'Không tử hình được Lê Văn Luyện'

'Không tử hình được Lê Văn Luyện'
Theo ông Vũ Quốc Việt (nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, Trưởng ban biên soạn Bộ luật Hình sự 1999), việc cho rằng “phải thay đổi quy định của Bộ luật Hình sự” để tử hình Lê Văn Luyện là trái luật, không phù hợp với nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa!

'Không tử hình được Lê Văn Luyện'

 > Góc nhìn nghi vấn Lê Văn Luyện có đồng phạm

Ông Nguyễn Quốc Việt: “Ở một số nước châu Âu, thậm chí luật pháp còn quy định tuổi thành niên phải là 20”
Ông Nguyễn Quốc Việt: “Ở một số nước châu Âu, thậm chí luật pháp còn quy định tuổi thành niên phải là 20”.
 

Thưa ông, khi soạn thảo Bộ luật Hình sự, từ căn cứ nào mà các nhà soạn luật đưa ra quy định không xử phạt án chung thân hoặc tử hình với người phạm tội dưới 18 tuổi?

Nghiên cứu khoa học cho thấy, người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như về tâm, sinh lý. Họ bị hạn chế về trình độ nhận thức cũng như về kinh nghiệm sống, thiếu những điều kiện về bản lĩnh tự lập.

Ngoài ra, khả năng tự kiềm chế chưa cao nên họ dễ bị kích động, dễ bị lôi kéo vào những hoạt động phiêu lưu, mạo hiểm. Do đó, pháp luật hình sự Việt Nam đã đặt ra những nguyên tắc riêng khi xử lý hành vi phạm tội của người chưa thành niên.

Chính sách hình sự của Việt Nam đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên là nhằm giúp đỡ, cải tạo, giáo dục để người chưa thành niên nhận ra sai lầm, từ đó sửa chữa những sai lầm của mình, tạo điều kiện để các em có khả năng tái hòa nhập cuộc sống.

Khi đó Ban soạn thảo có tính đến tỉ lệ người chưa thành niên phạm tội?

Theo các nghiên cứu trước đó, tỉ lệ người chưa thành niên phạm tội trong số các vụ án là cực nhỏ. Những vụ án có tính chất man rợ như vụ án Lê Văn Luyện thì lại còn ít hơn nữa.

Lê Văn Luyện một mình gây án trong tiệm vàng!

Trong diễn biến mới của vụ án, CQĐT đã có đầy đủ căn cứ, bằng chứng khoa học để khẳng định Lê Văn Luyện là hung thủ duy nhất trong vụ án giết người cướp của tại tiệm vàng Ngọc Bích. Thông tin do Đào Văn Biên - Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Bắc Giang cung cấp.

Công an tỉnh Bắc Giang chưa thể đưa Luyện đến tiệm vàng để dựng lại hiện trường vụ án nhưng khẳng định sẽ hoàn tất hồ sơ vụ án trong tháng 9 này.

Trước tình trạng mất an ninh và trật tự an toàn xã hội trong hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tại trụ sở các Ngân hàng, các địa điểm kinh doanh vàng.

Nghĩa là vẫn có những vụ án như vậy xảy ra. Vậy trong trường hợp đó, trách nhiệm thuộc về ai?

Vì các đối tượng này đang sống trong sự bao bọc của gia đình, nhà trường, xã hội nên nếu các em phạm tội, thì trước tiên trách nhiệm thuộc về gia đình, nhà trường, cộng đồng chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các em. Thành ngữ có câu “Con dại, cái mang” là vì thế. Anh có một phần thiếu trách nhiệm, thì con cái anh mới hư hỏng.

Ban soạn thảo khi đó có tham khảo luật hình sự của các nước trên thế giới về vấn đề này?

Chúng tôi đã tham khảo khá nhiều và nhận thấy độ tuổi 18 là phù hợp với các điều kiện của Việt Nam. Ở một số nước châu Âu, thậm chí luật pháp còn quy định độ tuổi đó phải là 20.

Ông có bình luận gì về việc nhiều bạn đọc cho rằng cần phải xử tử đối tượng Luyện để làm gương?

Luật đã quy định rõ: “Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội”.

Đây là nguyên tắc bao trùm mang tính chất chỉ đạo thể hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam lấy giáo dục làm nền tảng, trọng tâm trong quá trình xử lý vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên.

Luật đã được lấy ý kiến toàn dân, đã được Quốc hội thông qua, thể hiện bản chất nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa, vì vậy không có lý gì mà chỉ từ một vụ việc lại có thể đòi sửa luật hoặc dẫm lên luật, làm trái luật. Theo tôi, vì vụ việc này có nhiều tình tiết man rợ nên có thể có nhiều người bức xúc mới nói như vậy. Chúng ta nên bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề.

Trong quá trình xử lý và áp dụng biện pháp hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, cần cân nhắc thận trọng để bảo đảm được mục đích giáo dục, uốn nắn, răn đe các hành vi lệch lạc, làm cho người phạm tội thấy rõ những sai phạm và tự giác sửa chữa với sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường và xã hội. Đó mới là mục đích cao cả nhất của pháp luật hình sự.

Xin cảm ơn ông

Thạc sĩ Phan Anh Tuấn - Trưởng Bộ môn Luật hình sự, Trường Đại học Luật TP.HCM: Con người phải đạt đến độ tuổi nhất định thì mới có năng lực trách nhiệm hình sự

Theo Luật Hình sự, chủ thể của tội phạm là con người có đủ điều kiện để có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Mà chủ thể của tội phạm nói trên là người có năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS). Con người phải đạt đến độ tuổi nhất định thì mới có năng lực TNHS.

Vì vậy, người chưa thành niên chỉ chịu mức án cao nhất không quá 18 năm tù là phù hợp. Xét đến lỗi đã tạo nên hành vi phạm tội của Luyện, một phần do ảnh hưởng của độ tuổi đến quá trình nhận thức của bản thân, ảnh hưởng của môi trường sống, của thu nhập và các mối quan hệ trong xã hội. Phần còn lại phải kể đến sự giáo dục của gia đình, nhà trường về ý thức tuân thủ pháp luật.

Một nguyên tắc được nhắc đến đó là tính nhân đạo của Nhà nước ta đối với người chưa thành niên như Luyện. Tuy nhiên, nói vậy không phải là xử lý nhẹ người chưa thành niên khi họ phạm tội mà mức xử lý họ phải đủ để cải tạo, giáo dục và đồng thời mức hình phạt bao hàm sự trừng trị ở mức độ thích hợp. Điều này cũng phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Ông Võ Văn Thêm - Kiểm sát viên cao cấp, VKSND tối cao: Bản chất của pháp luật Việt Nam không phải là “giết người, đền mạng”

Khoản 5, Điều 69, Bộ luật Hình sự quy định “không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội”. Còn theo Khoản 1, Điều 74, Bộ luật hình sự, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù.

Trong trường hợp phạm nhiều tội thì việc tổng hợp hình phạt cao nhất cũng không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 74 Bộ luật Hình sự. Như vậy, trong trường hợp này, Lê Văn Luyện nhận mức hình phạt cao nhất cũng chỉ 18 năm tù, kể cả trong trường hợp bị tuyên án phạm cùng lúc nhiều tội đặc biệt nghiêm trọng.

Mặc dù nhiều người không đồng tình và cho rằng phải sửa luật, nâng cao mức hình phạt để những em chưa đủ tuổi thành niên lo sợ, không dám vi phạm pháp luật nữa nhưng trước khi ban hành luật, Quốc hội đã căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố đạo đức. Bản chất của pháp luật Việt Nam không phải là “giết người, đền mạng” mà để răn đe, cảm hóa, giáo dục nhận thức cho tội phạm.

Qua trường hợp này, tôi nghĩ, chúng ta cần phải đẩy mạnh công tác giáo dục cho trẻ hơn nữa, đặc biệt là môn Giáo dục công dân để các em không mắc phải những sai phạm sau này.

Luật sư Nguyễn Minh Luận - Đoàn luật sư TP.HCM: Vấn đề vừa mang tính pháp lý vừa mang tính nhân văn

Người chưa thành niên là những người chưa hoàn toàn phát triển đầy đủ về nhân cách, chưa có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân.

Ở Việt Nam, độ tuổi người chưa thành niên được xác định thống nhất trong Hiến Pháp năm 1992, Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và một số văn bản quy phạm pháp luật khác.

Tất cả các văn bản pháp luật đó đều quy định tuổi của người chưa thành niên là dưới 18 tuổi và quy định riêng những chế định pháp luật đối với người chưa thành niên trong từng lĩnh vực cụ thể.

Người chưa thành niên do chưa phát triển hoàn thiện về mặt thể chất, nhận thức và nhân cách nên việc bảo vệ, chăm sóc người chưa thành niên; việc phòng ngừa và điều tra tội phạm, xử lý người chưa thành niên phạm tội là vấn đề vừa mang tính pháp lý vừa mang tính nhân văn. Một số ý kiến cho rằng phải xử tử đối tượng Luyện là không phù hợp.

Theo Pháp luật Việt Nam
Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.