Không nên có trục Hồ Tây - Ba Vì

Không nên có trục Hồ Tây - Ba Vì
TP - Việc Bộ Xây dựng tiếp tục bảo lưu trục Thăng Long, nay đổi tên là đường Hồ Tây - Ba Vì, là không có đầy đủ căn cứ khoa học, là sai lầm nghiêm trọng.

>> Không có cơ sở!

>> Trục hay không trục?

“Đầu thoát giao thông…”, đầu gì?

Quy hoạch giao thông vận tải phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch giao thông vận tải đối ngoại của Thủ đô Hà Nội phải phục vụ cho chức năng Thủ đô là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, lịch sử, khoa học, quốc phòng của quốc gia, phù hợp với quy hoạch phát triển hai hành lang kinh tế phía bắc.

Tôi không hiểu xây dựng đường Hồ Tây - Ba Vì để có “đầu thoát giao thông ra khỏi nội đô”, như ông Nguyễn Đình Toàn (Thứ trưởng Bộ Xây dựng) trả lời báo chí mới đây, là để làm gì và sẽ đi về đâu. Quy hoạch giao thông phải dựa trên số liệu tính toán dự báo lưu lượng giao thông trong tương lai, chứ không phải từ chủ quan cảm tính.

Giao thông Hà Nội theo hướng tây đã có quốc lộ 32, nối Hà Nội - Sơn Tây từ thời Pháp thuộc, đã được sửa chữa nâng cấp nhiều lần; tương lai, nếu có nhu cầu giao thông lớn hơn, vẫn có thể cải tạo, nâng cấp một cách kinh tế nhất, nhanh nhất.

Lại nữa, giao thông Hà Nội theo hướng tây còn có đường số 6 Hà Nội- Xuân Mai -Hòa Bình, đã có đường Láng - Hòa Lạc, đang thi công và sắp hoàn thành. Đây là đường cao tốc loại A vùng đồng bằng, với tốc độ thiết kế 120 km/h. Mỗi bên đường có ba làn xe chính và hai làn đường gom. Tổng cộng, có 10 làn xe. Dải phân cách giữa đường còn rộng. Tương lai, khi cần thiết, sẽ mở rộng các làn xe chạy vào dải phân cách này.

Đường Láng - Hòa Lạc còn nối liền với đường Hồ Chí Minh; nếu có nhu cầu, sẽ nối lên Ba Vì là ngắn nhất, thuận tiện, hợp lý nhất và kinh tế nhất.

Hội đồng thẩm định, có khách quan?

Bộ Xây dựng thường công bố “tại các cuộc triển lãm lấy ý kiến nhân dân đều nhận được sự đồng thuận trên 70%”. Để tổng kết đánh giá chính xác và khách quan ý kiến của nhân dân, Bộ Xây dựng nên phân tích có bao nhiêu người trả lời trên tổng số người đến xem triển lãm, những người đồng thuận đó là ai, tỉ lệ những người có quyền lợi cá nhân liên quan với trục Thăng Long.

Vì sao Bộ Xây dựng lại không tổng kết ý kiến phản đối của đại đa số chuyên gia, các hội khoa học kỹ thuật có liên quan, đại đa số ý kiến không tán thành tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 vừa qua?

Bộ Xây dựng cũng thường nói đã có hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định đồ án quy hoạch này trước khi trình Thủ tướng phê duyệt. Thực chất hội đồng này cũng do Bộ Xây dựng chọn lựa và đưa lên. Chủ tịch hội đồng là Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Hội đồng có 11 thành viên, thì ba người là lãnh đạo Bộ Xây dựng (cơ quan chỉ đạo và thiết kế quy hoạch), một đại diện lãnh đạo Hà Nội, bảy ủy viên khác là thứ trưởng các bộ/ngành hữu quan.

Rõ ràng, thành phần hội đồng như vậy không thể bảo đảm tính khách quan và không đủ khả năng chuyên môn để tư vấn cho Thủ tướng về quy hoạch của Thủ đô Hà Nội.

GS-TSKH. Phạm Ngọc Đăng
Chủ tịch Hội Môi trường XD VN, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT VN

MỚI - NÓNG