Khu xử lý 'đóng băng' suốt 3 năm, dân khốn khổ sống chung với rác

TPO - Cả huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) ngập trong rác thải, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng bởi khu xử lý rác bị vướng, không thể xây dựng trong suốt 3 năm qua.

3 năm “sống chung” với rác

Nhiều năm nay, các ngõ xóm, chợ, bìa rừng ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) trở thành nơi xả rác thải của người dân. Tình trạng rác thải vứt ngổn ngang tồn tại từ cuối năm 2017 đến nay gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Ghi nhận của Tiền Phong, ngay tại khu vực chợ Sơn cũ (thị trấn Hương Khê), có hàng tấn rác chất đống ngay sát đường tàu Bắc - Nam và bên trong chợ. Đáng nói, dù khối lượng rác đang trong tình trạng phân hủy, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc nhưng một số tiểu thương vẫn ngồi để buôn bán thực phẩm.

Tương tự, hai bên đường đoạn qua tổ dân phố 17, rác ngập tràn, kéo dài cả vài trăm mét. Mỗi khi đi qua, người dân phải “nín thở”.

Khu xử lý 'đóng băng' suốt 3 năm, dân khốn khổ sống chung với rác ảnh 1 Rác ngổn ngang khắp nơi tại huyện Hương Khê.

Theo tìm hiểu, sau khi bãi rác Trại Lợn (thị trấn Hương Khê) đóng cửa do ô nhiễm, cuối năm 2017, UBND huyện Hương Khê khảo sát lập Dự án Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại vùng Khê Nác (xã Gia Phố). Tuy nhiên thời điểm đó, người dân phản đối gay gắt, lo ngại ô nhiễm môi trường bởi vùng này nằm ở dòng nước đầu nguồn.

Đến năm 2018, UBND tỉnh khảo sát, phê duyệt Dự án Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung của huyện tại khoảnh 6, tiểu khu 208 thuộc xã Hương Thủy với tổng mức đầu tư hơn 23 tỷ đồng. Dù đã được Viện Nghiên cứu Môi trường về khảo sát, thiết lập địa giới nhưng khi bắt đầu triển khai xây dựng, dự án lại bị người dân phản đối và phải tạm ngừng cho đến nay.

Khu xử lý 'đóng băng' suốt 3 năm, dân khốn khổ sống chung với rác ảnh 2

Rác vứt la liệt gần sát khu vực đường tàu Bắc - Nam

Khu xử lý 'đóng băng' suốt 3 năm, dân khốn khổ sống chung với rác ảnh 3

Rác tràn ngập sau khu vực chợ Sơn (cũ), người dân đi qua phải nín thở.

 “Từ khi bãi rác Trại Lợn đóng cửa đến nay hơn 3 năm không có chỗ xử lý, vị trí tập trung rác cũng không có nên dân tiện đâu vứt đấy. Đi đâu cũng thấy rác, mỗi tuần bên môi trường chỉ chở vài xe đi xử lý nhưng không biết bao giờ mới hết được, vì rác giờ đổ khắp nơi”, một người dân ở thị trấn Hương Khê chia sẻ.

Bao giờ mới hết rác?

Thời gian qua, để xử lý rác tồn động tại địa phương, huyện Hương Khê đã trích ngân sách để thuê đơn vị ngoài vận chuyển, đưa rác đi xử lý tại Nghệ An. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là tạm thời bởi số tiền hàng tỷ đồng vận chuyển rác đi xử lý quá lớn so với điều kiện thu ngân sách của huyện.

Khu xử lý 'đóng băng' suốt 3 năm, dân khốn khổ sống chung với rác ảnh 4 Nhiều người dân vẫn buôn bán sát ngay cạnh đống rác.

Theo tính toán, lượng rác thải trung bình phát sinh giai đoạn 2019 - 2033 của thị trấn Hương Khê và 8 xã (Gia Phố, Phú Phong, Hương Xuân, Hương Thủy, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Long, Hương Bình) khoảng 7.535 tấn/năm (20,6 tấn/ngày).

Do đó, việc đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt tập trung tại địa bàn là rất cần thiết và cấp bách.

Khu xử lý 'đóng băng' suốt 3 năm, dân khốn khổ sống chung với rác ảnh 5

Rác quá tải, nhiều người dân tự thu gom rồi đốt.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Quyền, Trưởng phòng TN&MT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết: Dự án khu xử lý rác tại Hương Thủy hoàn thành thủ tục từ tháng 8/2019, nhưng khi dự án triển khai có một số người dân tại xã Hương Thủy và xã Gia Phố không đồng thuận.

Ngày 4/11 vừa qua, huyện tiếp tục có văn bản đề nghị tỉnh cho triển khai xây dựng dự án xử lý rác tại địa phương. "Nếu tỉnh cho phép, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành rà soát triển khai trong thời gian tới", ông Quyền nói.

Khu xử lý 'đóng băng' suốt 3 năm, dân khốn khổ sống chung với rác ảnh 6 Rác tấp chất đống trên khu vực đường mòn Hồ Chí Minh.

“Vấn đề này không phải 1 năm mà đã 3 năm rồi nên huyện muốn làm và cố gắng để làm được. Khi được tỉnh cho phép triển khai, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành rà soát, bảo vệ để thi công trong thời gian sớm nhất”, ông Quyền khẳng định

Theo ông Quyền, lâu nay lượng rác trên địa bàn huyện giao cho thị trấn Hương Khê hợp đồng với đơn vị khác mỗi tuần vận chuyển ba chuyến đi tiêu thụ. Mỗi xe khoảng 7-10 tấn, giá 1 triệu đồng/tấn. Số tiền để thuê đơn vị khác vận chuyển đi xử lý rất lớn so với ngân sách huyện, mỗi năm tỉnh hỗ trợ cho huyện 1 tỷ để xử lý rác.

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.