Khủng bố 11-9 dưới góc nhìn nhà đầu tư

Khủng bố 11-9 dưới góc nhìn nhà đầu tư
Rất nhiều bài học, về xã hội, chính trị và cả tâm lý đã được người dân Mỹ rút ra sau vụ khủng bố đẫm máu 11 năm về trước. Còn đối với nhà đầu tư, họ học được điều gì sau bi kịch đó?
Du khách tham quan Đài tưởng niệm 11-9 ở thành phố New York
Du khách tham quan Đài tưởng niệm 11-9 ở thành phố New York.

Một điều rất quan trọng cần khắc cốt ghi tâm đối với những ai dấn thân vào nghiệp đầu tư, đó là thị trường, dù muốn hay không, sẽ gặp phải những cú sốc cực mạnh trong quá trình tồn tại, có thể kéo sập mọi thành quả mà phải mất nhiều năm tháng để tạo nên, đôi khi sự kiện đó đến rất bất ngờ và không có dù chỉ mảy may một dự đoán trước. Hai ví dụ điển hình là vụ khủng bố tại Mỹ ngày 11-9-2001 và trận động đất sóng thần tại Nhật vào tháng 3-2011.

Theo kết quả phân tích của hãng nghiên cứu Ned Davis, một quy tắc chung được đưa ra sau nhiều nghiên cứu đối với các cuộc khủng hoảng trong quá khứ là nhà đầu tư không nên phản ứng tiêu cực bằng cách bán phá giá bừa bãi các cổ phiếu trong danh mục đầu tư – điều mà hàng chục triệu người trong lúc hoảng sợ đều thực hiện, và tất cả cùng nhau chứng kiến sự lao dốc không phanh của toàn thị trường.

Bởi thị trường sẽ quay trở lại mức độ bình thường, tức là hồi phục rất nhanh sau những cú sốc khách quan đó, đôi khi chỉ mất vài tháng.

Trong nghiên cứu này, hãng đã nghiên cứu lại 28 cuộc khủng hoảng chính trị hay kinh tế tồi tệ nhất xảy ra trong vòng 6 thập kỷ gần đây. 19 trong số 28 trường hợp, chỉ số công nghiệp Dow Jones sẽ hồi phục trung bình 6 tháng sau khi khủng hoảng nổ ra. Đối với cả 28 cuộc khủng hoảng, sau 6 tháng mức tăng trung bình của Dow Jones là 2,3%.

Riêng trong các cuộc khủng hoảng chính trị, các nhà đầu tư có xu hướng phản ứng thái quá hơn so với khủng hoảng kinh tế, do đó khoảng thời gian mà thị trường chứng khoán cần để hồi phục sẽ dài hơn. Và đó đúng là điều đã xảy ra tại thị trường chứng khoán Mỹ cách đây 11 năm.

Hãy lấy ví dụ một trường hợp điển hình là một nhà đầu tư không may mắn đã mua vào đúng vào cuối phiên ngày 10-9-2001, một ngày trước khi xảy ra các cuộc tấn công. Mặc dù thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa thêm vài ngày sau đó để tránh sốc, hầu hết các chỉ số vẫn giảm hơn 5% vào ngày đầu tiên mở cửa trở lại, nếu người đó ra sức bán vào thời điểm ấy, thiệt hại sẽ rất lớn.

Nhưng chỉ cần đợi 2 tháng sau, thị trường nhanh chóng phục hồi và nếu người đó có đủ kiên nhẫn, đó chưa chắc đã là 1 vụ đầu tư thất bại.

Tất nhiên, những điều rút ra trên đây chỉ là có giá trị xoa dịu phần nào những mất mát quá lớn. Không một người Mỹ nào muốn so sánh hay cân đo mức độ thiệt hại về tiền đầu tư trong một sự kiện như vụ 11-9, bởi nỗi ám ảnh và tổn thương về tinh thần còn nặng nề hơn rất nhiều.

Viện bảo vệ sức khỏe và an toàn nghề nghiệp quốc gia Mỹ vừa công bố 1 báo cáo gây chấn động khi cho biết có khoảng 70.000 người Mỹ còn sống sót trong vụ khủng bố 11-9, bao gồm lính cứu hỏa, cảnh sát và những người trực tiếp chứng kiến cảnh tượng có nguy cơ mắc ít nhất 1 trong 50 loại ung thư do độc hại từ những mảnh vụn, vật liệu đổ nát và những đám khói âm ỉ tại khu vực tòa tháp đôi khu trung tâm thương mại thế giới kéo dài sau đó 3 tháng.

Theo TTVN/Marketwatch

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG