Kiến nghị gỡ vướng mắc 'thuế chồng thuế' cho sáng tạo số

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới, mang về lượng kiều hối lên đến hàng triệu USD cho đất nước mỗi năm. Tuy nhiên, ngành sáng tạo nội dung số đang gặp phải một số vướng mắc trong quá trình phát triển, trong đó có chính sách thuế.

Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) vừa gửi văn bản kiến nghị lên Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tháo gỡ một số vướng mắc. Hội Truyền thông số Việt Nam khẳng định sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của các nền tảng số xuyên biên giới như Facebook, TikTok, YouTube… tạo ra một thị trường tiêu dùng nội dung số khổng lồ.

Nhiều doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam bắt kịp xu hướng này sản xuất nhiều nội dung có giá trị, phát hành xuyên biên giới, gây được tiếng vang trên toàn cầu. Hàng vạn lao động trẻ người Việt Nam tham gia, kinh doanh kiếm tiền trên các nền tảng xuyên biên giới, mỗi năm mang về lượng kiều hối nhiều triệu USD cho đất nước.

Kiến nghị gỡ vướng mắc 'thuế chồng thuế' cho sáng tạo số ảnh 1

Nền tảng YouTube, TikTok trở thành thị trường tiêu dùng nội dung số khổng lồ tại Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế năm 2022, chỉ tính riêng trên YouTube, số người Việt Nam kiếm tiền từ nền tảng mạng xã hội lên tới 20.000 người và mang về một khoản doanh thu ngoại tệ tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng.

Việt Nam có gần 500 kênh YouTube đạt nút vàng (hơn 1 triệu lượt đăng ký) và 8 kênh đạt nút kim cương (trên 10 triệu lượt đăng ký). Tuy nhiên, ngành sáng tạo nội dung số, kiếm tiền trên các nền tảng xuyên biên giới (ngành MMO - Make money online) gặp phải một số vướng mắc trong quá trình phát triển, trong đó có chính sách thuế.

Kiến nghị gỡ vướng mắc 'thuế chồng thuế' cho sáng tạo số ảnh 2

Nhiều nhà sáng tạo nội dung trên YouTube đang chịu cảnh "thuế chồng thuế".

Cụ thể, theo chính sách của YouTube, các nhà sáng tạo nội dung ở các quốc gia ngoài Mỹ thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế của Mỹ sẽ chịu khấu trừ 30% thuế thu nhập cho các lượt xem đến từ Mỹ, các lượt xem từ quốc gia khác YouTube không khấu trừ thuế.

Chính sách của YouTube cũng quy định các nhà sáng tạo nội dung từ các quốc gia ngoài Mỹ không thực hiện đăng ký thuế tại Mỹ sẽ bị khấu trừ 24% thuế thu nhập cho tổng lượt xem toàn cầu. Khi dòng tiền về đến Việt Nam, nhà sáng tạo cá nhân phải nộp thêm 7% (bao gồm 5% VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân). Tổ chức/doanh nghiệp kinh doanh trên YouTube phải đóng khoản thuế là 30% (bao gồm 10% VAT và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp).

Kiến nghị gỡ vướng mắc 'thuế chồng thuế' cho sáng tạo số ảnh 3
Hội Truyền thông số Việt Nam kiến nghị ba giải pháp gỡ vướng mắc thuế cho sáng tạo số.

Đặc biệt, với thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo quy định hiện hành mức đánh thuế là 10% trên doanh thu nhận về của doanh nghiệp. Điều này không phù hợp với nguyên tắc điểm đến, tiêu dùng ở đâu, đánh thuế ở đấy với sắc thuế GTGT.

"Như vậy có thể thấy, các doanh nghiệp/cá nhân hoạt động trên YouTube tại Việt Nam đang phải chịu hai lần thuế đối với khoản doanh thu từ lượt xem tại Mỹ (do phía Mỹ đã thu thuế), bản chất là các doanh nghiệp/cá nhân đang bị nộp thuế chồng thuế", văn bản Hội Truyền thông số Việt Nam nêu.

Hội Truyền thông số Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét áp dụng nguyên tắc tránh đánh thuế hai chiều với các nguồn thu nhập từ các quốc gia đã ký kết Hiệp định với Việt Nam đối với các tổ chức/cá nhân kinh doanh nội dung số trên các nền tảng toàn cầu. Hội bày tỏ mong muốn Chính phủ thúc đẩy để Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Mỹ sớm được thực thi.

Bên cạnh đó, Hội Truyền thông số Việt Nam mong muốn Nhà nước xem xét để hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số với các chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi về đầu tư, hỗ trợ đào tạo nhân lực…

MỚI - NÓNG