'Khủng long' bóng chuyền Việt Nam xuất ngoại

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từng vô địch Thai League, chủ công cao 1m93 Trần Thị Thanh Thúy tiếp tục chinh phục giải đấu bóng chuyền hạng 8 thế giới Nhật Bản. Cô gái sinh năm 1997 nhận mức lương lên tới 200 nghìn USD/mùa, đồng thời tạo nên một hình mẫu xuất ngoại thành công nhất lịch sử thể thao Việt Nam.

Ngang ngửa ngoại binh hàng đầu

Vượt bão COVID-19, đội trưởng Đổi tuyển bóng chuyền Việt Nam Thanh Thúy đã đến Nhật Bản trong màu áo của đội bóng PFU BlueCats. Cô gái quê Bình Dương đã có bước tiến vượt bậc về mọi mặt. Ngoài đẳng cấp của chủ công số 1 Việt Nam, với thể hình, sức bật đạt chuẩn quốc tế, tay đập cao 1m93 còn hội đủ các yếu tố cần thiết của một cầu thủ chuyên nghiệp quốc tế.

Thanh Thúy đã hòa nhập cực nhanh, thi đấu bùng nổ trong mùa thứ 2 ở giải đấu cao nhất của nền bóng chuyền hạng 8 thế giới. Đáng nể hơn, cô vẫn tỏa sáng khi phải chơi vị trí phụ công chứ không phải chủ công sở trường, do PFU BlueCats đã có hai cái tên xuất sắc ở vị trí này là tài năng trẻ đến từ Cuba Melissa Valdes và tay đập kỳ cựu của Đội tuyển Nhật Bản Yurie Nabeya.

Theo thống kê qua 10 lượt đấu, tuyển thủ Việt Nam ghi được tổng cộng 96 điểm, với một hiệu suất ổn định, có nhiều điểm số mang tính quyết định. Không chỉ là cây ghi điểm tốt thứ 3 của đội mình, Thúy còn đứng thứ 8 trong số 24 ngoại binh, với nhiều hảo thủ hàng đầu thế giới. Trong 96 điểm của Thúy, có tới 13 điểm đến từ các pha chắn bóng thành công, lọt vào Top 10 VĐV chắn bóng tốt nhất giải. Thanh Thúy góp công lớn giúp PFU BlueCats chỉ đứng thứ 9 mùa trước, vọt lên gia nhập Top 5

Rất thú vị vì tay đập đến từ CLB VTV Bình Điền Long An có thời gian đấu chính nhiều thứ 5 trong các ngoại binh này còn có màn trình diễn vượt trội, cho 3 đồng nghiệp Đông Nam Á khác… ngửi khói. Người có thành tích gần nhất với Thúy là Jaja Santiago (Philippines) cũng có thành tích thua cô tới 21 điểm.

Theo sát hành trình của Thanh Thúy, cả Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường và cựu HLV trưởng ĐTQG Lương Khương Thượng đều cho rằng cô đã thực sự nâng tầm, cả về trình độ, sự toàn diện và đa năng. Nếu được xếp đúng vị trí chủ công, Thúy còn có thể phát huy tài năng hơn nữa, và chắc chắn đến lượt về “sếu vườn” 25 tuổi sẽ còn chơi hay hơn, hiệu quả hơn nhiều. Mức thu nhập 200 nghìn USD/mùa với Thúy, hoàn toàn xứng đáng.

18 tuổi đã vô địch Thai-League

Ngay khi xuất hiện, Thanh Thúy đã được đánh giá là một “báu vật” của bóng chuyền Việt Nam khi sở hữu nhiều tố chất, sức vươn đặc biệt của các cầu thủ quốc tế hàng đầu. Thế nhưng, để có được một ngôi sao vượt xa nền tảng, thành tích quốc nội như bây giờ, chính là nhờ liên tục được xuất ngoại thi đấu cọ xát đỉnh cao, gắn với tầm nhìn và sự chủ động mang tính tiên phong của CLB chủ quản VTV Bình Điền Long An.

Thanh Thúy đã có bước ngoặt quan trọng ngay ở tuổi 18, tài năng mới bắt đầu nở rộ, khi bất ngờ được trao cơ hội, sang tập luyện thi đấu tại CLB số 1 Thái Lan Bangkok Glass kể từ vòng 2 mùa 2015-2016. Nơi đó, có ông thầy cũ Aphisak cùng đàn chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa đang là ngôi sao của đội bóng này. Trong lần đầu xuất ngoại của mình, lại ở một đội bóng toàn sao, Thanh Thúy đã không tránh khỏi áp lực về tâm lý, với sự lo lắng thường trực.

Chủ công có chiều cao 1m93 chỉ xác định quyết tâm tập luyện, học hỏi thật tốt và phấn đấu lọt được vào danh sách 12 cầu thủ để thi thoảng được thay ra thay vào. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn có mặt tại CLB, Thanh Thúy đã chứng tỏ khả năng hòa nhập đáng kinh ngạc, cả trong sinh hoạt, tập luyện, rồi được tung vào đội hình chính.

Nhập cuộc muộn với một vai phụ, Thanh Thúy bất ngờ thành kép chính của “đại gia” Thái Lan trong cả lượt về mùa giải. Thanh Thúy đã thi đấu chính thức 6 trên 7 trận, luôn thuộc nhóm ghi điểm nhiều nhất của đội, với hiệu suất từ 12 tới 17 điểm/trận. Thanh Thúy đã góp công lớn để Bangkok Glass bảo vệ thành công ngôi vô địch trước 2 vòng đấu.

Từ cột mốc ấy, Thúy đã có cuộc “vượt ngưỡng” để trở thành chủ công toàn năng và xuất sắc bậc nhất của Việt Nam và ĐNÁ. Chẳng những là “máy ghi điểm” và “bước tường chắn”, tài năng sinh năm 1997 có chiều cao 1m93 còn có cú phát bóng hóc hiểm và có thể tung ra các cú dứt điểm từ sau vạch 3m xuyên dàn chắn.

Cô gái đất Long An đã luôn được các CLB hàng đầu của Thái Lan, Đài Loan Trung Quốc săn đón, thậm chí còn có một vài lời mời từ Mỹ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ. Tính đến PFU BlueCats Thanh Thúy đã đầu quân cho 4 đội bóng nước ngoài, trước đó là Bangkok Glass (Thái Lan), Attack Line (Trung Hoa Đài Bắc) và Denso Airy Bee (Nhật Bản). Trong đó, đội trưởng ĐTVN từng gây sửng sốt tại CLB Attack Line khi ghi tới 147 điểm chỉ sau 8 trận, một hiệu suất khiến giới chuyên môn phải kinh ngạc.

13 tuổi đã cao 1m78

Khác với hầu hết các cầu thủ bóng chuyền Việt đã thành danh, cô gái sinh ra tại Bình Dương quê gốc Hà Nam không hề được tuyển chọn hay ứng tuyển tại “lò” nào mà lại được phát hiện ngẫu nhiên khi các thầy CLB VTV Bình Điền Long An đến thăm quan một tiết học thể dục ở trường của Thúy. Họ dã choáng váng trước cô học trò 13 tuổi, đang học lớp 7 đã cao tới 1m 78. Như chia sẻ của ông thầy đầu tiên Lương Khương Thượng, sau khi tìm đủ nguồn để xác minh đúng là Thúy sinh năm 1997, ông hiểu rằng mình đang đứng trước một “viên ngọc thô” độc nhất vô nhị, và phải tìm mọi cách đưa về đội.

Sinh năm 1997 tại Bình Dương, chủ công của VTV Bình Điền Long An Trần Thị Thanh Thúy chính là “khủng long” số 1 trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam với chiều cao 1m93 cùng tầm đánh bóng 3m04.

Dù Thúy đồng ý ngay vì rất hâm mộ chị Ngọc Hoa, thậm chí còn dẫn thầy ngay về nhà. Thế nhưng, mọi chuyện lại vô cùng gian khó vì bố mẹ Thúy lập tức từ chối vì muốn con gái theo con đường học văn hóa, không thích thể thao. 2 tuần sau, ông Thượng lại đi cùng cả lãnh đạo đội và một vài cầu thủ nổi tiếng đến thuyết phục song vẫn không ăn thua. Một tháng sau, ông Thượng tiếp tục quay lại một mình với mục tiêu giãi bày mọi tâm huyết, kỳ vọng rồi có được hay không cũng đành thôi. Lần này thì bố mẹ Thúy mới xuôi. Sau một cuộc đối rượu mà ông thấy già phải uống say túy lúy, cô bé 13 tuổi cao 1m78 đã thu xếp quần áo, sách vở lên đường đến “lò” Long An.

Tại chính “lò” hàng đầu này, chỉ sau đúng 5 năm, từ một cô nữ sinh vụng về chưa hề biết đến trái bóng, Thanh Thúy đã trở thành chủ công cao nhất, triển vọng nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam. Giờ đây, chủ công với biệt danh nổi tiếng 4T đã “bay” xa khỏi giới hạn quốc nội, thậm chí ĐNÁ, để tỏa sáng ở nền bóng chuyền hạng 8 thế giới, số 1 châu lục, cùng các hảo thủ quốc tế hàng đầu.

MỚI - NÓNG