Ông Lê Như Tiến cho biết:
Có hai quan điểm khác nhau về việc này. Một là nếu không thi, học sinh sẽ không chịu học. Một lần thi là một lần giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức. Có lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH là hai kỳ thi tính chất khác nhau, đồng thời cũng là để kiểm tra kiến thức. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, thi tốt nghiệp mà tuyệt đại đa số đều tốt nghiệp thì kỳ thi đó không còn mấy ý nghĩa. Vì vậy cho rằng nên xét tuyển tốt nghiệp từ kết quả các năm học phổ thông. Không ít người từng là lãnh đạo trong ngành giáo dục và cả Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đã phát biểu thể hiện đồng tình quan điểm này. Chúng ta phải nghiêm túc nghiên cứu và tôi cho là Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng nên tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học để tìm ra căn cứ và lời giải đáp cho việc này.
Qua nghiên cứu trên thế giới, ông thấy các nước có kinh nghiệm tổ chức thi cử như thế nào?
Một số nước vẫn duy trì thi tốt nghiệp THPT nhưng đầu vào ĐH lại rất cởi mở, chỉ là ghi danh thôi, còn quá trình học thì chặt chẽ, nghiêm túc. Tôi có tìm hiểu một số trường ĐH ở châu Âu, họ cho biết vào ĐH thì dễ thôi, nhưng đến lúc ra chỉ có 40-50 hoặc 60% sinh viên được nhận bằng tốt nghiệp; số còn lại chỉ được cấp chứng chỉ các môn học.
Thế nên, chúng ta cần nghiên cứu thấu đáo hơn nữa. Nếu duy trì thi tốt nghiệp THPT chặt chẽ thì đầu vào ĐH có nên quá chặt như hiện nay không? Còn nếu thấy vẫn cần có một kỳ thi ĐH để tuyển được những người có kiến thức tốt hơn vào ĐH thì hãy suy nghĩ xem có nên để hai kỳ thi quốc gia quá gần nhau và đều căng thẳng như hiện nay không? Vì nó tạo áp lực lớn, và chưa kể là còn gây ra biết bao nhiêu tốn kém cho xã hôi.
Tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT và các cơ quan của Chính phủ cần nghiên cứu, lấy ý kiến chuyên gia, nhà quản lý để có giải pháp tốt hơn, chỉ để lại một kỳ thi thôi. Còn nếu vẫn để hai kỳ thi thì kỳ thi tốt nghiệp THPT nên như là đánh giá chất lượng, không nên tổ chức thành một kỳ thi quốc gia nặng nề.
Thi tốt nghiệp THPT gần với kỳ thi ĐH tạo áp lực lớn cho học sinh và gây tốn kém cho xã hội. Ảnh: Ngọc châu. |
Ủy ban VHGD TNTN và NĐ có ý kiến gì về việc này chưa, thưa ông?
Vừa rồi chúng tôi cùng UBTVQH tổ chức một cuộc giám sát rất lớn, qua đó có nêu ra vấn đề này. Đó là cuộc giám sát về nâng cao chất lượng của giáo dục phổ thông và nội dung trọng tâm là chương trình và SGK. Khi chương trình và SGK tốt rồi, chất lượng giáo dục đã tốt rồi, việc tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT có thực sự cần thiết nữa không hay sẽ phải tổ chức theo cách đơn giản hơn? Chúng tôi nêu câu hỏi ra để Bộ GD&ĐT và Chính phủ trả lời.
Vậy, cho tới nay, xung quanh chuyện thi cử, Ủy ban có quan điểm cụ thể gì chưa?
Hiện giờ vẫn trong quá trình giám sát để chuẩn bị báo cáo QH tại kỳ họp tới. Tôi tin chắc trước kỳ họp tới thì sẽ có kiến nghị của Ủy ban trong việc xây dựng chương trình, nâng cao chất lượng SGK, chất lượng giáo dục phổ thông và qua đó sẽ có kiến nghị về tổ chức thi cử sao cho phù hợp hơn.
Bỏ hay không bỏ hoặc có cách tổ chức như thế nào đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, quan điểm của ông?
Tôi nghĩ để hai kỳ thi như hiện nay là quá nặng nề, nên có thể giản tiện đi một kỳ thi phổ thông hoặc ĐH. Phải nghiên cứu kỹ, nhưng nói thật là không nên để hai kỳ thi như hiện nay. Đây chỉ là quan điểm riêng của tôi chứ đến nay Ủy ban VHGD TNTN và NĐ cũng chưa nêu quan điểm.
Cảm ơn ông.
Bộ GD&ĐT nên tổ chức các hội nghị khoa học trong toàn quốc, lấy ý kiến chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, thậm chí lấy ý kiến phụ huynh và học sinh để tổ chức thi cử thực chất, hiệu quả, không gây áp lực và quá nặng nề. |
Nguyễn Tuấn thực hiện