Tại hội thảo "Phát triển bất động sản Việt Nam: Tầm nhìn và triển vọng" tổ chức ngày 11/8, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM cho biết, kiều hối đang đóng góp nguồn vốn tích cực cho lĩnh vực bất động sản.
Cụ thể, kiều hối bình quân trong 3 năm trở lại đây của TP HCM đạt khoảng trên dưới 5 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, nguồn kiều hối này đổ vào lĩnh vực bất động sản ước tính trên 21%. Như vậy, bình quân 1 năm có trên 1 tỷ USD đổ vào bất động sản. Ông Minh đánh giá, đây là sự hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp, chủ đầu tư phát triển bất động sản, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế TP HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Ông Minh cho hay, bên cạnh kiều hối đổ vào bất động sản dồi dào, cơ cấu tín dụng cho bất động sản hiện nay khá ổn định. Tổng dư nợ tín dụng 7 tháng đầu năm 2018, tại TP HCM đạt 1.128.000 tỷ đồng, có 75% dành cho sản xuất kinh doanh, 10,8% dành cho bất động sản và 14% dành cho vay tiêu dùng.
Ước tính có khoảng 40% trong cơ cấu vay tiêu dùng là đổ vào bất động sản tuy nhiên, theo ông Minh, điều này không đáng lo ngại bởi hệ số rủi ro rất thấp do các khoản vay tiêu dùng đều có tài sản đảm bảo.
Dư nợ trung và dài hạn chiếm 53%, ngắn hạn 47%. Tín dụng bất động sản chiếm 10,8% trong tổng dư nợ, đạt 208.000 tỷ. Đối chiếu 5 năm qua, dư nợ tín dụng bất động sản năm sau cao hơn năm trước bình quân 11% và cao nhất 12,5%, thấp nhất 10,8%. Giai đoạn hiện nay, tín dụng bất động sản dù tăng nhưng tăng chậm hơn mức độ tăng trưởng chung, đi đúng hướng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư và nhà quản lý.
Ông Minh cho biết thêm, qua những bài học sâu sắc từ 2008-2010, NHNN đã có cơ chế chính sách quản lý chặt chẽ rủi ro bất động sản và chỉ cấp phép cho những nhà đầu tư có năng lực tài chính, năng lực triển khai dự án. Luật Đất đai còn yêu cầu nhà đầu tư khi bán dự án hình thành trong tương lai phải có ngân hàng bảo lãnh cho người mua nhà.