Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn :

Khuyến cáo của WHO và thực tế có khác biệt

Khuyến cáo của WHO và thực tế có khác biệt
TP - Về thông tin dịch cúm A/H1N1 bị thổi phồng, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, cơ quan này nhận thấy khuyến cáo của WHO và diễn biến của dịch trên thế giới có nhiều điểm không giống nhau.

>> Sự thật về "đại dịch thế kỷ” H1N1

Khuyến cáo của WHO và thực tế có khác biệt ảnh 1
Bác sỹ Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cúm A/H1N1 - Ảnh: Lê Nguyễn

Những ngày qua, thông tin từ một số tờ báo phương Tây đưa tin Ủy ban Y tế của Hội đồng châu Âu chỉ trích một số hãng dược phẩm đã vận động hành lang đối với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để tổ chức này thổi phồng về đại dịch cúm A/H1N1 giúp các hãng dược phẩm lớn trên thế giới bán vaccine.

Hôm qua, trao đổi với báo chí về vấn đề này, TS Trịnh Quân Huấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Hôm nay, Bộ Y tế Việt Nam sẽ có công văn đề nghị WHO trả lời rõ về các cáo buộc này.

Trước những nhận định trên của Ủy ban Y tế Hội đồng châu Âu, Bộ Y tế có ý kiến gì, thưa Thứ trưởng?

Hiện tại, Bộ Y tế Việt Nam chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này, chúng tôi chờ đợi phản ứng của các chuyên gia. Theo tôi đây là vấn đề đáng để các quốc gia cần thận trọng.

Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy khuyến cáo của WHO và diễn biến của dịch trên thế giới có nhiều điểm không giống nhau.

Ví như WHO cho rằng, vào mùa đông năm 2009 (tháng 11 và 12-2009 và tháng 1 đến 2-2010), tại Bắc bán cầu sẽ có dịch lớn với số người mắc và tử vong cao.

Nhưng trên thực tế, từ tháng 11-2009 đến nay, dịch lại có xu hướng giảm trông thấy. Thậm chí tại nhiều quốc gia, tỷ lệ tử vong do bệnh này còn thấp hơn cúm mùa thông thường.

Riêng tại Việt Nam, thống kê tại 15 điểm giám sát cúm trên toàn quốc do Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư tiến hành và thống kê của các bệnh viện, khoa truyền nhiễm đều cho thấy số người mắc mới, tử vong do cúm A/H1N1 đều giảm đi rõ rệt. Như vậy có thể thấy đỉnh dịch cúm A/H1N1 đã qua rồi.

Những thông tin từ Ủy ban Y tế của Hội đồng châu Âu có ảnh hưởng gì tới việc Việt Nam nhận 1,2 triệu liều vaccine phòng cúm A/H1N1 do WHO tài trợ không?

1,2 triệu liều vacccine viện trợ hiện chưa về tới Việt Nam. Chúng tôi vẫn chủ trương trước khi sử dụng số vaccine này tiêm phòng cho các đối tượng và vùng ưu tiên, vẫn phải làm các thủ tục cấp phép, thử nghiệm lâm sàng và thực địa như các vaccine khác.

Vì sự an toàn của người được tiêm, Bộ Y tế vẫn thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm định vaccine dù vaccine đã được WHO chấp nhận về độ an toàn.

Kế hoạch Việt Nam mua thêm một số lượng vaccine khác ngoài 1,2 triệu liều được viện trợ thế nào, thưa ông?

Để đảm bảo công tác phòng dịch hiệu quả, Bộ Y tế đã thông báo hãng dược phẩm nào sản xuất và có ý định bán vaccine phòng cúm A/H1N1 ở Việt Nam nộp hồ sơ. Tới nay đã có ít nhất 3 nhà sản xuất gửi hồ sơ. Chúng tôi sẽ đảm bảo việc cấp phép cho vaccine theo đúng quy trình đã đề ra.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam:

Nhầm lẫn trong định nghĩa đại dịch

Phản ứng về những cáo buộc do Ủy ban Y tế của Hội đồng châu Âu, trong thông cáo báo chí phát đi hôm qua, TS Jean - Marc Olive - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, có điều này là do định nghĩa nhầm. Tuy nhiên, WHO lường trước những chỉ trích này bởi nó là một phần trong chu trình bùng phát đại dịch.

TS Jean - Marc Olive khẳng định WHO không hề thay đổi định nghĩa đại dịch trong suốt tiến trình vụ bùng phát dịch này.

"Một số nhầm lẫn có thể xuất phát từ thực tế là có một tài liệu trên trang web của WHO trong một vài tháng có nói rằng một đại dịch có thể bao gồm số lượng rất lớn các ca mắc và các ca tử vong. Thông tin này đã được gỡ bỏ sau khi WHO phát hiện ra.

Thông tin này không bao giờ là một phần trong định nghĩa chính thức về một đại dịch và chưa bao giờ là một phần trong các tài liệu gửi tới các quốc gia thành viên nhằm phục vụ công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với đại dịch. Chúng tôi lấy làm tiếc vì sự nhầm lẫn mà thông tin này gây ra” - Bản thông cáo viết.

Trưởng đại diện của WHO cho rằng WHO luôn kiên định đánh giá tác động của đại dịch cúm hiện tại là vừa phải, nhắc nhở cộng đồng y tế, người dân, và các phương tiện truyền thông đại chúng rằng đại đa số bệnh nhân bị bệnh tương tự cúm nhẹ và phục hồi hoàn toàn trong vòng một tuần, thậm chí không cần bất kỳ hình thức điều trị y tế nào.

 

Thái Hà thực hiện

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG