. Trong 6 tháng đầu năm, các đội QLTT TPHCM đã kiểm tra 186 vụ vận chuyển, buôn bán thuốc lá ngoại, tịch thu 103.998 gói, phân nửa là hiệu Jet và Hero.
6 tháng đầu năm, các đội QLTT đã kiểm tra 142 vụ vận chuyển, buôn bán, chứa trữ mặt hàng rượu gồm nhiều loại vi phạm như rượu ngoại nhập lậu, rượu không tem nhập khẩu, rượu có chứng từ nhưng vi phạm về nhãn hàng hóa, quảng cáo, sản xuất, kinh doanh rượu không có giấy phép... đã tịch thu tiêu hủy 7.418 chai rượu ngoại các loại.
Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý vi phạm mặt hàng phân bón. Ảnh: Mộng Thoa. |
Hàng giả chưa giảm
Không những vậy, tình hình buôn bán hàng giả tại một số cửa hàng trong chợ, trung tâm thương mại, trên đường phố chưa giảm nhiều. Phần lớn hàng giả là hàng tiêu dùng nhập lậu, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài, bán giá rẻ như đồng hồ, kính mắt, túi xách, điện thoại di động, quần áo, giày dép, mỹ phẩm... 6 tháng đầu năm, QLTT đã kiểm tra 321 vụ, tịch thu 127.231 đơn vị sản phẩm, hàng hóa giả, chuyển cơ quan điều tra xử lý 13,8 tấn phân bón giả.
Riêng mặt hàng mũ bảo hiểm, các đoàn kiểm tra đã phát hiện 31 cơ sở, điểm kinh doanh, sản xuất, gia công vi phạm về đăng ký kinh doanh, quy chuẩn kỹ thuật... Trong đó có 10 vụ không công bố hợp quy, 5 vụ mũ bảo hiểm kém chất lượng, đã xử lý 16.034 mũ bảo hiểm. Cũng về tình trạng làm giả, trong 6 tháng đầu năm, các đội QLTT đã kiểm tra 56 vụ vận chuyển, kinh doanh gas đốt.
Trong số 1.775 bình gas các loại được kiểm tra, có 15 vụ vận chuyển, buôn bán 608 bình gas loại 12kg giả mạo nhãn hiệu và 1.161 bình gas mini tái sử dụng đều thuộc loại chiết nạp trái phép. Một số cửa hàng kinh doanh gas hiện nay bán bình gas thật lẫn bình giả nhãn hiệu. Loại bình giả này thường thiếu trọng lượng gas, được chiết nạp lậu tại các trạm ở tỉnh lân cận thành phố, gắn niêm van giả mạo nhãn hiệu, vận chuyển bằng xe tải về thành phố bỏ mối cho các cửa hàng.
Theo M.Thoa
Lao Động