Chia sẻ tại diễn đàn, anh Thiệu Minh Quỳnh, Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Bình cho biết, Thái Bình đã ra mắt phần mềm quản lý công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi với nhiều tính năng, giao diện dễ tương tác. Phần mềm đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn; đổi mới phương thức lãnh đạo của các tổ chức, cơ sở Đoàn.
Theo anh Quỳnh, trong quá trình triển khai các ứng dụng, phần mềm đã gặp không ít khó khăn như công tác an toàn thông tin, an ninh mạng; hoạt động của một số đoàn viên, thanh niên ở cấp cơ sở còn hình thức...
Các đại biểu trải nghiệm Bảo tàng số Tuổi trẻ Việt Nam bên hành lang Đại hội. ẢNH: Như Ý |
Để phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên trong chuyển đổi số, làm chủ công nghệ, anh Quỳnh đề xuất thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, vai trò của chuyển đổi số; nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân; phát huy vai trò và sự vào cuộc quyết liệt của thủ lĩnh Đoàn cấp cơ sở. Đồng thời đẩy mạnh các cuộc thi khuyến khích ý tưởng chuyển đổi số trong các lĩnh vực của cuộc sống.
Theo anh Thiệu Minh Quỳnh, Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Bình, để thực hiện tốt chuyển đổi số cần phát huy vai trò và sự vào cuộc quyết liệt của thủ lĩnh Đoàn cấp cơ sở. Đồng thời đẩy mạnh các cuộc thi khuyến khích ý tưởng chuyển đổi số trong các lĩnh vực của cuộc sống.
Anh Tạ Hồng Sơn, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến tháng 11/2022 có hơn 5.800 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hơn 900 xã nông thôn mới chuẩn nâng cao, hơn 100 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trong kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của đoàn viên, thanh niên. “Trong thời gian tới, cuộc cách mạng 4.0 ảnh hưởng tới việc xây dựng nông thôn mới là bài toán cho sự sáng tạo của thanh niên trong việc tham gia nội dung này”, anh Sơn nói.
Anh Sơn đề xuất, tổ chức Đoàn và thanh niên cần tiếp tục xung kích hỗ trợ nhận xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó có việc đăng ký đảm nhận các xã, thôn bản xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao. Triển khai các đội hình trí thức trẻ tình nguyện tái cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ hơn với nguồn tình nguyện viên huy động từ các trường đại học, cao đẳng. Xây dựng các mô hình kinh tế nông thôn theo hướng tuần hoàn xanh, bền vững; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn...
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến đề xuất tổ chức Đoàn trong thời gian tới tăng cường các hoạt động lôi cuốn, cỗ vũ thanh niên xung kích khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh các hình thức liên kết phát triển kinh tế trong đoàn viên, thanh niên; thành lập, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm thanh niên làm kinh tế...
Anh Phan Kế Sơn, Bí thư Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đề xuất các giải pháp hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên, như tổ chức Đoàn có các hoạt động trang bị kỹ năng liên quan đến khởi nghiệp; lan tỏa phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” ngày càng thực chất; cấp nguồn kinh phí hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo tiềm năng; kết nối để các doanh nghiệp, công ty đặt hàng các ý tưởng sáng tạo...