> Nhận biết rối loạn tăng động giảm chú ý
Theo các tài liệu thống kê, tỷ lệ mắc bệnh này khá cao, chiếm từ 3-5% ở các lứa tuổi, trong đó ở lứa tuổi tiểu học tỷ lệ con trai chiếm 17% và 8% là con gái. Tuổi vị thành niên con trai 11% và con gái 6%.
Chứng rối loạn tăng động giảm chú ý bắt đầu sớm trong quá trình phát triển cơ thể (khoảng 10 năm đầu). Hội chứng này được biết đến từ 100 năm trước và được chia làm 5 tiêu chuẩn để đánh giá mức độ bệnh.
Đối với trẻ nhỏ, các biểu hiện của bệnh được biết đến như không có khả năng chú ý cao tới chi tiết hoặc mắc những lỗi cẩu thả trong học tập ở trường, công việc hay các hoạt động khác;
Thường không có khả năng làm theo những chỉ dẫn hay hoàn thành bài tập, công việc vặt trong nhà, hay những nhiệm vụ ở nơi làm việc (không phải do hành vi chống đối hay không hiểu chỉ dẫn);
Ghét các nhiệm vụ cần sự nỗ lực duy trì hoạt động trí tuệ lâu (làm bài tập ở nhà); Hay quên; Thường buột miệng trả lời khi chưa nghe hết câu hỏi…
Điều trị phục hồi cho trẻ bị mắc chứng tăng động giảm chú ý là một quá trình lâu dài và kiên trì. Khi trẻ được chẩn đoán mắc chứng này, trước hết các bậc cha mẹ nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
Đồng thời chấp nhận và hiểu rằng trẻ không cố tình mắc lỗi để có ứng xử phù hợp. Các bậc cha mẹ giúp cho trẻ bằng việc:
1. Chú ý đến những phẩm chất tốt của trẻ và nói cho trẻ biết điều này.
2. Khi muốn khen ngợi trẻ hãy cho trẻ biết đã làm những hành động nào tốt và bạn rất thích những hành động đó.
3. Hãy dùng lời lẽ nhẹ nhàng để hướng dẫn trẻ làm việc.
4. Cho trẻ biết bạn muốn trẻ làm như thế này thế kia thay vì bảo trẻ đừng làm điều này điều kia.
5. Thuốc điều trị có thể ảnh hưởng đến sự ngon miệng của trẻ nên chú ý nấu cho trẻ những bữa ăn ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng.
6. Luôn để mắt đến trẻ khi trẻ chơi và tập thể dục thể thao để ngăn ngừa các chấn thương có thể xảy ra do các hoạt động hiếu động thái quá của trẻ.