Khu du lịch sinh thái Mẫu Sơn được UBND Lạng Sơn giao cho Sun Group đầu tư

Khu du lịch sinh thái Mẫu Sơn được UBND Lạng Sơn giao cho Sun Group đầu tư
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019 của tỉnh Lạng Sơn diễn ra ngày 30/9, UBND tỉnh Lạng Sơn đã trao chứng nhận đầu tư quần thể Khu du lịch sinh thái Mẫu Sơn cho Tập đoàn Sun Group.

Đây là 1 trong 37 dự án được giao đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh.

Theo đó, Sun Group sẽ đầu tư xây dựng các hạng mục phục vụ hoạt động nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái mang bản sắc vùng núi phía Bắc, dự kiến đáp ứng nhu cầu khoảng 1 triệu khách/năm.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới Mẫu Sơn với một sự tiếc nuối, bởi “dư địa phát triển của Mẫu Sơn còn cao hơn cả Sapa” nhưng tới nay, vẫn không ai biết Mẫu Sơn đẹp, mát, tuyệt vời như thế nào.

Khu du lịch sinh thái Mẫu Sơn được UBND Lạng Sơn giao cho Sun Group đầu tư ảnh 1
 

Giàu tiềm năng, nhưng buồn tẻ

Mới trở về từ một chuyến đi “phượt” cùng bạn bè, anh Tuấn Anh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn còn nguyên những cảm xúc về vùng đất Mẫu Sơn tươi đẹp và hoang sơ. Có điều, so với 10 năm trước khi anh lần đầu lên đây, Mẫu Sơn dường như vẫn chìm trong hoang vu. Những nền móng biệt thự đổ nát, cũ kĩ rêu phong. Thấp thoáng bóng một vài vị khách. Du lịch Mẫu Sơn dường như vẫn còn là một từ khóa rất xa lạ với đại đa số.

“Chúng tôi lên đây chủ yếu để hưởng không khí mát lành, trong sạch chứ nói thực là dịch vụ chả có gì. Mấy cái nhà nghỉ bao nhiêu năm vẫn vậy, nói chung khá buồn tẻ”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Là vùng núi cao của tỉnh Lạng Sơn, Mẫu Sơn có địa hình đa dạng, độ cao trung bình 800 – 1.000 m so với mặt nước biển, bao gồm một quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ với đỉnh cao nhất là Phia Po (còn gọi là đỉnh Công hay Công Sơn) cao 1.541 m, đỉnh Pia Mê cao 1.520 m... Về mùa đông, Mẫu Sơn xuống tới nhiệt độ âm, thường xuyên có băng giá và có thể có tuyết rơi. Nhiệt độ trung bình năm ở đây là 15,5 độ C, quanh năm mây phủ.

Điều kiện địa hình và thiên nhiên khác biệt này giúp Mẫu Sơn có kiểu khí hậu ôn đới, mặc dù chỉ cách vùng đồng bằng vài chục cây số nhưng Mẫu Sơn mát mẻ ngay cả khi các vùng khác đang nóng bức vào mùa hè. Điểm đến này có đủ điều kiện để trở thành một trung tâm nghỉ dưỡng gần Hà Nội vào mùa hè, bên cạnh những cái tên quen thuộc như Tam Đảo, Ba Vì. Chưa kể, mùa đông, Mẫu Sơn cũng hấp dẫn không kém, du khách từ nhiều nơi ùn ùn kéo lên ngắm tuyết hay băng giá.

Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi cho một vị trí vô cùng thuận lợi, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà Mẫu Sơn còn nổi tiếng với các sản vật chè tuyết sơn, gà sáu cựa, chanh rừng, ếch hương, lợn quay, rượu Mẫu Sơn, đào chuông Mẫu Sơn hay dịch vụ tắm thuốc của đồng bào Dao...

Khu du lịch sinh thái Mẫu Sơn được UBND Lạng Sơn giao cho Sun Group đầu tư ảnh 2
 

Tiềm năng dồi dào thế, nhưng kể từ khi được người Pháp quy hoạch và xây dựng năm 1935, đã gần một thế kỉ trôi qua, du lịch Mẫu Sơn vẫn im hơi lặng tiếng. Những nhà nghỉ được xây từ thời Pháp nay đã đổ nát, hoang tàn. Những công trình mới xây và các dịch vụ vệ tinh cũng chủ yếu mang tính tự phát.

Mặc dù Khu du lịch Mẫu Sơn đã đ­­ược UBND tỉnh Lạng Sơn quy hoạch thành Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, leo núi thám hiểm và du lịch văn hoá với diện tích trên 20 ha ở độ cao trung bình t­ừ 800 – 1.200 m so với mặt n­ước biển, có hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn, bãi cắm trại... đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách du lịch, nhưng đến nay, việc triển khai còn rất chậm trễ, nếu không muốn nói là …chưa có gì.

Phải trở thành “điểm đến mới, bùng nổ”

Nhắc tới du lịch Mẫu Sơn tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2019 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh thì ai cũng biết rồi, nhưng mà có địa danh rất nổi tiếng mà các nhà đầu tư và khách du lịch chưa biết, đó là khu Mẫu Sơn. Khu này đã được quyết định là Khu du lịch quốc gia, cảnh sắc như chốn bồng lai tiên cảnh, đẹp không kém những cảnh đẹp trong truyện Thủy Hử của Trung Quốc hay cảnh đẹp Nhật Bản”.

Thủ tướng còn đánh giá dư địa phát triển của Mẫu Sơn còn cao hơn cả Sa Pa. “Việt Nam giờ cứ nói Sa Pa nhưng không ai biết Mẫu Sơn đẹp, mát, tuyệt vời như thế nào. Ở Việt Nam, đây là điểm nhiều tuyết nhất trong mùa đông, mùa hè thì mát mà chưa được khai thác. Như vậy là du lịch tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng. Chứ không phải chỉ có Tam Đảo, Sa Pa hay Bà Nà – Núi Chúa trong Đà Nẵng đâu, chính Mẫu Sơn mới thực sự là hấp dẫn”, Thủ tướng nói.

Thực sự hấp dẫn, mà lại chỉ cách Hà Nội khoảng 180 km, cách trung tâm tỉnh lỵ Lạng Sơn 30 km, tuyến đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn vừa được thông xe, việc di chuyển từ Hà Nội đi Mẫu Sơn, Lạng Sơn bây giờ thuận lợi hơn bao giờ hết. Với những tiềm năng và điều kiện phát triển thuận lợi như vậy, Mẫu Sơn nói riêng và Lạng Sơn nói chung đang trở thành “thỏi nam châm mới” hút vốn đầu tư.

Ngay tại hội nghị xúc tiến vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đã trao quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ, biên bản ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 25 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 60.000 tỷ đồng…

Việc trao giấy chứng nhận đầu tư quần thể du lịch sinh thái Mẫu Sơn cho Tập đoàn Sun Group  thực sự là tin mừng cho tỉnh Lạng Sơn và các tín đồ du lịch. Bởi lẽ, chủ đầu tư Sun Group đã ghi danh với việc khai thác thành công những điểm du lịch trên núi cao như Sa Pa- Lào Cai, Bà Nà – Đà Nẵng, biến những vùng đất hoang sơ đó trở thành trung tâm du lịch lớn, thay đổi diện mạo và nâng cao vị thế của điểm đến, không chỉ trong nước mà trên thế giới.

Thế nên, khi thông tin Sun Group đầu tư vào Mẫu Sơn được công bố, người ta đang đặt niềm tin lớn rằng “nàng công chúa ngủ yên trong rừng” sẽ được đánh thức, để Lạng Sơn trở thành “điểm đến mới bùng nổ trên bản đồ du lịch Việt Nam”, như Thủ tướng đã nêu.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.