> Hơn năm chục lao động Trung Quốc không phép
> Các nhà thầu lập thủ tục rất chậm
Theo ông Hoàng Thái An, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp kỹ thuật điện Việt Nam, hiện nay rất nhiều dự án điện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào công nghệ, thiết bị, vật liệu của Trung Quốc. Bản thân các doanh nghiệp trong nước chưa đủ trình độ sản xuất những hạng mục lớn (nồi hơi, tuốc bin…), chủ yếu là lắp ráp. Tình trạng này dẫn đến nhập siêu, trong khi các doanh nghiệp trong nước không được trau dồi kinh nghiệm.
Gần đây, nhiều vấn đề nảy sinh đối với các dự án điện mà nhà đầu tư chọn nhà thầu EPC Trung Quốc, như bị chậm tiến độ, nhiều sự cố xảy ra trong quá trình vận hành do sử dụng thiết bị và công nghệ Trung Quốc, không thu xếp được nguồn tài chính thực hiện dự án.
Mặt khác, những dự án sử dụng nhà thầu EPC Trung Quốc không tránh khỏi thực trạng hàng nghìn lao động thủ công Trung Quốc sẽ tới làm việc tại công trường gây ảnh hưởng và mất đi cơ hội việc làm, nâng cao tay nghề của công nhân Việt Nam. “Thống kê cho thấy hiện phần lớn các dự án điện sử dụng quá nhiều công nghệ, thiết bị, vật liệu của Trung Quốc. Nếu xảy ra sự cố sẽ làm ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng”- ông An cho biết.
Hiện có gần 20 dự án nhiệt điện do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận như: Hải Phòng 1, 2; Sơn Động, Cao Ngạn, Cẩm Phả 1, 2; Quảng Ninh 1, 2, Mạo Khê, Vĩnh Tân 2, Kiên Lương… của các chủ đầu tư như Vinacomin, EVN, ITACO đều bị chậm. Có những dự án đến nay chưa triển khai hoặc chậm tiến độ vài năm.
Lý do chậm là do năng lực nhà thầu yếu, kinh nghiệm kém và không thu xếp được tài chính. Nhà thầu hứa cung cấp đủ vốn cho dự án, nhưng thực chất là thiếu công nghệ, thiết bị không đồng bộ, chưa nói thiết bị của Trung Quốc không bằng thiết bị của các nước phát triển.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cũng kiến nghị cần có cơ chế động viên, khuyến khích các nhà thầu, nhà đầu tư trong nước, kể cả tư nhân, liên danh, liên kết với nước ngoài (các nước G7, châu Âu) để đầu tư phát triển mạnh vào các nguồn nhiệt điện chạy than.
Khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam bằng các hình thức BOT(xây dựng và chuyển giao), BOO (xây dựng, kinh doanh và sở hữu), IPP (đầu tư độc lập) nếu xét thấy họ có đủ năng lực, kinh nghiệm tài chính nên chọn các nhà đầu tư từ các nước châu Âu hoặc G7 và cần có những ưu tiên và tạo điều kiện cho họ.
“Nên hạn chế các nhà thầu Trung Quốc, chỉ cho họ tham gia các hạng mục phụ trợ nếu như họ trúng thầu theo quy định. Ngoài ra, cần sử dụng tối đa các nhà thầu phụ trong nước cho các hạng mục cơ khí, xây dựng cũng như sử dụng tối đa sản phẩm của các nhà cung cấp trong nước” - VEA kiến nghị.