> 'Hoang hóa' Khu kinh tế Dung Quất
> Quản lý bụi lò thép: Phớt lờ cảnh báo độc hại
Lo sợ cho tương lai
Chị Lê Thị Vàng ở thôn Đông Bình, xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn) nhà ở gần khu xử lý rác thải, cho biết: Tuy họ đã cố gắng trong việc xử lý nhưng vẫn còn mùi hôi nồng nặc, không khí ngột ngạt.
Một người dân khác là ông Nguyễn Văn Tứ cho rằng đây còn là nơi xử lý cả chất thải công nghiệp, tác động đến sức khỏe các thế hệ sau này là khó tránh khỏi. “Sống gần hai cái nghĩa địa đã lo lắm rồi, giờ còn cái nhà máy rác nữa không sợ sao được” - ông Tứ nói.
Theo ông Trần Quang Tâm, Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, trong quá trình lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường trước đây, Cty Lilama EME không lấy ý kiến của chính quyền địa phương cũng như người dân.
“Về việc một số người dân ngăn cản xe vào đổ chất thải công nghiệp là không đúng pháp luật. Địa phương sẽ tiếp tục giải thích, vận động để dân hiểu, không có hành vi quá khích. Tuy nhiên, về lâu dài, công ty cần công khai lộ trình di dời khu xử lý này ra xa khu dân cư để đảm bảo môi trường”.
Được biết, hiện mỗi ngày Cty Lilama EME tiếp nhận khoảng 32 tấn rác thải sinh hoạt, 2 tấn chất thải và 18m3 rác thải công nghiệp.
“Đối với rác thải thông thường thì đốt, rác thải nguy hại thì xử lý hóa lý, còn đối với chất thải công nghiệp là bùn đất thì xử lý bằng cách… chôn lấp chứ hiện nay vẫn chưa có phương án xử lý nào tiên tiến hơn” - ông Huỳnh Văn Phúc - Phó GĐ sản xuất của Lilama EME cho biết.
Điểm nóng ô nhiễm
Nhiều ngày qua, khu xử lý rác thải rắn của Cty Lilama EME phải “tự đóng cửa” bởi sự ngăn cản của người dân. Theo ông Huỳnh Văn Phúc: Từ ngày tiếp nhận khu xử lý rác thải này (1/1/2008), đơn vị đã đầu tư trang thiết bị hiện đại để xử lý một cách tốt nhất. Ngoài rác, mỗi ngày có khoảng 15m3 nước thải ở đây cần được xử lý.
Trước phản ứng của người dân, Cty Lilama EME đã lên phương án xử lý tuần hoàn và tái sử dụng nước thải trong khu vực bãi rác trình UBND tỉnh.
“Trước mắt người dân cần chia sẻ để doanh nghiệp tiếp tục vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn KKT Dung Quất. Nếu chậm thu gom, xử lý thì mức độ ô nhiễm sẽ rất lớn”- ông Chương nói.
Hiện công ty đang thực hiện chỉ đạo của tỉnh, tiến hành phủ bạt trên các bãi rác và tiếp tục nghiên cứu, xây dựng lộ trình di dời khu chôn lấp chất thải công nghiệp ra xa khu dân cư.
Khu xử lý chất thải rắn KKT Dung Quất được Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 19,28 ha trên địa bàn xã Bình Nguyên. Trong đó giai đoạn I là 12,08 ha giao cho Ban quản lý KKT Dung Quất làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng, vận hành tháng 4/2007. Đầu năm 2008, Cty CP Cơ điện - Môi trường Lilama được tỉnh cho phép tiếp nhận. Dự án có công suất 50-100 tấn/ngày đối với rác thải sinh hoạt, 25.000 tấn/năm đối với chất thải công nghiệp và 30.000 tấn/năm đối với chất thải nguy hại. Tuy nhiên, thời gian qua doanh nghiệp này liên tục gây ô nhiễm và bị UBND tỉnh “điểm tên” là 1 trong 5 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng và buộc khắc phục ô nhiễm trước tháng 9/2013. |