Đại diện công ty Aero Vodochody xác nhận việc ký hợp đồng cung cấp bốn máy bay huấn luyện L-39NG mới để phục vụ cho công tác đào tạo phi công của Không quân Cộng hòa Séc. Chiếc máy bay đầu tiên sẽ được bàn giao cho Cộng hòa Séc trước 28 tháng kể từ khi hợp đồng bắt đầu có hiệu lực, theo Military Leak.
Máy bay phản lực L-39NG của Séc. Ảnh: Military Leak |
Ảnh: Military Today |
L-39NG do công ty Aero Vodochody phát triển và sản xuất. Phiên bản mới có động cơ mạnh mẽ, khung thân nhẹ và buồng lái bằng kính hiện đại kết hợp với hệ thống điện tử hàng không tiên tiến.
L-39NG được giới thiệu tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Farnborough vào tháng 7/2014. Nguyên mẫu đầu tiên được cất cánh thử nghiệm vào năm 2018.
L-39NG được phát triển qua hai giai đoạn. Ảnh: Wikipedia |
Được đánh giá là dòng máy bay huấn luyện đáp ứng tiêu chuẩn NATO, L-39NG được phát triển trong hai giai đoạn: Giai đoạn 1 là nâng cấp khung máy bay cùng với động cơ và hệ thống điện tử hàng không mới. Giai đoạn 2 hoàn chỉnh với một số cải tiến như buồng lái bằng kính, cùng 5 điểm treo của máy bay. Ở phiên bản mới này, L-39NG được ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, phù hợp cho việc huấn luyện phi công các máy bay thế hệ thứ 4 và 5.
Máy bay được thiết kế 2 chỗ ngồi. Ảnh: wikipedia |
Máy bay huấn luyện quân sự 2 chỗ ngồi được thiết kế với chiều dài 12,03 m; sải cánh 9,56 m và chiều cao 4,76 m. Tải trọng rỗng của L-39NG là 3100 kg, trọng tải cất cánh tối đa đạt 5800 kg. Khối lượng vũ khí mà L-39NG có thể mang theo là 1.200 kg, gấp 5 lần con số 250 kg của L-39 Albatros.
L-39NG có thể đem theo nhiều loại vũ khí khác nhau. Ảnh: wikipedia |
L-39NG được thiết kế với 5 giá treo vũ khí giúp nó có thể mang được nhiều loại tên lửa, các loại bom, đạn và thiết bị cảm biến khác. Vũ khí sử dụng phòng thủ tầm gần bao gồm tên lửa không đối không và súng 12,7 mm hoặc pháo 20 mm. L-39NG có thể sử dụng bom dẫn đường bằng laser (GBU), rocket có điều khiển bằng laser (70mm); bom rơi tự do (Mk82); rocket không điều khiển FFAR (70mm).
Động cơ phản lực cánh quạt FJ44-4M. Ảnh: wikipedia |
Máy bay được trang bị động cơ phản lực cánh quạt FJ44-4M của Mỹ tạo ra lực đẩy tối đa 16,87kN cho phép nó bay với vận tốc 775 km/giờ; tốc độ leo 23 m/s; trần bay 11,5 km; tầm hoạt động 2.600 km và thời gian hoạt động 4 giờ 30 phút. Tuổi thọ của mỗi chiếc máy bay được nâng lên 15.000 giờ bay, gấp 4 lần so với phiên bản tiền nhiệm của nó.
Buồng lái của máy bay được trang bị kính hiện đại. Ảnh: wikipedia |
L-39NG sử dụng buồng lái bằng kính hiện đại cùng với các màn hình LCD hiển thị thông tin, trang bị radar Grifo-F cho khả năng bắt bám mục tiêu ở khoảng cách 57 km, theo dõi đồng thời 8 mục tiêu và tiêu diệt cùng lúc 2 mục tiêu trong số đó.