Kịch Sài Gòn hút khách bằng cách nào?

Thành Lộc, Lê Khánh... là những cái tên “phải có” cho một vở kịch ăn khách
Thành Lộc, Lê Khánh... là những cái tên “phải có” cho một vở kịch ăn khách
TP - Tối Chủ nhật, cả sân khấu kịch Idecaf không còn một chỗ trống, người ta phải kê thêm ghế phụ giữa lối đi. Chưa kể, vé còn phải đặt trước.

Khán giả quan tâm gì, sân khấu có cái đó

Nếu nói, kịch Sài Gòn hút khách bằng cách nào, thì có thể tóm gọn trong một câu: nó gắn chặt với những nội dung đứng đầu trong các mục kiếm tìm trên Google. Người ta đang quan tâm điều gì, trên sân khấu có điều đó.

Tên vở kịch “Người lạ, người thương rồi người dưng” (tác giả Bùi Quốc Bảo, đạo diễn Vũ Minh) lấy lại từ tên một ca khúc đứng đầu bảng “nghe nhiều” của Phạm Nguyên Ngọc ra mắt hồi tháng 4. Trong phần thoại giữa hai nhân vật chính, rất nhiều câu trích được lấy nguyên văn từ một tác giả trẻ đang được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Sự lặp đi lặp lại một cách cố ý này khiến nhiều khán giả suy đoán là đạo diễn đang PR cho nhà văn mạng.

Nút thắt lớn nhất cũng là một xu hướng đang lên: xóa ký ức, chỉ giữ lại những gì tươi mới, trẻ trung, tin yêu... Xung đột kịch, không nghi ngờ gì, liên quan đến “Tuesday” (thuật ngữ chỉ người thứ ba của cư dân mạng) – một đề tài người Việt rất thích, những bộ phim điện ảnh, truyền hình có lượng xem lớn nhất gần đây cũng đều xoay quanh chủ đề này. Và cú chốt hạ cuối cùng, chính là những Thành Lộc, Lê Khánh, Kim Xuân... – những “thần tượng” trong lòng nhiều khán giả.

Người Sài Gòn đi xem kịch giống như người Hà Nội đi cafe. Không cần “bang nhóm”, tôi thấy rất nhiều người đi một mình. Trên fanpage của Idecaf, không thiếu chuyện các fan xem một vở trên một lần. Họ hài lòng với những thông điệp: “gần gũi”, “như chuyện của mình”, “nói hộ lòng mình”, “dễ thương hết sức”... Và mặc dù vở diễn kéo dài hơn ba tiếng, đến mức phải có giờ giải lao giữa hiệp, song không thấy ai bỏ về giữa chừng.

Sự chiều chuộng khán giả của kịch Sài Gòn còn tinh vi ở chỗ, trong mỗi vở (dù là chính kịch hay hài kịch) đều có trộn lẫn nhiều thể loại: một tí hài, một tí bi, một tí giả gái (trai), một tí ma (nhất định là phải có ma, tôi đã nhiều lần xem kịch ở Sài Gòn và nhận ra khán giả ở đây thích bị “hù” hơn ngoài Bắc). Giống tiệc buffet, ai cần gì cũng có, nhưng để nói món nào là “bảo bối trấn tiệm” thì khó.

Các “bảo bối” này hình như chính là đội ngũ diễn viên. Trong thời điểm hiện tại, Idecaf công chiếu 7 vở, thì Thành Lộc (được coi là một nhân tố làm nên bản sắc Idecaf) xuất hiện quá bán. Tần suất tương tự với Lê Khánh, Kim Xuân, Hữu Châu... Có lẽ cũng ỷ vào khả năng làm chủ sân khấu của những gương mặt gạo cội này, đạo diễn thường để họ tự do tung hứng, đôi khi hơi quá đà. Vở kịch hơn ba tiếng thực ra chỉ cần tiếng rưỡi là vừa vặn, nếu cắt bớt thời gian tán dài, tán nhảm của diễn viên.

Áp lực làm mới

Một sáng tạo khá thú vị trong “Người lạ, người thương rồi người dưng” có lẽ đó là sự đồng xuất hiện của một nhóm acoustic hát live với tư cách là người dẫn truyện và lấp đầy sân khấu sau mỗi chuyển cảnh. Họ thể hiện những ca khúc không mới, song đã định hình trong yêu thích của nhiều thế hệ. Cả phong thái biểu diễn lẫn âm nhạc không phải xuất sắc, song nó đem lại khoảng nghỉ cho người xem, nhất là sau những màn thoại dài dằng dặc gây buồn ngủ. Nhiều khán giả bày tỏ rằng, xem vở này, họ có cảm giác như một lúc được tận hưởng hai show, kịch và ca nhạc, tính ra quá rẻ so với tiền vé 250.000đ.

Sức hút của các “ngôi sao” chưa bao giờ là cũ. Một khán giả lớn tuổi ở Sài Gòn cho hay: “có Thành Lộc là tui đi xem, vở nào cũng xem, chưa thấy ai đóng giả gái hay như ổng”. Người Nam chuộng “ngôi sao” hơn người Bắc. Quán ăn nào được Thành Lộc, Mỹ Duyên đến là xem như hân hạnh lắm, có thể so với quán bún chả Hà Nội được Obama ghé ăn.

Nghệ sĩ Sài Gòn cũng ít cấm kỵ và khư khư cái tôi như nghệ sĩ Bắc. Kể gì vị nghệ thuật hay vị nhân sinh, khán giả thích là được. Thế nên, kịch phía Nam cũng tích hợp ca nhạc, múa, ảo thuật, xiếc... sớm hơn. Được cái, khán giả ở đây cũng không có nhiều yêu cầu đối với các thông điệp dạng vặn xoắn, phải suy nghĩ, chìm đắm, phải tự vấn... Họ dành ra mấy tiếng đồng hồ cuối tuần, trang điểm, lên đồ như đi tiệc, rồi chui vào rạp, cười phà phà hơn phân nửa thời gian xong về đi ăn khuya. Hôm sau, câu chuyện nghệ thuật đã ở một thì xa xôi, nhường chỗ cho cơm áo gạo tiền. Kể gì! Vui là được!

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.